Ăn Tết Độc lập ở Than Uyên

Với người “đất gió” Than Uyên (Lai Châu) ngoài Tết Nguyên đán cổ truyền ra, còn có thêm một cái Tết to không thể thiếu trong đời sống văn hóa của bà con nơi đây -  Tết Độc lập mồng 2-9.

Treo cờ Tổ quốc là điều thiêng liêng với gia đình Nghệ nhân dân gian Lò Văn Sơi.
Treo cờ Tổ quốc là điều thiêng liêng với gia đình Nghệ nhân dân gian Lò Văn Sơi.

1. Ông Lò Văn Hương, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết: Hằng năm vào dịp Quốc khánh (2-9), bà con các xã tập trung về sân vận động thị trấn biểu diễn các hoạt động văn hóa văn nghệ, thi đấu thể dục thể thao và tham gia các trò chơi dân gian truyền thống… chào mừng Tết Độc lập.

Đã thành thông lệ, chào mừng Tết Độc lập, bà con đồng bào Khơ Mú bản Thẳm Phé, xã Mường Kim từ sáng sớm đã cùng tổng vệ sinh đường bản, nhà cửa, treo cờ Tổ quốc. Họ dành chọn những thứ quả thơm, tươi nhất, làm nhiều loại bánh ngon, chuẩn bị những sản vật mang đậm bản sắc vùng cao cho mâm lễ cúng tổ tiên, tưởng nhớ Bác Hồ. Món dâng cúng trong ngày Tết Độc lập của người Khơ Mú nhất thiết phải có cá nướng mà phải là cá “Pa Păn” - loài cá bống đuôi đỏ sống ở kẽ đá khe suối nước sạch. Cá “Pa Păn” nguyên con đem ướp với vị mắc khén (hạt tiêu rừng) sấy trên lửa củi. Ngoài ra, trên mâm cỗ có thêm thịt gà luộc, rượu men lá và bánh gạo, thứ bánh bằng bột gạo có nhân thịt, lạc đem giã vừa, gần giống như bánh đúc của đồng bào người Kinh. Chén trong mâm cúng của người Khơ Mú khá đặc biệt, được làm bằng vỏ quả sổ, hoặc vầu tre. Các cao niên trong bản kể, ấy là nhằm tưởng nhớ thời kỳ trước cách mạng, người Khơ Mú chưa biết đến cái chén bằng sứ như ngày nay.

2. 55 tuổi Đảng, cũng như bao gia đình khác, cả nhà cụ già Khơ Mú Hoàng Văn Bách không tổ chức xuống huyện chơi mà đón Tết Độc lập tại nhà. Những dịp quây quần như thế này, cụ lại nhắc nhở con cháu về sự kiện mà bà con mình vẫn quen gọi là “Tết Độc lập” nhưng thực tế nhiều người chưa tỏ tường. “Từ nhỏ tôi đã được các cao niên đi trước kể lại, ngày 2-9 với bà con miền núi Than Uyên là một cái Tết to, một ngày hội lớn “riêng có”. Còn nhớ cái thời xưa, cứ vào tuần cuối tháng 8, tiếng chân người, ngựa rầm rập khắp các rẻo cao hạ sơn, hội tụ về trung tâm huyện mấy ngày. 365 ngày lại gặp nhau tay bắt mặt mừng, ai cũng vui, say sưa uống cạn bát rượu đầy, ăn thắng cố, múa khèn, thổi sáo cả đêm, cuộc vui kéo dài cả tuần mới tan. Từ lâu, người Than Uyên coi Tết Độc lập không kém gì Tết Nguyên đán, con cháu dù ở đâu, ngày này cũng thu xếp về sum họp gia đình”, cụ chia sẻ.

Ăn Tết Độc lập ở Than Uyên -0
Bà con các dân tộc huyện Than Uyên xuống phố chơi, luôn bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. 

3. Bà con dân tộc Thái bản Cang Mường, xã Mường Cang dịp Tết Độc lập cũng xốn xang. Treo cờ Tổ quốc chào mừng, nhà nào cũng làm những món ăn truyền thống, trang trí bàn thờ thật đẹp để bày mâm lễ. Có lẽ người vui nhất bản là Nghệ nhân dân gian Lò Văn Sơi. Như thường lệ, việc đầu tiên ông cùng gia đình bà con vệ sinh đường bản, nhà cửa. Năm nào cũng vậy, ông không quên hướng dẫn con cháu cách treo cờ Tổ quốc cho đúng, ông coi đó là việc làm thiêng liêng không thể thiếu trong mỗi gia đình. Nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trong nắng sớm, ông thấy mình lâng lâng.

Trong những ngày Tết, ông Sơi thường nhắc lại những câu chuyện về ý chí đấu tranh kiên cường của các chí sĩ cách mạng tiền bối, những mẩu chuyện về Bác Hồ đã được in sâu vào tâm trí anh binh nhất Lò Văn Sơi trong những buổi sinh hoạt chính trị ở đại đội. Sau ba tháng vừa hành quân vừa huấn luyện, tháng 11-1971, ông và đồng đội đã đặt chân trên đất bạn Lào làm nhiệm vụ quốc tế. Trong kế hoạch giải phóng phía đông cánh đồng Chum - Xieng Khouang (Lào), quân lệnh hỏa tốc, Trung đoàn 335 của ông nhanh chóng có mặt tại Boum Long - khu căn cứ của tướng phỉ Vàng Pao. Đánh nhau ác liệt là thế, nhưng chưa khi nào chàng lính người Thái Lai Châu quên cây đàn Tính, mỗi khi có dịp quây quần cùng đồng đội, anh lại mang tính tẩu ra. Cây đàn như một niềm kiêu hãnh, biểu tượng cho đứa con trai Thái đã trưởng thành. 

Sau này xuất ngũ, cây đàn luôn bên ông cho đến khi về nghỉ chế độ sau thời gian công tác ở Hạt Kiểm lâm huyện Than Uyên. Nặng lòng với văn hóa Thái, mong muốn bảo tồn giá trị văn hóa Thái thế hệ sau, ông cùng các cao niên bắt tay vào biên soạn các tập tục người Thái trắng ở Than Uyên và xây dựng câu lạc bộ hát Then - đàn Tính. Thế nên trong các hoạt động của bản mường và gia đình, khi có dịp tụ tập, ông lại đàn hát mọi người cùng nghe. Giờ ngoài sáng tác sưu tầm văn hóa Thái, ông còn chỉ dạy con cháu cách chơi tính tẩu và công đoạn chế tác một cây đàn tính truyền thống như thế nào.

4. Con đường bê-tông hóa trong chương trình xây dựng Nông thôn mới về xã Hua Nà hôm nay đẹp hơn. Niềm vui ấy hiện lên trong mỗi khuôn mặt bà con nơi đây. Hai bên trục đường vào các bản Pù Cày, Loọng Bon, Hua Nà san sát những vườn ổi rung rinh trĩu quả đung đưa trong gió, những mô hình kinh tế nông trại khá quy củ. Như nhiều hộ người Thái bản Pù Cày, anh Hà Văn Thợi đã biết tận dụng tiềm năng đất đai khai thác có hiệu quả mô hình kinh tế VAC. Đến nay, mô hình VAC của anh cho thu nhập hơn 120 triệu đồng với việc duy trì nuôi bảy trâu, 20 lợn giống, 12 lợn thịt, một lợn nái; 500 m2 diện tích mặt nước nuôi chép, trắm, cá rô phi đơn tính; hơn 100 gà, 20 vịt. Với diện tích 6.000 m2 ruộng nước, anh thay đổi giống lúa địa phương chuyển sang trồng giống chất lượng cao Séng cù, mỗi năm thu nhập hơn 10 triệu đồng.

Còn Nùng Văn Nên từ lâu anh được bà con Hua Nà quý mến bởi chính anh là người mạnh dạn đưa giống ổi ngon về vùng đất này, Nên kể: “Nhận thấy đất đai màu mỡ, thích hợp một số cây ăn quả ôn đới, năm 2012 mình mua 100 gốc giống ổi Đài Loan (Trung Quốc) về trồng trong vườn gia đình. Lứa quả đầu tiên bán ra thị trường được khách hàng trên địa bàn huyện rất ưu chuộng vì quả ngon, thơm, ít hạt. Một cây to thu hoạch 20 kg/vụ với giá trên thị trường bình quân 30 nghìn đồng/kg. Từ năm 2016, bà con trong xã thấy ổi sinh trưởng, phát triển tốt nên ai cũng mua giống về trồng từ 20 - 30 cây. Cây ổi trồng ở Hua Nà có thể giúp dân mình có thêm thu nhập đáng kể”. 

Từ mô hình trồng ổi Đài Loan của anh Nên, nhiều hộ khác trên địa bàn xã Hua Nà cũng đến học hỏi kỹ thuật trồng ổi, kinh nghiệm làm vườn đưa giống ổi vào trồng tại gia đình. Mô hình được bà con nhân rộng với tổng diện tích 2 ha và bước đầu phát huy được tiềm năng trên vùng đất nơi đây. Cấp ủy, chính quyền xã cũng khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích đưa cây ổi sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, nhằm phát triển kinh tế gia đình vươn lên làm giàu, giảm nghèo bền vững. Giờ đây thương hiệu ổi Hua Nà đã có tiếng trên thị trường, nhìn cảnh thương lái tấp nập về tận vườn thu mua ổi cung cấp cho các nhà hàng mới thấy được giá trị thơm thảo của đất miền rừng... 

Tết Độc lập năm nay do tình hình dịch Covid-19, thay cái bắt tay, mời nhau quán xá, mọi người ra đường chào nhau bằng cái gật đầu, khẩu trang, găng tay kín đáo. Tuy nhiên, trong ngày Tết Độc lập, nhà nào cũng gói bánh chưng, bởi theo quan niệm người Than Uyên không có bánh chưng thì không phải là Tết. Và như thế Tết Độc lập từ lâu đã khắc sâu vào tâm trí bà con nơi này, trở thành một nét văn hóa truyền thống của người “đất gió” Than Uyên.