Ám ảnh ô nhiễm rác

Những núi rác được “bồi đắp” thêm từng ngày do tiến trình xử lý chậm chạp. Việc quy hoạch bãi rác bị thay đổi, thả nổi.
0:00 / 0:00
0:00

Nhiều hệ lụy phát sinh như ô nhiễm môi trường, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước… Đó là tình trạng chung ở nhiều địa bàn mà bãi rác phường Phả Lại, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương là một trong những điểm nóng. Hơn 25 năm từ ngày đi vào hoạt động, chừng ấy năm người dân sống trong ô nhiễm.

Khởi điểm, bãi rác được quy hoạch để xử lý rác thải sinh hoạt. Chính quyền phường ký kết với công ty môi trường và cam kết sẽ xử lý rác thải bằng men vi sinh. Nhưng thay vào đó, rác lại được xử lý bằng cách đốt diện rộng. Những làn khói xanh, đỏ, vàng bốc lên từ sáng sớm tới đêm khuya. Mùi khét nylon cháy, mùi hóa chất khi đốt những bao, bì mầu trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Bà con bức xúc: Khi mùi nồng nặc quá, người dân kiến nghị thì hôm sau bên họ còn cho lửa cháy to hơn. Có nhà đi ngủ phải đeo hai, ba cái khẩu trang. Dân đã kiến nghị, yêu cầu xem hợp đồng ký kết với công ty môi trường nhưng không được chấp thuận.

Bãi rác sinh hoạt này còn thêm ô nhiễm do tập kết rác thải công nghiệp vốn không có trong quy hoạch. Rác thải công nghiệp xả còn gấp nhiều lần rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, loại rác này khó và cần nhiều công đoạn hơn rác thải sinh hoạt. Được biết, khi khai thác khu đất làm bãi rác, chính quyền địa phương không quây tường chắn chung quanh khiến rác cứ ngày một tràn lan. Nay bãi rác đã cao đến 30m và có khả năng… đổ tràn xuống hồ nước ngọt bên cạnh, có chiều sâu 50m. Việc không đổ nền còn khiến nước rác ngấm xuống đất, đe dọa nguồn nước ngầm sử dụng cho sinh hoạt của các hộ dân trên địa bàn. Chưa hết, việc đốt rác với lửa lớn còn khiến ngọn lửa cháy lan sang bìa rừng phòng hộ bên cạnh và làm đất đồi trơ trụi cả một mảng. Đã có nhiều vụ cháy rừng xảy ra… Bà con càng bức xúc khi đã phản ánh lên phường nhưng lại được trao đổi lại là cháy rừng do người dân đốt rừng, chứ không phải do đốt rác.

Người dân sở tại còn nhiều lần đề xuất với phường về việc quy hoạch lại bãi rác. Nhưng cũng chỉ được trả lời là sẽ làm, đang tìm quỹ đất. Nhưng mãi chưa có thay đổi. Cho đến nay, người dân mất tiền để được xử lý rác nhưng vẫn phải tốn công sức ngày ngày “trông coi” bãi rác đề phòng xe rác thải công nghiệp vào “đổ trộm”. Cùng với đó là những bức xúc về các đề xuất, kiến nghị không biết tới bao giờ mới được thực hiện.