AI có thắng được nhà văn?

Sáng 19/12, Hội Nhà văn Hà Nội - Ban Văn Trẻ và Câu lạc bộ Văn học Trẻ đã tổ chức tọa đàm “Một tương lai ai viết văn”.
0:00 / 0:00
0:00
Nhà thơ Hoàng Cát phát biểu ý kiến tại tọa đàm.
Nhà thơ Hoàng Cát phát biểu ý kiến tại tọa đàm.

Tọa đàm kéo dài suốt ba tiếng đồng hồ với nhiều vấn đề xoay quanh mối quan hệ của AI (trí tuệ nhân tạo) với văn học. Trong hoàn cảnh AI đang tác động đến mọi mặt của cuộc sống hiện đại thì văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung phải “ứng biến” như thế nào? AI liệu có thể sáng tạo văn học nghệ thuật, thứ vẫn được xem như quyền năng tối thượng của con người?

Với tham luận “Văn học nghệ thuật và AI - Giây phút cùng nhìn nhận”, nhà thơ trẻ Trung Hiếu, sinh năm 2005 tại An Giang cho rằng: “Văn chương là sự kết tinh, pha trộn giữa những điều chứa đựng trong hiện thực, được nảy nở từ trí tuệ, nghĩ suy và viết nên bởi những dòng thăng hoa cảm xúc. Cứ cho rằng AI có một trí tuệ đặc thù, thông minh qua quá trình nhào nặn, có được sự tiếp thu thực tế qua bộ não nhân tạo có sức chứa lớn hơn cả con người, những cái cốt lõi, cũng chính là yếu tố đủ để cấu thành văn chương là cảm xúc, thì AI đành đầu hàng”.

Vũ Kiều Trinh, nghiên cứu sinh tại Khoa Văn Trường đại học Sư phạm Hà Nội qua một vài thí dụ thực tế, nêu quan điểm: “Nhờ những véc-tơ hóa một cách đồng bộ và từ chối chức năng linh cảm bằng trực giác mà AI có thể động chạm được những quy luật phổ biến nằm ngoài ngôn ngữ. Những sự viết của AI rất có thể sẽ đem đến những điểm nhìn khác biệt theo tư duy thông thường của chúng ta, khi chúng ta ở trong một vai trò nào đó”.

Còn nhà thơ Hoàng Cát thì nhấn mạnh: “Bản chất của AI là đạo văn”. AI có thể có bộ não lớn gấp mười, gấp tỷ lần con người, nhưng không thể thay thế được con người. “Giá trị lớn nhất, cao nhất, muôn đời và mãi mãi của con người, nằm ở phạm trù tinh thần và nó sẽ tồn tại mãi mãi”, nhà thơ khẳng định. Còn nhà văn trẻ Vũ Đức Anh (1993, Hà Nội) và tác giả Phạm Linh Nhi (2005, khoa Tâm Lý học Trường đại học KHXH&NV Hà Nội) cũng lần lượt được trình bày với chung một kết luận: Trí tuệ nhân tạo không thể thay thế được sự sáng tạo của nhà văn.

Qua cuộc tọa đàm, các diễn giả và người tham dự đều tự tìm cho mình câu trả lời riêng về mối quan hệ giữa AI và văn học. Trong thực tế, AI đã can thiệp vào đời sống con người thông qua những dữ liệu đầu vào hoàn chỉnh. Trên cơ sở đầu vào ấy, AI tự nghiên cứu, học sâu và chế tác nên một sản phẩm đầu ra theo mong muốn của người thiết kế. Nhưng với sáng tác văn học, câu chuyện không đơn giản như vậy. Bản chất của văn học nói riêng, nghệ thuật nói chung là sáng tạo, tạo ra những sản phẩm độc đáo, không lặp lại. Việc tạo ra một tác phẩm tương tự, na ná dữ liệu đầu vào là một việc làm không cần thiết, vô ích, không được bạn đọc hoan nghênh, đón đợi.