1/ Trong những ngày còn là sinh viên Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng, Vương tham gia làm đề tài nghiên cứu khoa học trong trường về xử lý chất thải hầm biogas để sản xuất xăng. Lúc đó, thấy tính chất của nước hầm biogas cũng gần tương tự với nước thải của thủy sản, nên đã tiến hành nghiên cứu thử.
Đặc thù của giống tảo chlorella là sống trong môi trường nước bẩn. Nên lúc thử nghiên cứu, Vương cùng nhóm bạn đã đến công ty thủy sản để “xin” nước thải về để thử nghiệm. Đồng thời, đặt mua giống tảo để nuôi cấy, nhân giống. Tuy vậy, những ý tưởng và nghiên cứu của các bạn lúc đó mặc dù có kết quả, đạt giải ở các cuộc thi nghiên cứu nhưng vẫn chưa thể ứng dụng vào thực tế.
Sau khi ra trường, với mong muốn đưa dự án vào cộng đồng, giúp giảm ô nhiễm môi trường và tinh thần đam mê khởi nghiệp, Vương đã tiếp tục thực hiện mô hình công nghệ xử lý nước thải thủy sản bằng vi tảo của mình.
Thiếu kinh nghiệm, thiếu vốn, Vương đã kết hợp cùng hai đối tác để thành lập công ty. “Đây là công nghệ mới nên mọi người thường lo ngại khi tiếp cận và ứng dụng nó. Bản thân cũng hiểu được điều đó và biết mình cần phải chắc chắn đưa ra một hệ thống hoàn thiện nhất nên em chấp nhận chậm mà chắc”, Vương kể.
Lúc đầu, Vương thường xuyên tham gia các hội thảo, cuộc thi, qua đó gặp được lãnh đạo các đơn vị, chính quyền, doanh nghiệp để kết nối. Giai đoạn đầu kết nối chưa thực sự thành công, nên Vương đã đặt vấn đề lắp đặt mô-đun xử lý tại nhà máy, đơn vị để vận hành thử. Qua đó, để phía doanh nghiệp thấy hiệu quả công nghệ của mình đáp ứng được việc xử lý nước thải và đúng với những gì mình cam kết, từ đó tạo niềm tin hơn với các cơ quan, doanh nghiệp.
Công nghệ này có thể ứng dụng xử lý nước thải cho các doanh nghiệp thủy, hải sản, các chợ, cảng cá, nước thải trong ngành y tế. Để tiến hành, Vương cho xây dựng một bể chứa để tiến hành thu gom nước thải trong bốn ngày. Sau bốn ngày, sẽ cho giống tảo chlorella này vào trong bể với tỷ lệ đã nghiên cứu. Trong năm - bảy ngày tiếp theo, tảo sẽ sinh trưởng trong nước thải, tảo sẽ phân hủy và hấp thụ chất bẩn đó, hút CO2, thải oxy, lọc sạch nước, hạn chế mùi hôi. Số tảo sau thu hồi có thể sử dụng cho sản xuất dầu diezel, sấy khô dạng viên nén để đốt, hoặc là nguồn nguyên liệu tạo ra thức ăn chăn nuôi. Với công nghệ này, sẽ giúp cho các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí khoảng 40% so các công nghệ khác, chi phí đầu tư cũng thấp, hệ thống đơn giản, dễ vận hành. Cùng với đó, khi lắp bể xử lý cũng đã có sẵn camera, các thiết bị đo chỉ số tự động, tích nước thải và xả nước sau xử lý cũng tự động nên không cần nhân lực vận hành, đỡ tốn kém chi phí phát sinh.
2/ Hệ thống đầu tiên được Vương lắp đặt tại Trường đại học Bách khoa Đà Nẵng. Hiện tại, công ty đã phối hợp thực hiện trong ngành y tế tại tỉnh Phú Yên và một số đơn vị tại TP Hồ Chí Minh. Vương cũng đã phối hợp cùng các đơn vị tham gia lắp đặt thí điểm hệ thống xử lý nước thải cho Chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng). Đối với các đơn vị chưa có sẵn bể chứa, Vương cũng linh hoạt lắp đặt bể di động, thuận tiện trong công tác lắp ráp, di chuyển hay tăng giảm kích cỡ. Theo đó, một bể chứa nước thải sẽ tùy thuộc vào quỹ đất, có thể đạt 400 khối ngày/đêm, hoặc có thể tăng lên 500 khối - 1.000 khối/ngày.
Hiện tại, Vương đã đăng ký bằng sáng chế Công nghệ xử lý nước thải thủy sản bằng vi tảo. Dự án của em cũng đoạt Giải nhất Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khu vực Nam Trung Bộ - Tây Nguyên năm 2022.
“Sau khi đã ổn định hơn, em sẽ lên đề án để sản xuất thức ăn chăn nuôi từ sinh khối tảo đã thu được. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn trước mắt cần nỗ lực thực hiện nên hiện tại, em vẫn đang cố gắng hoàn thiện sản phẩm của mình với mong muốn sẽ được ứng dụng nhiều hơn vào thực tiễn, vào nhiều ngành khác nhau”, Quốc Vương chia sẻ.