Theo dự báo mới nhất của chính quyền, dân số Hồng Công sẽ tăng từ 7,5 triệu người vào năm 2020 lên hơn 8 triệu người vào năm 2034. Trong khi đó, số bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính dự kiến chạm ngưỡng 3 triệu người vào cuối năm 2039. Theo ông Tony Ko Pat-sing, Giám đốc điều hành HA, điều này sẽ dẫn đến sự mất cân bằng cung - cầu và đặt ra trở ngại lớn đối với việc phát triển bền vững. Do đó, tháng 12/2019, cơ quan này đã thành lập một nhóm chuyên môn nhằm tìm ra giải pháp cho các vấn đề trên. Từ nghiên cứu của nhóm, hai dự án chăm sóc sức khỏe thông minh và bệnh viện thông minh đã ra đời với ba mục tiêu chính.
Đầu tiên, để giảm nhu cầu khám, chữa bệnh, HA tiến tới tăng cường phòng bệnh qua việc sử dụng dữ liệu lớn (big data) để cung cấp các dự báo về sức khỏe cho bệnh nhân, với nền tảng là kho dữ liệu lâm sàng. Cụ thể, chỉ số e-Frailty - vốn được dùng để nhận biết các bệnh nhân lớn tuổi có nguy cơ mắc bệnh cao, sẽ giúp phân loại những người này theo mức độ can thiệp y tế và chăm sóc cần thiết. Dựa trên dự báo và sự phân loại có được, các bác sĩ có thể đưa ra những hướng điều trị phù hợp đối với nhu cầu cụ thể của từng người bệnh. Hiện tại, HA đang phát triển công cụ đánh giá nguy cơ bệnh tiểu đường dựa trên một mô hình máy học (machine learning). Qua việc phân tích thông tin về nhân khẩu học và tiền sử bệnh, các chuyên gia có thể đánh giá khả năng phát triển các dấu hiệu bất lợi trong vòng 5 năm.
Tiếp theo, nhằm giảm áp lực lên dịch vụ nội trú, HA dự kiến thiết kế lại mô hình cung cấp dịch vụ và thúc đẩy chăm sóc ngoại trú. Bằng phương pháp chẩn đoán hình ảnh từ xa và thông báo kết quả tại chỗ, các bệnh nhân phù hợp sẽ được ưu tiên điều trị trong ngày, từ đó giải phóng nhu cầu đối với điều trị nội trú. Cuối cùng, nhằm khuyến khích người bệnh tự chăm sóc và duy trì sức khỏe, HA tận dụng lợi thế của các giải pháp công nghệ. Thí dụ, bệnh nhân có thể cài đặt ứng dụng di động HA Go để lưu trữ dữ liệu sức khỏe cá nhân, gồm cân nặng, chỉ số khối cơ thể, đường huyết, huyết áp, nhiệt độ cơ thể... Các tài liệu, video về giáo dục sức khỏe cũng được cung cấp thông qua ứng dụng.
Theo ông Tony Ko Pat-sing, trong hơn 30 năm qua, HA đã đạt được những thành tựu nhất định trong xây dựng hệ thống y tế số, song sẽ tiếp tục nâng cao các kỹ thuật này. Những công nghệ mới đang được cơ quan này thử nghiệm gồm trí tuệ nhân tạo (AI), robot, chăm sóc từ xa, phòng khám thông minh... Bên cạnh đó, HA cũng thiết lập một trung tâm chỉ huy bệnh viện, nơi tập hợp dữ liệu vận hành quan trọng nhằm giúp các nhân viên y tế tra cứu và quản lý công suất giường bệnh. Các robot dọn vệ sinh, phụ tá và giao hàng cũng bắt đầu được đưa vào sử dụng trong những công việc hằng ngày của bệnh viện.
“Sau khi rút kinh nghiệm từ các chương trình thử nghiệm và cải tiến kế hoạch bệnh viện thông minh, chúng tôi sẽ áp dụng sáng kiến này vào quá trình cung cấp dịch vụ chăm sóc, từ đó nâng cao trải nghiệm cho cả người bệnh và nhân viên y tế”, ông Tony Ko Pat-sing chia sẻ. Tới nay, HA đã lựa chọn các bệnh viện Tin Shui Wai, Tseung Kwan O và Queen Elizabeth làm nơi thí điểm để triển khai dự án bệnh viện thông minh một cách toàn diện, tiến tới nâng cao chất lượng để áp dụng cho toàn bộ bệnh viện thuộc quyền quản lý của HA trong tương lai.