Quả là một bất cập trong phát triển du lịch văn hóa! Muốn khai thác giá trị di sản, quảng bá truyền thống văn hóa Thủ đô, nhưng những dịch vụ tiện ích đi kèm như ăn nhậu, giải khát, mua sắm… lại bung ra ồn ào, lộn xộn, phủ kín, khiến cho những hình ảnh di tích, không gian văn hóa, giá trị di sản vốn được đưa ra quảng bá, trình bày lại trở nên mờ nhạt.
Vào phố Tạ Hiện thì la liệt hàng lẩu, nướng, bia… Các bộ bàn ghế nhựa lòe loẹt phủ kín ra đường đến mức chỉ còn một lối đi nhỏ ở giữa khiến du khách phải đi theo kiểu xếp hàng một. Nhân viên các quán hàng chắn đường chèo kéo, mời gọi ồn ào. Đi dọc tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Đồng Xuân… thì ngoài những quầy hàng hai bên mặt phố đã choán gần hết vỉa hè, lòng phố cũng chỉ còn hai lối đi nhỏ do các quầy hàng nối nhau chiếm hết lối từ tim đường ra. Đã vậy, nhiều hàng quán còn căng dù, che bạt, phủ nylon, buộc dây chằng chịt, trông rất lôi thôi. Đi trong không gian như thế, qua cửa những ngôi đền, đình nổi tiếng, nhìn sang các dãy nhà kiến trúc đặc sắc thì gần như bị che, bị choán hết cả, vẻ thanh thoát của kiến trúc phố cổ bị chìm lấp…
Những năm qua, thành phố Hà Nội, quận Hoàn Kiếm phát huy chủ trương đúng về du lịch phố cổ; quảng bá, tôn vinh văn hóa; lấy đó làm động lực phát triển du lịch. Nhưng chủ trương đúng, phải có phương pháp, cách triển khai hiệu quả, có nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng cho từng giai đoạn; có mô hình, thiết kế, hoạt động mới mẻ, sáng tạo cho những khu vực khác nhau. Như vậy để vẫn thu được nguồn lợi kinh tế mà vẫn tôn vinh, phát huy được những giá trị hình ảnh, bản sắc mang tính đặc trưng, đặc sắc của phố cổ Hà Nội. Cùng với đó, để người dân làm dịch vụ, tham gia phát triển du lịch hằng ngày, hằng tuần tại đây vừa bảo đảm mưu sinh, tăng thu nhập, nhưng cũng vừa nâng cao ý thức bảo tồn, sáng tạo trong giữ gìn cảnh quan danh thắng, không gian văn hóa. Đồng thời chính họ cũng nuôi giữ nếp ứng xử, giao tiếp, bài trí, làm dịch vụ một cách văn minh, sạch đẹp, lịch thiệp.
Để du lịch trở thành thế mạnh của phố cổ Hà Nội, rất cần cách làm bài bản, văn minh. Có như vậy thì du lịch mới bền, thu nhập mới dài lâu, mà di sản, văn hóa của phố cổ mới được phát huy, giữ được sắc màu, dáng nét độc đáo. Rồi chính những giá trị đó lại tiếp tục là nền tảng để phát triển kinh tế, danh tiếng cho người dân, cho phố cổ, rộng hơn là cả thành phố Hà Nội.