Vực dậy một làng nghề

Hơn 10 năm trước, khi Lương Thanh Hạnh từ Hà Nội ghé thăm, làng lụa đũi Nam Cao (huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) vang bóng một thời chỉ còn đúng ba hộ làm nghề. Nghe cô gái chưa tròn 30 tuổi thể hiện ước muốn khôi phục cái nghề nhiều người đang muốn lãng quên do không thể cạnh tranh trong thời đại mới, bao tiếng thở dài vang lên. “Người ta nói tôi hâm, điên, viển vông. Người ta nói chắc tôi về đây lừa đảo…”, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Lụa đũi Nam Cao nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Sau hơn 10 năm tâm huyết, Lương Thanh Hạnh (bên trái) đã chung tay vực dậy một làng nghề danh tiếng có nguy cơ mai một.
Sau hơn 10 năm tâm huyết, Lương Thanh Hạnh (bên trái) đã chung tay vực dậy một làng nghề danh tiếng có nguy cơ mai một.

Từ con số 0

“Người ta nói có sai đâu. Tôi hâm thật. Công ăn việc làm ổn định ở thành phố không chịu, một thân một mình lặn lội về Thái Bình tìm cách vực dậy làng nghề trong sự hoài nghi của mọi người. Có ai tin tôi đâu. Người ta còn nói “Để xem làm được gì”. Họ nghĩ chắc dăm ba bữa tôi lại rời đi để lại bao thứ ngổn ngang, bề bộn. Hồi đó, chẳng hiểu sao tôi nhiều niềm tin đến vậy, cứ nghĩ đến điều tốt đẹp mà dốc hết tâm sức, biết khó vẫn cứ đâm đầu. Lạ đời…”, chị Hạnh kể chuyện hồi mới chân ướt chân ráo về làng Nam Cao.

Ngày ấy, làng lụa Nam Cao đang trên bờ mai một, sản phẩm nghệ nhân làm ra chỉ là những tấm vải thô bán chẳng được bao nhiêu dù sợi tơ rất tốt. Những bàn tay vẫn miệt mài thao tác bên khung chỉ, tập trung kéo sợi, đánh ống, dệt vải mà chẳng biết phải làm sao cho sản phẩm đẹp và tinh tế hơn để thu hút khách hàng. Thị trường hẹp dần, vải hiện đại lên ngôi, người mua dần lãng quên một làng lụa Nam Cao nức tiếng một thời. Lắm lúc, vải làm xong chẳng biết bán đi đâu, bán thế nào, bán cho ai. Người trong làng lặng lẽ ngưng nuôi tằm, kéo sợi, dệt vải, kiếm việc khác sinh nhai.

Chẳng phải người ở Thái Bình, cũng đâu biết gì về trồng dâu - nuôi tằm - dệt lụa nên khi Hạnh nói muốn vực dậy làng nghề được mấy ai tin. Khi đó, “vốn liếng” Hạnh có nhiều nhất là niềm tin vào mối duyên với lụa. Chặng đường mày mò từng bước thật lắm gian nan nhưng may mắn là chung quanh cô gái “chơi ngông” ngày ấy có sự giúp sức của một số nghệ nhân trong làng. Chẳng hiểu sao họ quyết định đặt cược vào một người lạ chưa biết gì về tơ tằm. Nhìn những tấm lụa thô trong tay, Hạnh muốn biến nó thành sản phẩm thật cao cấp, thật đẹp mới bõ công người nghệ nhân mấy chục ngày miệt mài với hàng chục công đoạn tỉ mỉ. Muốn làm đến nơi đến chốn thì bước đầu tiên phải hiểu rõ về nghề. Chị tạm gác mọi dự án, bắt tay vào học từng công đoạn làm lụa, càng tìm hiểu càng say mê.

Năm 2012, 27 tuổi, Hạnh sáng lập HanhSilk - công ty về lụa mang đầy khát vọng vươn ra thế giới. Bốn năm sau, Hợp tác xã Lụa đũi Nam Cao được hình thành với vài chục hộ gia đình tâm huyết, nay đã có hơn 90 hộ với khoảng 200 nghệ nhân gắn bó, cùng nhau làm ra nhiều sản phẩm giá trị cao. Khi xuất được đơn hàng đầu tiên sang nước ngoài, Hạnh mừng rơi nước mắt. Sau bao nỗ lực tưởng chừng không thể vượt qua, chị và mọi người bắt đầu hưởng “quả ngọt”. “Đơn hàng ấy là do đoàn khách Pháp đến tận làng nghề trải nghiệm rồi đặt mua sản phẩm. Đợt đó, chúng tôi háo hức ra tận sân bay đón đoàn rồi đưa về làng để họ tận mắt chứng kiến toàn bộ quy trình sản xuất lụa đũi thủ công. Xem và trải nghiệm các quy trình, khách ngay lập tức chốt đơn, không hề trả giá đồng nào. Họ nói, mọi người làm vất vả quá, mọi thứ thật công phu nên vô cùng xứng đáng. Nghe câu nói đó, tôi có thêm động lực để đi đường dài với bà con làng nghề”, chị Hạnh nhớ lại.

Từ con số 0, chỉ sáu năm sau, HanhSilk đã tạo được quy trình sản xuất thủ công khép kín hoàn chỉnh cho lụa đũi Nam Cao với hai vùng nguyên liệu đáp ứng đủ nhu cầu đa dạng sản phẩm. Nhìn cách bà con chăm con tằm, kéo tơ, dệt lụa, Hạnh thấy lòng biết ơn vô hạn. Chị biết ơn vì mọi người trong làng đã tin tưởng giấc mơ khá xa vời của một người trẻ và cùng chung tay để hồi sinh làng nghề quý. Không sản xuất dây chuyền hàng loạt, Hạnh biết rõ thế mạnh của làng nghề là nét độc đáo từ nguyên liệu “xanh” nên tập trung vào việc nâng cao giá trị thành phẩm bằng các thiết kế mới lạ, nghiêng về độ tinh xảo hoặc tính thủ công, độc bản.

Để lụa Việt bay xa

Hạnh nói, tấm lụa nhìn mỏng manh là vậy nhưng để có được nó là cả một quá trình kỳ công của biết bao người. Công đoạn nào cũng thủ công, sạch sẽ vì nếu không sẽ phải… làm lại từ đầu, tốn kém, vất vả hơn rất nhiều. Mất hai đến ba tháng, từ ngày cho tằm ăn lá dâu, lá sắn rồi nấu kén, kéo sợi, quay tơ, đánh ống, nghệ nhân mới có chất liệu để dệt ra một tấm vải lụa mềm mịn, mát rượi khi chạm tay vào. Làm lụa cực một thì đũi cực mười. Sau công đoạn nấu và vùi kén để giảm bớt độ dai, cứng, đũi được kéo sợi hoàn toàn bằng tay từ kén trong nước lạnh. Một người lành nghề đến đây, một ngày kéo nhiều nhất cũng chỉ được 100 gram sợi đũi. Cứ vậy miệt mài cho đến khi hoàn thành sản phẩm thô, bước vào quá trình tiếp theo. Thế nên, lụa, đũi là món quà quý cần phải giữ gìn.

Làm lụa tốn nhiều công sức nhưng thành phẩm đẹp, chất lượng, được khách hàng đánh giá cao, bà con trong làng phấn khởi lắm. Mỗi lời khách khen đều được chị Hạnh khéo léo truyền lại như cách tiếp thêm niềm vui, động lực giúp các nghệ nhân thêm say nghề. Đến nay, sản phẩm từ làng lụa đũi Nam Cao đã được HanhSilk giới thiệu đến hơn 20 quốc gia trên thế giới cùng 60 điểm bán trong nước. Hạnh vui sướng khi nghe ai đó gọi mình là “Cô gái lụa” và luôn mặc các sản phẩm từ làng nghề. Từ đơn hàng xuất khẩu đầu tiên sang Pháp với vài dòng áo khăn, đến nay, HanhSilk đã có hơn 1.000 loại sản phẩm. Trong đó khoảng 80% hàng làm ra được tiêu thụ tại thị trường quốc tế, mang về doanh thu ấn tượng, chung tay cải thiện đời sống cho nhiều hộ dân tham gia Hợp tác xã Lụa đũi Nam Cao.

Thế nhưng, ngay cả khi làm được việc lớn, Hạnh vẫn đau đáu khi nghe nhiều người thắc mắc “Lụa Việt nhưng sao cứ đưa ra nước ngoài?”. Có đơn hàng xuất khẩu đều đặn đồng nghĩa với việc làng nghề sẽ bền vững nguồn thu. Tuy nhiên, tạo thêm dòng sản phẩm tốt với mức giá hợp lý cho nhiều người dân trong nước sử dụng thường xuyên cũng là cách dưỡng nuôi làng nghề và lan tỏa cái đẹp của lụa trong cộng đồng. Nghĩ là làm, Hạnh cùng đội ngũ đầu tư nghiên cứu nhiều dòng sản phẩm giá tầm trung hướng đến thị trường trong nước. Khăn mặt, bông tẩy trang, khẩu trang, mặt nạ dưỡng da bằng tơ tằm thủ công với mức giá từ vài chục đến hơn một trăm nghìn đồng/sản phẩm ngay lập tức được thị trường đón nhận, HanhSilk thu về nhiều phản hồi tích cực.

Lương Thanh Hạnh luôn tự nhận mình là người may mắn. May vì khám phá ra niềm đam mê với một làng nghề giá trị. May vì có nhiều người cùng đồng hành từ những ngày gian khó đầu tiên. May vì thấu hiểu thị trường, nơi luôn đón nhận những sản phẩm thật sự tinh, chất, mang đậm văn hóa làng nghề. May vì luôn được nghe những lời góp ý thẳng thắn để kịp thời thay đổi, giúp sản phẩm ngày càng đặc biệt hơn. Lương Thanh Hạnh chia sẻ: “Ngay cả lúc khó khăn nhất, tôi vẫn thấy bản thân quá may mắn khi được cùng bà con dưỡng nuôi làng nghề và cho ra những sản phẩm chất lượng. Có những nghệ nhân hơn 80 tuổi vẫn ngày ngày làm lụa, nuôi tằm thì không cớ gì một người trẻ như tôi cho phép mình chậm lại. Tôi dành thời gian đi nhiều nước để quảng bá lụa Việt và học tập kinh nghiệm từ các mô hình hay rồi về cập nhật, đổi mới hợp tác xã sao cho mọi thứ ngày càng tốt hơn”.

Không chỉ tích cực tham gia các hội chợ quốc tế, HanhSilk cũng thường xuyên có mặt trong những sự kiện liên quan đến vải vóc, may mặc của Việt Nam. Và đi đến đâu, bên cạnh các dòng sản phẩm cao cấp, đẹp mắt, người ta cũng thấy “cô gái lụa” lụi cụi mang theo con tằm, lá dâu, túi kén, sợi lụa/đũi thô để giới thiệu đến mọi người về quy trình sản xuất lụa Việt. Kể hàng trăm, hàng triệu lần cùng một câu chuyện mà mỗi lần bắt đầu nói về Làng lụa, đũi Nam Cao, Hạnh vẫn thấy giọng run run vì xúc động. Chị mong, câu chuyện đẹp với lụa Nam Cao hơn 10 năm trước sẽ tiếp tục dệt nên những chặng đường ý nghĩa trong tương lai. Hạnh đang lên ý tưởng cho những kế hoạch tiếp theo, nơi mà người trẻ có thể tận dụng sự hiện đại của máy móc, công nghệ để sản phẩm từ lụa Việt vươn lên tầm cao hơn.