Vụ giải cứu con tin nghẹt thở tại Moscow

Hơn hai thập kỷ trước, ngày 23/10/2002, nhóm khủng bố người Chechnya do đối tượng Movsar Baraev (23 tuổi) cầm đầu xông vào nhà hát ở Dubrovka ở Thủ đô Moscow, nơi đang công diễn vở nhạc kịch Nord-Ost. Tại đây, những kẻ khủng bố bắt giữ 916 người, bao gồm cả khán giả và nhân viên nhà hát làm con tin. Chúng yêu cầu chính quyền Nga phải ngừng chiến dịch chống khủng bố ở Chechnya và tuyên bố sẽ sát hại 10 con tin nếu một tay súng trong nhóm bị thương hoặc bị giết.
0:00 / 0:00
0:00
Lực lượng an ninh Nga tại hiện trường. Ảnh: TASS
Lực lượng an ninh Nga tại hiện trường. Ảnh: TASS

Kế hoạch chi tiết

Báo chí Nga dẫn nguồn tin từ Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) của Nga cho biết, mùa hè năm 2002, các tay súng Chechnya đã lên kế hoạch thực hiện một cuộc tấn công khủng bố lớn trên lãnh thổ Nga. Quyết định này đã nhận sự ủng hộ của thủ lĩnh tổ chức khủng bố “Cộng hòa Chechnya Ichkeria” là Aslan Maskhadov - kẻ vào thời điểm đó thật sự đã mất quyền lực đối với tổ chức này. Thực tế, lãnh thổ Chechnya khi đó đã nằm dưới sự kiểm soát của các lực lượng liên bang, nên các tay súng Chechnya hy vọng nếu tiến hành thành công một cuộc tấn công khủng bố lớn thì sẽ được cộng đồng quốc tế công nhận và đạt được một thỏa thuận mới với Moscow.

Do đó, kịch bản vụ bắt cóc con tin gây chấn động nước Nga năm 2002 tại Thủ đô Moscow đã được những kẻ khủng bố lên kế hoạch rất chi tiết và cẩn trọng. Chúng tuyển chọn người vào tổ chức rất kỹ lưỡng, đối tượng là nam và nữ ở độ tuổi từ 16 đến 48, có thù hằn với chính quyền và sẵn sàng “trở thành bom cảm tử”. Riêng các nữ thánh chiến liều chết do chính tay một cận vệ thân cận của Movsar Baraev tuyển lựa.

Nhóm khủng bố đã thuê một số căn hộ độc lập ở Moscow để sinh sống, hằng ngày “trinh sát” các địa điểm đông người, an ninh lỏng lẻo để lên kế hoạch tấn công, trong đó mục tiêu chính nhắm đến là các nhà hát và buổi hòa nhạc. Để cơ động về Moscow, nhóm khủng bố được lệnh sử dụng các phương tiện khác nhau và phân chia theo tổ để tránh sự phát hiện của lực lượng an ninh. Trong quá trình vận chuyển vũ khí và chất nổ về thủ đô, những tên khủng bố ngụy trang “hàng nóng” rất khéo trên các xe ô-tô chở táo và dưa hấu. Đến Moscow, chúng thuê hẳn một nhà để xe ở quận Butyrsky bí mật làm kho lưu trữ.

Theo chia sẻ, sau khi kết thúc chiến dịch giải cứu con tin của một cựu binh thuộc Cơ quan đặc nhiệm Nga, ban đầu những kẻ khủng bố đã không chọn ngay nhà hát trung tâm ở Dubrovka làm mục tiêu tấn công, mà thăm dò nhiều nhà hát khác ở Moscow, nhưng cuối cùng chúng quyết định chọn mục tiêu này bởi đây là một không gian kín, có ít phòng phía sau, bởi theo tính toán của những kẻ khủng bố, nếu có nhiều phòng sau sân khấu sẽ tạo điều kiện cho đặc nhiệm Nga dễ dàng đột kích.

Một vài ngày trước khi thực hiện vụ bắt cóc con tin, các tay súng tích cực săn lùng mục tiêu. Một người bán hàng tại các ki-ốt trên phố không xa nhà hát kể lại rằng, một hôm giữa đêm khuya có một nhóm phụ nữ có ngoại hình đặc trưng của phụ nữ miền đông lái xe Zhiguli đến hỏi một số thông tin về nhà hát Dubrovka. Họ có thái độ rất đáng ngờ, bỏ đi ngay khi người bán hàng hỏi đến từ đâu.

Vụ giải cứu con tin nghẹt thở tại Moscow ảnh 1

Người dân Nga đặt hoa tưởng nhớ các nạn nhân trong thảm kịch khủng bố. Ảnh: ITAR-TASS

Cuộc giải cứu nghẹt thở

Đúng 21 giờ 5 phút ngày 23/10/2002, ba chiếc xe ô-tô chở theo nhóm khủng bố chạy theo hướng đến tòa nhà của nhà hát ở Dubrovka trên đường Melnikova. Khi ô-tô vừa dừng lại ngay cổng tòa nhà, những kẻ bịt mặt có vũ trang nhanh chóng đột nhập vào sảnh và khống chế bảo vệ nhà hát. Chúng lập tức dồn bảo vệ và những người ở sảnh vào bên trong. Một trong những nhân viên của nhà hát kể lại rằng, khi nhìn thấy một nhóm người cầm súng máy, anh đã thầm trách bảo vệ nhà hát: “Sao lại để người lạ lên sân khấu làm gì?”. Anh chỉ nhận ra vấn đề khi một tên khủng bố nổ súng loạn xạ và những mảnh đèn trần và thạch cao bị vỡ rơi xuống sàn sân khấu.

Lúc này trong nhà hát có 916 người, trong đó có khoảng 100 trẻ em. Những kẻ khủng bố nhanh chóng phát đi thông báo yêu cầu tất cả mọi người trong khán phòng ngồi yên tại chỗ. Chúng yêu cầu con tin phải tuân thủ các quy định chúng đưa ra: “Không được làm những điều ngu ngốc và đừng nên trở thành anh hùng”. Sau đó, các tay súng bắt đầu gài thuốc nổ khắp các lối ra vào tòa nhà. Theo hồi ức của các con tin, những quả bom khi đó được khủng bố cài đặt rất chuyên nghiệp và ở những vị trí khó phát hiện nhất. Các nữ tay súng liều chết trên mình gài đầy chất nổ được giao nhiệm vụ ngồi xen kẽ những con tin. Trong khán phòng, các quả bom được liên kết với bình khí gas, trong khi các thiết bị điện điện tử điều khiển được kết nối vào một mạng thống nhất. Một tay súng được giao nhiệm vụ cầm bảng điều khiển, tay đặt sẵn trên nút bấm. Một khi tay súng này bị bắn hạ và ngã xuống thì chắc chắn thiết bị trên tay sẽ tự động kích hoạt các quả bom gài đặt chung quanh khán phòng.

Trong lúc các tay súng đang kiểm soát tình hình, thì một số diễn viên ở trong phòng thay đồ đã trốn thoát ra khỏi tòa nhà bằng cửa sổ và cửa sau. Sau khoảng 30 phút, khi cảnh sát đã có mặt tại hiện trường, những kẻ khủng bố cho phép một số con tin gọi điện cho người thân bằng điện thoại di động, cảnh cáo sẽ sát hại 10 con tin nếu một tay súng trong nhóm bị thương hoặc bị giết.

Trước tình hình ngày càng căng thẳng, giới lãnh đạo Nga quyết định cử các nhóm đàm phán tới hiện trường. Theo đó, các quan chức Nga đã cố gắng thuyết phục những tay súng dừng lại trước khi quá muộn. Tuy nhiên, chúng không đồng ý và yêu cầu được gặp đại diện Hội Chữ thập đỏ và Tổ chức “Bác sĩ không biên giới”, với điều kiện không có công dân Nga trong số đại diện của các tổ chức này. Bên cạnh đó, các tay súng cũng yêu cầu sự có mặt của các chính trị gia Nga.

Nhiều cuộc đàm phán đã diễn ra song tình hình không tiến triển. Mọi chuyện càng trở nên tồi tệ hơn với các con tin khi vào tối 24/10, hai cô gái yêu cầu được sử dụng nhà vệ sinh, rồi trèo qua cửa sổ xuống đường bỏ trốn. Những kẻ khủng bố phát hiện và bắn đuổi theo sau, buộc một trong những người lính đặc nhiệm đã bắn trả để yểm trợ cho hai con tin trốn thoát, tuy nhiên người lính đã bị trúng đạn và bị thương nặng. Theo hồi ức của các con tin, sau vụ tẩu thoát này, bọn khủng bố trở nên liều lĩnh hơn, chúng tuyên bố thẳng với các con tin rằng họ rất có thể sẽ chết cùng nhau.

Sau nhiều lần đàm phán, sáng 26/10, nhà chức trách Nga đã bác bỏ các yêu sách của những tay súng Chechnya và quyết định lệnh cho các lực lượng đặc nhiệm hành động khẩn cấp. Trước đó, ngay trong đêm ngày 24/10, lực lượng đặc nhiệm “Alpha” và “Vympel” đã được điều đến hiện trường. Các tay súng bắn tỉa được bố trí theo sơ đồ dích dắc trên mái nhà và tầng trên của những ngôi nhà chung quanh, luôn ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

Theo ông Sergei Goncharov, người từng thuộc lực lượng chống khủng bố “Alpha”, cuộc đột kích giải cứu con tin diễn ra chỉ trong khoảng 30 phút. Trước khi đột nhập vào bên trong nhà hát thông qua các lỗ thông gió, lực lượng đặc nhiệm Nga đã bơm vào bên trong một loại khí làm tê liệt hệ thần kinh và tiêu diệt các tay súng khủng bố, thu giữ hàng chục khẩu súng, vật liệu nổ và vô hiệu hóa nhiều quả bom gài trong tòa nhà. Ngay sau khi tay súng cuối cùng bị tiêu diệt, lính đặc nhiệm Nga bắt đầu đưa các con tin ra cửa và chuyển đến bệnh viện.

Vào lúc 6 giờ 30 phút ngày 26/10/2002, FSB ra thông báo, nhà hát ở Dubrovka đã hoàn toàn được kiểm soát và thủ lĩnh khủng bố Movsar Baraev đã bị tiêu diệt. Một vài giờ sau vụ tấn công, Thứ trưởng Nội vụ Nga Vladimir Vasilyev trả lời báo chí cho biết, lực lượng đặc nhiệm đã tiêu diệt 36 tay súng khủng bố. Sau đó, trong một cuộc phỏng vấn truyền thông, nhà chức trách Nga tuyên bố số lượng các tay súng khủng bố bị tiêu diệt tăng lên 40. Cũng theo nguồn tin chính thống của Nga, có tới 130 con tin đã thiệt mạng trong vụ đột kích đẫm máu tại nhà hát trung tâm ở Moscow.

Nhiều ngày sau thảm kịch, rất nhiều người dân tập trung gần tòa nhà nhà hát Dubrovka để tưởng nhớ, thắp nến và cầu nguyện cho những người xấu số. Một năm sau, ngày 23/10/2003, nhà chức trách Nga đã quyết định cho dựng tượng đài tưởng niệm trước nhà hát để tưởng nhớ các nạn nhân. Thực tế, đã 20 năm trôi qua, nhưng ký ức về thảm kịch kinh hoàng tại nhà hát ở trung tâm Moscow vẫn không thể phai mờ trong tâm trí của người dân Nga nói chung và Thủ đô Moscow nói riêng. Hoa vẫn được đặt tại đài tưởng niệm bất kể mùa đông hay mùa hè, nến vẫn cháy rực dù sương gió tuyết rơi.