Vụ bắt cóc con tin chấn động nước Mỹ năm 1976

Mùa hè năm 1976 ở thành phố Chowchilla, bang California (Mỹ) đã xảy ra một vụ bắt cóc trẻ em làm chấn động dư luận “xứ cờ hoa”. Tổng cộng 27 nạn nhân, trong đó 26 trẻ em, đã bị nhốt trong một thùng xe tải và chôn sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên, điều kỳ diệu đã xảy ra khi những “thiên thần nhỏ” đã tự đào đường hầm trốn và thoát chết trong gang tấc.
0:00 / 0:00
0:00
Khai quật chiếc thùng xe từng chứa 26 học sinh và lái xe dưới lòng đất năm 1976.
Khai quật chiếc thùng xe từng chứa 26 học sinh và lái xe dưới lòng đất năm 1976.

Những đứa trẻ dũng cảm

Theo trang tin Lenta.ru (Nga), chiều 15/7/1976, xe bus của Trường tiểu học Dairyland, thành phố Chowchilla chở 26 học sinh ở độ tuổi từ 5 đến 14 về nhà sau chuyến tham quan mùa hè. Ngồi trên ghế lái là một người đàn ông 55 tuổi tên Frank Edward Ray. Trên hành trình trở về nhà, cả một quãng đường dài không có dấu hiệu bất thường, lái xe chỉ tập trung vào quan sát đường đi, còn trẻ con thì nô đùa vui vẻ, chia sẻ những ấn tượng sau chuyến đi đầy thú vị.

Đến khoảng 4 giờ chiều, một chiếc xe tải mầu trắng đột nhiên xuất hiện chặn đường xe bus, buộc lái xe phải giảm tốc gấp. Bước ra khỏi xe là hai người đàn ông trùm đầu kín mít chỉ để hở hai mắt, trên tay lăm lăm hai khẩu súng trường. Hai kẻ lạ mặt ra hiệu mở cửa xe và nhanh chóng lao lên uy hiếp lái xe. Một kẻ chĩa súng vào Ray khống chế, yêu cầu lái xe theo hướng hắn chỉ dẫn, kẻ còn lại ngồi ngay bên cạnh ghế lái với ánh mắt hung tợn. Chiếc xe tải trắng mà chúng sử dụng để chặn đầu xe bus do một kẻ bịt mặt thứ ba cầm lái, chạy ngay sát phía sau.

Sau khi đi được một đoạn đường không xa, những kẻ lạ mặt yêu cầu xe bus của trường dừng giữa lòng sông cạn khô được bao quanh bởi các bụi cây cao, cạnh đó có một chiếc xe tải khác đang đợi sẵn. Những kẻ lạ mặt ra lệnh cho người lái xe và những đứa trẻ di chuyển lên chiếc xe tải chờ sẵn giống kiểu xe chuyên dùng để chở tù nhân. Dường như chúng đã chuẩn bị kỹ cho kịch bản này khi sơn đen các cửa sổ và ốp gỗ bên trong để ngăn bọn trẻ nhìn hoặc nghe thấy tiếng của những kẻ bắt cóc.

“Sau khi được chuyển sang chiếc xe tải bị dán kín cửa kính, chúng tôi di chuyển cả nửa ngày mà xe đi đâu không ai biết. Lúc đầu, chúng tôi thậm chí còn không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi đã khóc rất nhiều, nhưng sau đó cố gắng trấn an nhau bằng các bài hát”, một trong những học sinh bị bắt cóc sau đó nhớ lại.

Sau 11 giờ di chuyển, cuối cùng những kẻ bắt cóc dừng ô-tô gần một mỏ đá cách thành phố Livermore 170km. Chúng bắt lái xe và tất cả trẻ em đi xuống thùng xe tải được chôn ở độ sâu bốn mét bằng thang gỗ, sau đó phủ đất lên nóc xe. Bên trong thùng xe lúc này có nệm, đèn pin, quạt, một ít nước, bánh mì và đậu phộng, phía sau cũng có một nhà vệ sinh tạm bợ. Lúc này, lái xe Ray hiểu rằng, nguồn cung oxy có hạn và nếu ông và những đứa trẻ không ra khỏi xe sớm thì khả năng tử vong là rất cao. Trong khi hầu hết các học sinh đang hoảng loạn, nam sinh lớn tuổi nhất Michael Marshall (14 tuổi) cùng Ray bắt đầu lên kế hoạch trốn thoát. Người đàn ông và thiếu niên gan dạ quyết định xếp những tấm nệm chồng lên cao để với tới lối vào trên trần thùng xe. Họ hành động rất nhanh và cẩn trọng. Trong thời khắc sinh tử này, Ray thật sự ấn tượng trước hình ảnh Michael - cậu bé với gương mặt dường như không hề biết sợ hãi, đầy quyết tâm khi cậu liên tục lấy tay đào bới đến kiệt sức, nhưng rồi chỉ nghỉ một chút rồi cậu bé lại tiếp tục.

Sau nhiều nỗ lực, cuối cùng những đứa trẻ và Ray đã di chuyển được tấm trần kim loại, nhưng lại bị một hộp gỗ chắn ngang lối ra. Những đứa trẻ và lái xe quyết định đào đường hầm vòng tránh. Sau 16 giờ bị “chôn sống”, vào khoảng 8 giờ tối ngày 16/7, tia sáng đầu tiên đã lọt vào bên trong thùng xe tải dưới lòng đất.

Khi đường hầm thông, Michael quyết định là người đầu tiên chui ra ngoài để quan sát xem những kẻ bắt cóc có ở gần đây không. “Tôi thò đầu ra ngoài và không nhìn thấy ai. Tôi nhận ra rằng, chúng tôi đang ở trên một ngọn đồi chung quanh là những cây lớn”, Michael kể lại.

Khi biết những kẻ bắt cóc không lảng vảng gần đó, Michael quay lại thùng xe và cùng Ray giúp tất cả các con tin thoát ra ngoài. Lên khỏi mặt đất, họ chạy theo hướng phát ra âm thanh lạch cạch giống như tiếng máy xúc của một công trường xây dựng. Đúng vậy, chạy được không xa họ nhìn thấy máy xúc và những người công nhân đang làm việc. Những người công nhân vô cùng ngạc nhiên, không biết những đứa trẻ đột nhiên xuất hiện từ đâu. Đáp lại những cái nhìn khó hiểu, Ray nói: “Chúng tôi đến từ Chowchill và chúng tôi bị lạc”. Nghe vậy, những công nhân tại công trường lập tức gọi cảnh sát.

Sau khi cảnh sát đến, Ray đã kể lại tất cả sự việc. Lúc này cảnh sát nghi ngờ Frederick Woods, con trai của chủ mỏ đá, bởi chỉ y mới có khả năng ra vào mỏ đá tự do và đồng phạm của Woods có thể là hai anh em James và Richard Schoenfeld. Đúng vậy, trong quá trình khám xét khu đất của Woods, họ đã tìm thấy một khẩu súng được sử dụng trong vụ bắt cóc, bản thảo giấy đòi tiền chuộc và một quyển sổ ghi rõ kịch bản hành động. Thời điểm này, Woods và hai đồng phạm không còn ở lại đây. Nhưng chỉ sau hai tuần, cả ba tên bắt cóc đều bị bắt. Richard Schoenfeld đã tự đầu thú, còn anh trai của y bị bắt ở Menlo Park, bang California, gần mỏ đá, trong khi đó Frederick Woods bị bắt giam khi y đang lẩn trốn ở Vancouver (Canada).

Vụ bắt cóc con tin chấn động nước Mỹ năm 1976 ảnh 1

Những đứa trẻ bị bắt cóc năm 1976. Ảnh: AP

Sự trả giá và hệ lụy ám ảnh

Kết quả điều tra sau đó kết luận động cơ gây án của ba tên tội phạm đều do nợ nần chồng chất. Để có tiền trả nợ chúng đã quyết định bắt trẻ em làm con tin và dự định đòi năm triệu USD tiền chuộc, nhưng trong đêm thực hiện phi vụ này, những kẻ bắt cóc không thể liên hệ được với các nhà chức trách. Đường dây điện thoại thời điểm đó luôn trong tình trạng bị nghẽn do báo chí và gia đình nạn nhân gọi tới hỏi thăm tin tức quá nhiều. Sau thời gian di chuyển dài mệt mỏi, chúng không canh chừng các con tin mà đi ngủ. Khi vừa tỉnh dậy vào sáng hôm sau, nhóm bắt cóc bỗng thấy truyền thông đưa tin 27 nạn nhân đã tự giải thoát. Những tên tội phạm này đã lên kế hoạch cho vụ bắt cóc ở Chowchilla trong hơn một năm. Trong thời gian này, chúng thường xuyên theo dõi lộ trình của xe bus, xây dựng boong-ke ngầm…

Tại phiên tòa xét xử, cả ba nghi phạm đều nhận tội bắt cóc đòi tiền chuộc và bị kết án tù chung thân vào ngày 17/2/1978. Hai anh em Richard Schoenfeld và James Schoenfeld sau đó lần lượt được ân xá và trả tự do vào năm 2012 và 2014. Còn Frederick Woods bị bác đơn xin ân xá vì không nhận ra đầy đủ mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội, vi phạm nội quy trong tù như tàng trữ điện thoại.

Hiện nay, các nạn nhân của vụ bắt cóc và chôn sống hơn 40 năm trước vẫn phải chịu đựng những tổn thương tâm lý khác nhau. Larry Park, một trong những học sinh trong vụ bắt cóc chia sẻ: “Vụ bắt cóc 46 năm trước đây để lại ám ảnh rất lớn trong suốt cuộc đời tôi. Sau những gì đã xảy ra, tôi thường cáu gắt, đôi khi giận dữ trẻ con, nhiều khi không kìm chế được cảm xúc của bản thân”. Thậm chí, do tâm lý không ổn định, năm 21 tuổi Larry Park đã vướng vào sử dụng ma túy. Trước đó, trong phiên tòa xét xử những kẻ bắt cóc, Park cũng đã gặp những kẻ phạm tội và nói lời tha thứ cho chúng.

Michael Marshall, năm 14 tuổi đã giúp người lái xe giải thoát những con tin cho biết, bản thân anh đã cố gắng không nghĩ về những kẻ bắt cóc, tuy nhiên hành động của những tên tội phạm thật sự là cú sốc lớn khiến anh không thể nào quên. “Tôi không thể tha thứ cho những gì họ đã khiến bố mẹ tôi phải trải qua”, người hùng của vụ giải cứu nói với tâm trạng suy tư. Michael đã bị nghiện rượu và thường xuyên rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý nặng nề. Chàng thanh niên dũng cảm năm nào chỉ có thể bỏ rượu cách đây 10 năm khi đã gần 50 tuổi.

Một nạn nhân khác của vụ bắt cóc, Jennifer Hyde, thừa nhận rằng, cô đã có một thời gian dài mắc hội chứng sợ ngủ. Cô đã phải thường xuyên đi nhà thờ và sự giúp đỡ động viên của cha mẹ, đồng nghiệp mới vượt qua được nỗi ám ảnh quá lớn này. “Tôi muốn mọi người biết rằng, cô gái nhỏ bị bắt cóc và chôn sống ngày đó đã có thể vượt qua và sống một cuộc sống tuyệt vời”, Jennifer Hyde nói.