Vòng xoáy đáp trả

Một cuộc tấn công tổng lực của quân đội Israel nhằm vào lực lượng Hezbollah tại Lebanon, kéo theo sự đáp trả của nhóm vũ trang này là kịch bản có thể xảy ra trong những ngày tới. Cộng đồng quốc tế đã bày tỏ lo ngại về sự leo thang căng thẳng này, kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không để xung đột lan rộng ra toàn khu vực.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ
Biếm họa: OSAMA HAJJAJ

CNN ngày 31/7 đưa tin, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) xác nhận chỉ huy cấp cao của Hezbollah là Fuad Shukr đã thiệt mạng trong một cuộc không kích của quân đội Israel vào ngoại ô Thủ đô Beirut của Lebanon. Ông Shukr là chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Hezbollah, thành viên Hội đồng Thánh chiến - cơ quan quân sự điều hành hoạt động của Hezbollah và được coi là người đứng đầu bộ phận chiến lược của tổ chức vũ trang này. IDF cho rằng ông Shukr đã chỉ đạo các cuộc tấn công của Hezbollah vào Israel kể từ ngày 7/10 năm ngoái, trong đó có vụ tấn công mới nhất bằng tên lửa vào ngôi làng Majdal Shams, Cao nguyên Golan khiến 12 trẻ em thiệt mạng.

Trong khi đó, Bộ Y tế công cộng Lebanon xác nhận cuộc không kích của Israel vào một tòa nhà chung cư ở Beirut đã làm 1 người thiệt mạng và 68 người bị thương, trong đó có 5 người đang trong tình trạng nguy kịch. Đài truyền hình Al-Manar của Hezbollah đưa tin, Thủ tướng Lebanon, Najib Mikati đã lên tiếng phản đối cuộc tấn công của Israel, coi đây là hành động vi phạm luật pháp quốc tế. Ông cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế buộc Israel chịu trách nhiệm và chấm dứt hành động bạo lực và thực hiện các nghị quyết quốc tế, đồng thời triệu tập một cuộc họp chính phủ khẩn cấp.

Trước nguy cơ xung đột leo thang, Điều phối viên đặc biệt của LHQ về Lebanon, bà Jeanine Hennis-Plasschaert, đã bày tỏ lo ngại về cuộc không kích nói trên của Israel, tiếp tục nhấn mạnh rằng không có giải pháp quân sự nào có thể giúp giải quyết xung đột hiện nay, đồng thời kêu gọi cả Israel và Lebanon tận dụng mọi con đường ngoại giao để theo đuổi việc chấm dứt thù địch. Bà Hennis-Plasschaert cũng cho biết đang liên lạc chặt chẽ với các đối tác đối thoại chính và kêu gọi các bên kiềm chế trong bối cảnh căng thẳng đang dần mất kiểm soát.

Căng thẳng giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon đã trở nên tồi tệ hơn kể từ khi xung đột Hamas - Israel nổ ra hồi tháng 10/2023. Ngày 27/7, tình hình trong khu vực diễn biến khó lường sau khi xảy ra cuộc tấn công bằng tên lửa vào Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, khiến 12 thanh, thiếu niên và trẻ em thiệt mạng. Nội các an ninh của Israel đã ủy quyền cho chính phủ đáp trả cuộc tấn công mà nước này cho rằng do lực lượng Hezbollah thực hiện. Về phần mình, Hezbollah khẳng định không liên quan vụ tấn công.

Trong tuyên bố mới nhất, Phát ngôn viên quân đội Israel, Chuẩn đô đốc Daniel Hagari, khẳng định muốn tránh chiến tranh lan rộng với Hezbollah, song lực lượng của nước này đã sẵn sàng cho "bất kỳ kịch bản nào". Đáp lại, Thủ tướng Lebanon Najib Mikati tuyên bố lời cảnh báo của Israel sẽ không thể ngăn cản người dân nước này thực hiện quyền bảo vệ đất nước, bằng các biện pháp được luật pháp quốc tế cho phép. Ông Mikati cho biết, Lebanon lên án mọi hình thức bạo lực, đặc biệt là việc nhắm vào dân thường. Ông nêu rõ Lebanon sẽ gửi thư chi tiết tới Hội đồng Bảo an LHQ để phản hồi các cáo buộc của Israel. Ông nhấn mạnh rằng, Chính phủ Lebanon sẵn sàng đối mặt với mọi trường hợp khẩn cấp và triển khai các biện pháp an ninh cần thiết nhằm không gây hoảng loạn cho người dân.

Nhằm không để chiến tranh lan rộng, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ leo thang sau vụ tấn công nhằm vào Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát, song cho rằng cuộc chiến giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở Lebanon vẫn có thể tránh được. Phát biểu ý kiến tại họp báo chung ở Manila sau cuộc hội đàm an ninh 2+2 giữa ông cùng Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken và những người đồng cấp Philippines, ông Austin đã bày tỏ quan ngại về nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột toàn diện trong bối cảnh gia tăng hoạt động tại biên giới phía bắc Israel. Tuy nhiên, ông tin rằng nguy cơ xung đột vẫn có thể tránh được và mong muốn giải quyết vấn đề bằng biện pháp ngoại giao, qua đó tránh để các bên rơi vào vòng xoáy tấn công - đáp trả.