Viết về Hà Giang bằng tâm hồn của người trẻ

Sinh ra tại Thái Nguyên nhưng nhạc sĩ Bùi Trường Giang đã có những tình cảm nặng sâu với mảnh đất địa đầu Tổ quốc. Mới đây, ca khúc “Pao ơi bay lên” của anh (phổ thơ Nguyễn Hoài) được vinh danh là “Tác phẩm hay nhất viết về Hà Giang” tại Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2023 (do Hội Nhạc sĩ Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Hà Giang tổ chức).
0:00 / 0:00
0:00
Nhạc sĩ Bùi Trường Giang.
Nhạc sĩ Bùi Trường Giang.

1/ Nhìn vào số lượng ca khúc cũng như giải thưởng mà nhạc sĩ trẻ Bùi Trường Giang đạt được, nhiều người sẽ nghĩ anh từng theo học âm nhạc chuyên nghiệp. Thế nhưng, sự thật không phải vậy. “Bản thân là người chơi keyboard và cũng tham gia phối khí từ rất sớm, nhiều lúc tôi cũng muốn ghi chép cảm xúc của mình trên bản nhạc nhưng do công việc đơn vị bộn bề và cuộc sống mưu sinh kéo theo nên tôi chưa thể chấp bút ra được ca khúc. Rất may là nhạc sĩ Ngô Sỹ Tùng (Phó Trưởng đoàn Nghệ thuật tỉnh Hà Giang) động viên, khích lệ, tôi đã viết ca khúc đầu tiên từ năm 2012”, nhạc sĩ nói.

Trong ca khúc của Bùi Trường Giang, người nghe sẽ thấy sự vận dụng dân ca của Hà Giang một cách nhuần nhuyễn, uyển chuyển, trong đó đặc biệt anh đã đưa vào những hình ảnh, phong tục, tập quán được coi là đặc trưng nhất của con người và miền đất cao nguyên đá. Như trong ca khúc “Pao ơi bay lên” đem đến cho người nghe một không khí ngày hội của Hà Giang mà ở đó anh đã sử dụng nhiều thủ pháp, cách viết mới tạo nên một không gian Hà Giang vừa đậm đà bản sắc dân tộc vừa có tính hội nhập cùng phát triển. Hay ca khúc “Tảo hôn” (giành giải nhất “Cuộc thi sáng tác ca khúc về đề tài dân tộc thiểu số, miền núi” năm 2020, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức) là câu chuyện kể về em bé gái người H’Mông phải đối mặt với hủ tục tảo hôn. “Với những người dân theo phong tục đám cưới nhiều ngày, cái nghèo cứ theo đuổi mãi vậy. Thế hệ sau, những bé gái muốn đến trường phải vượt qua hủ tục nghiệt ngã ấy. Chính các em là tia sáng cuối con đường của cả một cộng đồng dân tộc ấy, của vùng đất ấy. Tôi mong muốn ca khúc lan tỏa thông điệp dẹp bỏ những thủ tục lạc hậu không còn phù hợp với đời sống hiện nay”, anh nói.

Nghe ca khúc “Pao ơi bay lên”, nhạc sĩ Ngô Sỹ Tùng cảm nhận, ca khúc đã nói đến một nét văn hóa đặc trưng của người H’Mông vùng cao Hà Giang, ca ngợi tình yêu quê hương, tình yêu đôi lứa cùng nhau xây đắp quê hương cao nguyên đá ngày càng tươi đẹp, cho “đá xám nở hoa nơi miền sơn cước”. Ca khúc này phát triển chất liệu dân ca H’Mông và có mang hơi thở hiện đại dân gian miền núi, phần phối khí nhạc sĩ có dùng một số nhạc cụ dân tộc như sáo mèo, đàn môi và dùng thêm các nhạc cụ điện tử để làm mới và hiệu quả cho tác phẩm. Bên cạnh đó, nhạc sĩ còn khéo léo cho thêm phần rap vào dạo nhạc tạo thêm tính đột biến để đẩy lên tác phẩm thêm phần dí dỏm đáng yêu với sự trẻ trung, năng động của những chàng trai, cô gái người H’Mông.

2/ Sinh ra ở Thái Nguyên, bản thân không phải là người gốc ở Hà Giang, nhưng tính đến năm nay Bùi Trường Giang đã công tác tại đây 16 năm. Anh đến với Hà Giang với cái duyên rất tình cờ. Cái chân chất của con người nơi đây, cùng sự thiếu thốn vật chất khiến anh có sự khát khao muốn làm điều gì đó để nhiều người biết đến Hà Giang hơn. “Đã có nhiều nhạc sĩ sáng tác về Hà Giang, trong đó tiêu biểu có nhạc sĩ Thanh Phúc với hai ca khúc đi cùng năm tháng là “Người Mèo ơn Đảng” và “Hà Giang quê tôi”. Việc của các nhạc sĩ trẻ hôm nay là cần tìm tòi, khám phá, cần bám rễ vào dân ca Hà Giang, tìm ra chất riêng để ca khúc “sống” được trong lòng người nghe”, nhạc sĩ chia sẻ.

Theo nhạc sĩ trẻ, Hà Giang hiện nay có nhiều nhạc sĩ thường xuyên chia sẻ những vấn đề về chuyên môn với nhau. Mỗi người nhìn cuộc sống một cách khác nhau, vì vậy mà cũng sẽ ra những nét âm nhạc của riêng mình, tuy nhiên khi đi vào sâu, ai cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cách viết của những người đi trước. Để tránh những điều ấy, anh thường sắp xếp những thời gian rảnh hoặc xen kẽ khi đi công tác vùng cao để điền dã, sưu tầm chất liệu từ trong cộng đồng, từng tộc người. Từ đó sáng tạo, tìm tòi con đường riêng của mình. “Sắp tới, tôi sẽ tập trung vào việc sáng tác những ca khúc cho thiếu nhi vùng cao, vì hiện giờ đang rất thiếu những ca khúc chất lượng”, nhạc sĩ mong mỏi.