Vị tướng huyền thoại của những trận không chiến

Hai lần nhận danh hiệu Anh hùng Liên Xô (trước đây), phi công lái máy bay tiêm kích Arseny Vorozheykin nổi tiếng trong giới quân sự thế giới với phương thức tác chiến trên không vô cùng độc đáo. Ông có những pha nhào lộn được ví như “chim én liệng trời cao”, được coi là một trong những bậc thầy kiệt xuất về tác chiến trên không.
0:00 / 0:00
0:00
Phi công lái máy bay tiêm kích Arseny Vorozheykin. Ảnh: WARHEROES
Phi công lái máy bay tiêm kích Arseny Vorozheykin. Ảnh: WARHEROES

Mơ ước trở thành phi công

Theo Hãng thông tấn TASS (Nga), Arseny Vorozheykin sinh ngày 28/10/1912 tại làng Prokofievo, tỉnh Nizhny Novgorod (nay là quận Gorodetsky thuộc vùng Nizhny Novgorod của Nga) trong một gia đình nông dân. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, chàng thanh niên Vorozheykin trúng tuyển vào Trường đại học Nông nghiệp Gorky. Tại ngôi trường nổi tiếng này, Vorozheykin chỉ theo học một năm rồi quyết định nghỉ học để theo đuổi đam mê trở thành một phi công lái máy bay tiêm kích.

Với tố chất thông minh và từng có thời gian phục vụ trong quân đội, Vorozheykin đã không quá khó khăn để vượt qua kỳ thi tuyển sinh vào Trường quân sự Kharkov. Theo hồi ký của những người bạn từng học tập cùng ông, tài năng xạ kích trên không của Vorozheykin rất tốt, đặc biệt khi thực hành bắn tỉa, ông luôn đạt điểm xuất sắc khi thực hành bắn tiêu diệt mục tiêu tầm xa cơ động nhanh.

Trải lòng mình trong cuốn hồi ký cuối đời, chính Vorozheikin từng viết: “Để lĩnh hội các bí quyết tác chiến trên không ngay từ những lần xuất kích đầu tiên, tôi đã có thái độ rất nghiêm túc. Bản thân luôn xác định muốn trở thành phi công chiến đấu giỏi, điều kiện cần có không chỉ là lái máy bay tốt mà phải có kỹ năng sử dụng vũ khí điêu luyện. Thực tế, một số phi công bắn rất giỏi khi tập luyện dưới mặt đất, nhưng khi xuất kích thì không thể thực hiện các bài bắn đơn giản như bắn đuổi, bắn đón mục tiêu”.

Trải qua thời gian rèn luyện hết sức nghiêm túc, sau khi tốt nghiệp trường bay, Arseny Vorozheykin được điều động công tác tại Trung đoàn máy bay ném bom số 53 đồn trú tại vùng Primorsky. Tại đây, Vorozheykin được giao nhiệm vụ lái máy bay chiến đấu trên chiến trường thực địa.

Năm 1939, tại Mông Cổ, ở khu vực sông Khalkhin Gol đã nổ ra cuộc xung đột quân sự giữa quân đội Mông Cổ và các lực lượng vũ trang của Nhật Bản. Theo Hiệp ước tương trợ ký năm 1936, Liên Xô điều các đơn vị quân đội đến Mông Cổ, trong đó có phi đội bay của Arseny Vorozheykin.

Tại đây, ngày 22/6/1939 đã xảy ra trận không chiến khi 10 máy bay tiêm kích I-16 nhận được lệnh báo động xuất kích đánh chặn 20 máy bay Nhật Bản đang cơ động đến vị trí ném bom các đơn vị quân đội Liên Xô đồn trú gần biên giới. Trong quá trình tham gia tác chiến, máy bay của Arseny Vorozheykin bị hàng chục máy bay Nhật Bản bao vây và tiến công, tuy nhiên, ông vẫn bình tĩnh điều khiển máy bay thoát ra khỏi trận địa mai phục của đối phương và bắn trả quyết liệt. Kết quả, Vorozheykin tiêu diệt nhiều máy bay địch, giành ưu thế trên không sau nhiều cú “đánh úp” bất ngờ khiến đối phương choáng váng.

Trước thế trận giằng co, đối phương bắt đầu tăng chi viện, tập trung hỏa lực về phía máy bay “đầu đàn” do Vorozheykin điều khiển. Sau “cơn mưa” hỏa lực, máy bay của Vorozheykin bị trúng đạn và lao xuống đất. Khi quan sát thấy phi công còn sống, máy bay Nhật Bản liên tục không kích làm I-16 bốc cháy dữ dội. Lúc này, Vorozheykin bị thương ở đầu và tay nhưng ông vẫn nhanh chóng thoát ra khỏi máy bay trước khi nó nổ tung.

Rất may mắn, Vorozheykin đã được lực lượng yểm trợ mặt đất cứu và đưa về hậu phương điều trị. Tại bệnh viện, bác sĩ kết luận phi công bị thương cột sống, cần có thời gian nghỉ ngơi, đặc biệt không nên tiếp tục bay. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau hồi phục, Vorozheykin tiếp tục tham gia cuộc chiến Liên Xô - Phần Lan với vai trò lái máy bay trinh sát và hộ tống máy bay ném bom.

Vị tướng huyền thoại của những trận không chiến ảnh 1

Đài tưởng niệm Anh hùng Liên Xô Arseny Vorozheykin ở vùng Nizhny Novgorod. Ảnh: TASS

Chiến công nối tiếp chiến công

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, Arseny Vorozheykin tiếp tục được cử đi học. Tháng 8/1942, tốt nghiệp Học viện Không quân Chkalovsky và sau đó được điều động đến Mặt trận Kalinin, phục vụ trong phiên chế Trung đoàn không quân tiêm kích 728.

Tại đây, Vorozheykin tiếp tục bay trên chiếc I-16, dòng máy bay chiến đấu ông có nhiều kinh nghiệm lái trong thời gian thực hiện nhiệm vụ ở Mông Cổ. Tuy nhiên, đối thủ của I-16 khác với những lần tham chiến trước đây, là chiến đấu cơ Messerschmitts của Đức. Theo đánh giá của Vorozheykin, I-16 có công suất động cơ và tốc độ bay thấp hơn máy bay Đức, do đó, nó không thể áp đặt thế trận một chiều và khó thoát khỏi sự truy đuổi của máy bay đối phương trong những lần không chiến.

Nắm được những điểm yếu của I-16 và thế mạnh của máy bay đối phương, Vorozheykin đã khôn khéo vận dụng chiến thuật tác chiến theo đội hình vòng tròn phòng thủ khép kín, trong đó máy bay phía sau che phần đuôi của máy bay phía trước. Thế phòng thủ này tạo thế trận giống hình một chiếc cưa đĩa, sẵn sàng chĩa những chiếc răng cưa sắc nhọn về phía đối phương và đánh bật sự xâm nhập của đối phương khi đối đầu.

Mùa hè năm 1943, Vorozheykin được lệnh tham gia Trận vòng cung Kursk cùng với phi đội tiêm kích chiến đấu mới Yak-7B. Theo hồi ký của phi công Vorozheykin, giai đoạn này là thời kỳ “nóng” nhất của phi đội và toàn Trung đoàn 728. Giao tranh ác liệt diễn ra cả trên bộ và trên không. Các phi công liên tục nhận lệnh xuất kích tác chiến và yểm trợ máy bay ném bom và tiến công.

Ngày 12/7/1943 là ngày diễn ra trận chiến khốc liệt nhất khi ngay từ sáng sớm, phi đội gồm sáu máy bay tiêm kích do Arseny Vorozheykin chỉ huy, phải đối đầu với 12 máy bay Junkers của Đức. Buổi trưa, phi đội lại được lệnh xuất kích đánh chặn hơn 40 máy bay các loại khác nhau và chiều muộn tham chiến đối đầu với một biên đội máy bay ném bom của địch. Theo thống kê, từ ngày 20/7 đến 20/9/1943, trong Trận vòng cung Kursk, phi đội của Arseny Vorozheykin đã tiêu diệt khoảng 70 máy bay địch trên không, trong đó riêng Vorozheykin bắn hạ 19 chiếc.

Đầu năm 1944, phi đội của Arseny Vorozheykin được trang bị những chiếc Yak-9 hoàn toàn mới và chỉ mất một thời gian ngắn ông và đồng đội đã làm chủ những “cỗ xe tăng bay” hiện đại này.

Một lần, trên đường trở về căn cứ sau khi thực hiện nhiệm vụ trinh sát, máy bay do Vorozheykin điều khiển đã bị địch truy kích bất ngờ và trúng đạn, tuy nhiên, ông vẫn bắn hạ máy bay địch và điều khiển máy bay hạ cánh khẩn cấp xuống bãi đất trống tại khu vực hậu phương địch. Lúc này, chiếc máy bay do Vorozheykin điều khiển đã bị hư hỏng nặng, nhưng rất may, cũng giống như lần tác chiến ở Mông Cổ, đồng đội của ông đã đến giải cứu kịp thời trước khi địch phát hiện ra vị trí máy bay gặp nạn.

Mùa xuân năm 1945, Vorozheykin tham gia trận không chiến cuối cùng. Ông đã bắn hạ thành công một máy bay ném bom phản lực mới nhãn hiệu Arado của Đức trên bầu trời Berlin. Tính đến thời điểm này, số máy bay địch bị Arseny Vorozheykin tiêu diệt đã vượt quá 50 chiếc.

Sau chiến tranh, Vorozheykin được bổ nhiệm làm chỉ huy Trung đoàn không quân tiêm kích cận vệ số 9 thuộc Sư đoàn không quân tiêm kích 128 của Lực lượng Không quân Hạm đội Biển Đen. Trong những năm 1950, ông được phong quân hàm Thiếu tướng không quân và bổ nhiệm làm Phó Tư lệnh Phòng không của Hạm đội Biển Đen. Mặc dù được bổ nhiệm chức vụ cao trong quân đội, nhưng Vorozheykin vẫn không từ bỏ đam mê lái máy bay và làm chủ những chiếc máy bay phản lực mới.

Khi nghỉ hưu, Arseny Vorozheykin sinh sống tại Moscow và dành nhiều thời gian để nghiên cứu văn học. Ông đã viết tổng cộng 12 cuốn sách về những chiến công của các phi công Liên Xô trong giai đoạn Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Vị tướng huyền thoại của những trận không chiến mất vào ngày 23/5/2001 tại Thủ đô Moscow của LB Nga.