Vì một thế giới công bằng và bình đẳng

Hội nghị quốc tế lần thứ 14 của các nhà kinh tế về các vấn đề toàn cầu hóa và phát triển đã bế mạc ngày 17/11 vừa qua tại Thủ đô La Habana của Cuba, với việc thông qua một tuyên bố kêu gọi hình thành một trật tự kinh tế quốc tế mới dựa trên công bằng và bình đẳng.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: HEDGEYE
Biếm họa: HEDGEYE

Phát biểu ý kiến bế mạc diễn đàn kéo dài 4 ngày, Chủ tịch Cuba, ông Miguel Díaz-Canel đã kêu gọi chứng minh khả năng của chủ nghĩa xã hội trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế quốc tế. Ông Díaz-Canel khẳng định cần có một thế giới công bằng, toàn diện và bình đẳng hơn, qua đó mang lại cho các quốc gia nghèo khó những cơ hội thật sự cho một cuộc sống xứng đáng và bền vững. Tuyên bố La Habana cũng kêu gọi chấm dứt lập tức các cuộc tấn công của Israel nhằm vào dân thường Palestine và lên án việc duy trì lệnh bao vây cấm vận chống Cuba trong hơn 6 thập kỷ qua.

Hội nghị thu hút sự tham gia của khoảng 500 chuyên gia kinh tế đến từ 47 quốc gia, Chủ tịch Cuba cảnh báo nếu không thay đổi thực trạng hỗn loạn toàn cầu hiện nay, “lòng tham lam và ích kỷ của một số ít sẽ đẩy cả thế giới vào vực thẳm”. Ông khẳng định diễn đàn này như một lời tri ân đối với cố Chủ tịch Fidel Castro, “người kiếm tìm không mệt mỏi con đường giải phóng loài người”. Cuộc gặp cũng là dịp để học hỏi và là cơ hội tái khẳng định quyết tâm giải quyết các vấn đề thông qua đồng thuận.

Chủ tịch Díaz-Canel nhận định, các cuộc tranh luận trong khuôn khổ hội nghị đã góp phần đạt được mục tiêu mang lại lợi ích cho phần lớn các quốc gia, chứ không chỉ cho một nhóm quốc gia chọn lọc đã xây dựng sự thịnh vượng của mình trên cơ sở làm bần cùng hóa các quốc gia khác.

Vào ngày cuối cùng của diễn đàn, các đại biểu đã cùng thảo luận nhiều thách thức về tăng trưởng và hòa nhập xã hội. Người đứng đầu Đơn vị Phát triển của Ủy ban Kinh tế châu Mỹ latin và Caribe (ECLAC), ông Ramón Padilla đã trình bày bức tranh toàn cảnh về kinh tế khu vực và cho biết, Mỹ latin và Caribe hiện chỉ đạt khoảng 25% các chỉ số liên quan đến Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) đến năm 2030 của Liên hợp quốc.

Các đơn vị tổ chức Hội nghị là Hiệp hội các nhà kinh tế và kế toán quốc gia Cuba (ANEC) và Hiệp hội các nhà kinh tế Mỹ latin đã kêu gọi tổ chức một cuộc gặp mới tại La Habana vào năm 2025. Trong giai đoạn 1999-2010, 12 cuộc họp tương tự đã được tổ chức tại thủ đô của Cuba, tập trung phân tích các chủ đề chính liên quan toàn cầu hóa và phát triển kinh tế-xã hội.

Hội nghị diễn ra trong bối cảnh ECLAC thông báo tốc độ hồi phục vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Mỹ latin và Caribe chậm, phản ánh những khó khăn mà khu vực này đang đối mặt trong nỗ lực trở thành điểm đến thu hút các nhà đầu tư quốc tế giữa lúc giá nguyên liệu đầu vào ngày một tăng và tốc độ tăng trưởng kinh tế trì trệ. Theo ECLAC, FDI được xem là nguồn lực đóng vai trò quan trọng đối với các quốc gia Mỹ latin và Caribe, nơi mà nguồn vốn đầu tư chung ở mức thấp so với bình quân toàn cầu.

Theo báo cáo của ECLAC - tổ chức có trụ sở chính tại Thủ đô Santiago (Chile), trong năm 2022, mặc dù vốn FDI liên quan hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp tại khu vực Mỹ latin và Caribe tăng hơn 36%, nhưng vẫn ở mức thấp nhất trong vòng 10 năm qua, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực năng lượng, viễn thông và khai thác dầu khí.

Được thành lập vào năm 1948, ECLAC có 46 thành viên chính thức bao gồm 20 quốc gia Mỹ latin, 13 quốc gia Caribe và 13 quốc gia thuộc khu vực lân cận. Ngoài ra, ECLAC còn có 14 thành viên liên kết, trong đó chủ yếu là các hòn đảo thuộc lãnh thổ hải ngoại của các quốc gia khác. Do đó, Hội nghị quốc tế lần thứ 14 của các nhà kinh tế về các vấn đề toàn cầu hóa và phát triển tại Thủ đô La Habana của Cuba, ngoài việc siết chặt đoàn kết giữa các thành viên trong khu vực Mỹ latin và Caribe còn là cơ hội thúc đẩy hợp tác vượt qua những thách thức về kinh tế, đồng thời mang tới thông điệp về tính công bằng, bình đẳng trong một trật tự kinh tế quốc tế mới.