Vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx
V.I Lenin (tên thật là Vladimir Ilyich Ulyanov) là một nhà tư tưởng Xô-viết vĩ đại, chính trị gia kiệt xuất, người thầy của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. V.I.Lenin cũng là người sáng lập đảng Bolshevik Nga, tham gia thành phần tổ chức và lãnh đạo Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917; và là nhà lãnh đạo nhà nước xã hội chủ nghĩa đầu tiên trên thế giới: Nhà nước Xô-viết.
V.I Lenin sinh ở Simbirsk (nay là Ulyanovsk), trong một gia đình có cha là thanh tra viên của một trường công lập. Năm 1887, V.I Lenin tốt nghiệp Trường thể dục Simbirsk với Huy chương Vàng, và được nhận vào Đại học Kazan. Từ thời sinh viên, V.I.Lenin đã tích cực bày tỏ những tư tưởng tiến bộ, đề cao vai trò của giai cấp vô sản. Sau ba tháng nhập học, V.I Lenin bị buộc nghỉ vì tham gia các phong trào tuần hành của sinh viên.
Năm 1895, V.I Lenin thành lập Liên hiệp đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân. Vì tổ chức hoạt động của Liên hiệp, V.I Lenin bị bắt và bị tù 14 tháng, sau đó bị lưu đày ba năm tại làng Shushenskoye thuộc vùng Krasnoyarsk. Sau một thời gian sống lưu vong ở Thụy Sĩ, Phần Lan, Pháp, V.I Lenin trở về Nga vào thời kỳ đầu cuộc Cách mạng Tháng Hai (1917). Tối 2-4-1917, trong một cuộc họp tại ga Phần Lan ở TP Petrograd (Saint Petersburg ngày nay), ông có bài phát biểu ngắn gọn, trong đó kêu gọi tiến hành một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cũng trong năm 1917, V.I Lenin đưa ra Luận cương Tháng Tư, trong đó phác thảo chương trình chuyển từ dân chủ tư sản sang cách mạng xã hội chủ nghĩa, và cũng bắt đầu chuẩn bị cho một cuộc nổi dậy vũ trang lật đổ Chính phủ lâm thời. V.I. Lenin là người có công sáng lập học thuyết về đảng kiểu mới, đảng mang bản chất của giai cấp công nhân, chống chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc.
V.I Lenin là người có công truyền bá, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx vào nước Nga, từ cuối thế kỷ 19 đến những năm đầu thế kỷ 20. Ông và các nhà lãnh đạo đã tiến hành thành công cuộc Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại, khai sinh chủ nghĩa xã hội hiện thực. Sau Cách mạng Tháng Mười, quyền lực được chuyển giao hoàn toàn cho đảng Bolshevik. Một thời đại mới trong lịch sử nhân loại bắt đầu. Đối với các dân tộc yêu chuộng hòa bình và dân chủ, nước Nga là “thành trì” không gì lay chuyển của độc lập và tự do. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, phe hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa, đứng đầu là Liên Xô, đã hình thành, đối lập với phe đế quốc chủ nghĩa.
Tại cuộc họp của Đại hội Xô-viết toàn Nga lần hai họp vào đêm 7-11-1917 (tức 25-10 theo lịch Nga cũ), V.I Lenin công bố hai sắc lệnh về hòa bình và đất đai. Đất đai của địa chủ và người giàu, cũng như các cơ sở công nghiệp, ngân hàng và giao thông vận tải bị tịch thu và quốc hữu hóa. Trong các tác phẩm của mình, V.I. Lenin tập trung bàn về vấn đề đất đai. Dựa trên nghiên cứu về quan hệ nông nghiệp ở nhiều quốc gia, V.I Lenin đã tạo ra một chương trình cải cách mạch lạc trong nông nghiệp. Cuộc đấu tranh của nông dân để tiêu diệt chủ nghĩa địa chủ và tàn dư của chế độ nông nô, như V.I Lenin đã chỉ ra, là một phần của quá trình đấu tranh chung.
V.I Lenin yêu cầu triển khai sự quản lý thống nhất, kỷ luật, nghiêm ngặt tại nơi làm việc. Ông cũng là người đề xướng cải cách chủ nghĩa xã hội với “Chính sách kinh tế mới”, đưa nước Nga ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng sau Cách mạng Tháng Mười. V.I. Lenin nhấn mạnh về sự phát triển của các doanh nghiệp nhà nước, điện khí hóa và tăng cường hợp tác quốc tế. Với “Chính sách kinh tế mới”, theo quan điểm của V.I. Lenin, lợi ích kinh tế như đòn bẩy tạo động lực, tính tích cực của công nhân, nông dân. Quan điểm này được đánh giá là khởi đầu kiến tạo mô hình phát triển mới của chủ nghĩa xã hội.
Di sản của toàn nhân loại
Trong bài viết mới nhất đăng trên website của Đảng Cộng sản LB Nga, Chủ tịch Đảng Cộng sản LB Nga Gennady Zyuganov khẳng định, V.I Lenin là một chính trị gia lỗi lạc, một nhà tư tưởng và nhà lý luận vĩ đại. V.I Lenin dự đoán sự phát triển của loài người và phác thảo tương lai thế giới mới, nơi sức lao động, công lý, chủ nghĩa nhân văn và phẩm giá được tôn vinh. Một thế giới nơi người lao động trở thành trung tâm chính sách của nhà nước. V.I Lenin hiểu rằng, để biến đổi thế giới cần một đảng kiểu mới; và đó là lý do ra đời đảng Bolshevik. Đảng Cộng sản do V.I Lenin sáng lập là tấm gương cổ vũ phong trào vô sản thế giới. Ông là một chính khách tài năng, thực hiện quản lý bằng các biện pháp hòa bình, dân chủ. Là một trong những người đầu tiên chứng minh vai trò lịch sử của giai cấp công nhân Xô-viết, đó là lực lượng cách mạng hàng đầu, tiến bộ của xã hội, V.I Lenin đưa ra ý tưởng về một liên minh của giai cấp công nhân - nông dân, là nền tảng chính cho chiến thắng của cách mạng dân chủ và xã hội chủ nghĩa. Đối với các dân tộc châu Á, châu Phi và Mỹ latin, tư tưởng của V.I Lenin về con đường phát triển có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn.
Theo ông Gennady Zyuganov, V.I Lenin là một trong những chiến lược gia xuất sắc của thế giới. Ông đã hồi sinh sức mạnh dân tộc trong điều kiện quốc gia gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn. Hệ thống giáo dục công lập, theo quan điểm của V.I Lenin, bảo đảm chương trình đào tạo bài bản và công bằng cho mọi người. V.I Lenin cũng đề xuất hỗ trợ những người tài. Chỉ trong 5 năm, V.I Lenin đề xuất bốn lựa chọn chính sách, trong đó phát triển không chỉ về kinh tế - xã hội, mà cả quan hệ quốc tế. Những nguyên tắc của V.I Lenin về quyền dân tộc tự quyết, về chung sống hòa bình, không can thiệp công việc nội bộ các nước khác,... đã chỉ ra con đường đấu tranh giải phóng, giành thống nhất, độc lập, tự do cho dân tộc.
Chủ tịch Đảng Cộng sản LB Nga Gennady Zyuganov đề cao vai trò của V.I. Lenin gắn với thành tựu của Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, công nghiệp hóa và công nghiệp vũ trụ. Trong 10 năm thời kỳ Liên Xô, 9.000 doanh nghiệp tốt nhất thời bấy giờ đã được xây dựng. Ông Gennady Zyuganov dẫn kết quả khảo sát của Trung tâm Levada cho biết, từ 70 - 80% số người dân Nga đánh giá cao các thành tựu thời kỳ Xô-viết. Ông Gennady Zyuganov khẳng định, một trong những biện pháp để nước Nga ngày nay thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện tại, đó là dựa vào truyền thống lịch sử hàng nghìn năm, nhất là trong thời kỳ Xô-viết, nơi mà sức mạnh dân tộc, lòng nhiệt tình, sự hy sinh và chủ nghĩa anh hùng luôn được đề cao.
Chia sẻ trên Twitter, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro chúc mừng người Nga nhân kỷ niệm 149 năm Ngày sinh của nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất V.I Lenin: Chúng tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với nhà lãnh đạo cách mạng vĩ đại V.I Lenin và di sản của ông trong cuộc đấu tranh cho quyền của giai cấp vô sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, Lenin vẫn là một “câu chuyện sống động”. Tổng thống Maduro cũng từng nhận định, V.I Lenin là “nguồn cảm hứng siêu việt cho các dân tộc đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội”.