Vất vả dập dịch tả lợn châu Phi ở Bắc Kạn

Tình trạng “bán chui” lợn nhiễm bệnh xảy ra đang khiến cho việc dập dịch ở Bắc Kạn khó khăn. Trong ba tháng qua, từ một vài thôn, bản có dịch, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra tất cả các huyện, thị của tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tại thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông. Ảnh: THU TRANG
Tiêu hủy lợn nhiễm bệnh tại thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông. Ảnh: THU TRANG

Dịch lan rộng, nhiều khó khăn

Trong năm 2023, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại hơn 180 hộ ở 66 thôn, bản thuộc 33 xã của 8 huyện của Bắc Kạn. Sang tháng 3/2024, sau một thời gian tạm lắng, dịch tái bùng phát với ổ dịch đầu tiên tại thôn Tân Hoan, xã Tân Tú, huyện Bạch Thông. Tốc độ lây lan đợt này rất nhanh. Đến ngày 16/5, dịch đã xuất hiện trên đàn lợn của gần 500 hộ ở 150 thôn tại 45 xã, thuộc 8 huyện, thành phố. Tổng số lợn phải tiêu hủy là hơn 1.800 con với trọng lượng hơn 76 tấn.

Có 6 xã dịch tái phát lần 2 là xã Trung Hòa (huyện Ngân Sơn), phường Nguyễn Thị Minh Khai (TP Bắc Kạn), các xã Cao Thượng, Hà Hiệu, Bành Trạch (huyện Ba Bể), xã Tân Tú (huyện Bạch Thông). Các huyện Na Rì, Bạch Thông, Chợ Mới và TP Bắc Kạn có 100% các xã, phường, thị trấn xảy ra dịch.

Đến ngày 12/6, dịch xảy ra tại hơn 1.900 hộ, 91 xã ở tất cả 8 huyện, thành phố của tỉnh. Số lượng lợn mắc bệnh phải tiêu hủy gần 8.000 con với tổng trọng lượng gần 320 tấn. Theo đánh giá chuyên môn, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lây lan nhanh, tổng số lợn mắc bệnh hiện đã chiếm tới 5% tổng đàn, gây thiệt hại khoảng 20 tỷ đồng.

Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang lâm vào khó khăn. Một số ít xã chưa bị dịch thì việc tiêu thụ cũng khó khăn do người tiêu dùng hạn chế sử dụng thịt lợn. Ông Nguyễn Văn Thuận ở tổ Khuổi Mật, phường Huyền Tụng (TP Bắc Kạn) có 12 con lợn giống lai rừng buộc phải tiêu hủy do nhiễm dịch, thiệt hại khoảng 50 triệu đồng. Ông chia sẻ, dù rất tiếc vì giá giống lợn lai rừng rất cao nhưng không còn cách nào khác.

Nhìn chuồng lợn trống trơn, bà Chu Thị Thê ở thôn Nà Cưởm, xã Dương Quang (TP Bắc Kạn) nặng trĩu nỗi buồn cho biết: 20 con lợn trị giá hàng chục triệu đồng của gia đình buộc phải tiêu hủy do dịch. Mấy chục năm chăn nuôi nhưng đây là lần đầu tiên gia đình có lợn nuôi bị ốm, bệnh hàng loạt.

Theo nhận định của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Bắc Kạn, dịch bệnh lây lan là do virus gây bệnh có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Thời tiết diễn biến bất lợi cho sức khỏe đàn vật nuôi và tạo điều kiện cho các loại dịch bệnh. Trong khi đó, chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ lệ 70%, không bảo đảm các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học; một bộ phận người chăn nuôi chưa tuân thủ nghiêm việc báo cáo dịch bệnh theo đúng quy định… Công tác phối hợp chính quyền cơ sở và ngành chuyên môn chưa đồng bộ, một số địa phương chưa vào cuộc quyết liệt. Bên cạnh đó, dù bệnh dịch tả lợn châu Phi đã có vaccine nhưng đa số các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ chưa tiêm phòng đầy đủ.

Còn nhiều bất cập gây cản trở

Ngành nông nghiệp Bắc Kạn đã huy động tất cả cán bộ thú y tỏa đi cơ sở cùng các địa phương chống dịch. Để sớm khống chế dịch bệnh, khôi phục sản xuất, đòi hỏi sự kết hợp đồng bộ của các ngành, các cấp, của toàn hệ thống chính trị. Bắc Kạn đã có văn bản hỏa tốc chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phối hợp UBND các huyện, TP kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh tại cơ sở. Các huyện, thành phố huy động các nguồn lực để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, hạn chế ổ dịch mới phát sinh; tổ chức xử lý tiêu hủy lợn mắc bệnh, lợn chết do bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Nhưng khó khăn khiến công tác chống dịch chưa đạt hiệu quả cao là mạng lưới cán bộ thú y cơ sở rất mỏng. Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện chỉ có từ 1 đến 3 cán bộ có chuyên môn về chăn nuôi, thú y. Riêng huyện Chợ Mới có duy nhất một cán bộ chuyên môn thú y, nhưng chỉ có bằng trung cấp. Ba xã Nhạn Môn, Bộc Bố (huyện Pác Nặm), Tân Sơn (huyện Chợ Mới) chưa có thú y viên. Việc kiểm soát vận chuyển lợn ra, vào tỉnh cũng đang gặp nhiều bất cập. Bắc Kạn hiện có 2 chốt kiểm dịch động vật, gồm: Trạm kiểm dịch động vật huyện Chợ Mới trên tuyến Quốc lộ 3 (đoạn qua thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới) và trên tuyến đường BOT Thái Nguyên - Chợ Mới (đoạn qua xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới). Trung bình mỗi ngày chỉ có từ 3 đến 5 lượt xe dừng để kiểm dịch thì hầu hết là các phương tiện có đủ hồ sơ, nguồn gốc động vật và sản phẩm động vật rõ ràng. Trạm đã phân công trực 24/24 giờ nhưng vì chỉ có cán bộ thú y, không có thẩm quyền dừng phương tiện để kiểm tra nên rất khó phát hiện các đối tượng vận chuyển lợn không có giấy tờ hay lợn nhiễm dịch bệnh.

Những ngày qua, trên địa bàn còn xuất hiện tình trạng “mua chui, bán tháo” lợn nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh. Trên một số hội nhóm mạng xã hội, thương lái ra giá mua từ 300 đến 500 nghìn đồng/con lợn ốm, chết bất kể ở khu vực nào. Tại một số xã đang có dịch, theo phản ánh của người dân, đã có trường hợp thương lái lén lút đưa tờ rơi mua lợn ốm cho người dân.

Sở NN&PTNT Bắc Kạn đặc biệt nhấn mạnh việc các địa phương phải chủ động ưu tiên, bố trí kinh phí để thực hiện; bố trí nguồn lực, vật tư, phương tiện, quỹ đất để tiêu hủy động vật mắc bệnh khi có dịch. Công an tỉnh cũng đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm liên quan đến hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép lợn và sản phẩm lợn không rõ nguồn gốc, không qua kiểm dịch, bị bệnh, gây lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường.

Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Kạn Hà Sỹ Huân, về lâu dài, tiêm vaccine đầy đủ là yếu tố quan trọng để phòng dịch. Thực tế cho thấy, một số địa phương có tỷ lệ tiêm phòng cao đã phòng bệnh rất tốt. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp khoảng 10 nghìn lít hóa chất sát trùng từ nguồn dự trữ quốc gia để phun tiêu độc khử trùng.

Kiểm tra tình hình dịch bệnh tại Bắc Kạn vào ngày 13/6, Cục trưởng Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Long đề nghị tỉnh cần công bố dịch tả lợn châu Phi mức độ toàn tỉnh để nâng mức độ phòng, chống dịch cao hơn, huy động mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Mới nhất, tại huyện Chợ Mới, lực lượng chức năng đã phát hiện và tạm giữ hai xe ô-tô chở 14 con lợn từ vùng dịch (huyện Ba Bể và Na Rì) mang đi tỉnh Thái Nguyên tiêu thụ. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử phạt hành chính.