Phát biểu ý kiến tại buổi họp báo tại Bắc Macedonia trên chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du các nền kinh tế Tây Balkan, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết, EU có kế hoạch đầu tư 6 tỷ euro (6,35 tỷ USD) hỗ trợ các quốc gia và vùng lãnh thổ Tây Balkan cải cách. Chủ tịch EC nhấn mạnh Bắc Macedonia, Albania, Serbia, Montenegro, vùng lãnh thổ Kosovo và Bosnia-Herzegovina cần nắm bắt “cửa sổ cơ hội” đối với việc gia nhập EU và thúc đẩy các nỗ lực để các tiêu chuẩn của họ phù hợp với những tiêu chuẩn của các quốc gia thành viên trong khối.
Đến nay, EU là đối tác thương mại và nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất của các nước và vùng lãnh thổ này. Tuy nhiên, hiện EU vẫn chưa đạt được nhất trí chung với mục tiêu hoàn tất việc kết nạp các nước và vùng lãnh thổ Tây Balkan, điều đã được đưa ra từ 18 năm trước, trong đó một trong những nguyên nhân là do thiếu cải cách ở toàn bộ khu vực này.
Chủ tịch EC cho biết, trong khuôn khổ kế hoạch tăng trưởng mới của EU sẽ có việc mở cửa thị trường chung cho các quốc gia và vùng lãnh thổ Tây Balkan trên các lĩnh vực như dịch chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, vận tải và năng lượng. Kế hoạch này cũng kêu gọi các nền kinh tế Tây Balkan thiết lập một thị trường khu vực chung và thực hiện những cải cách cần thiết. Đơn cử như Bắc Macedonia cần cải cách môi trường kinh doanh, xây dựng nền hành chính công hiệu quả, bảo đảm nền tài chính công minh bạch và cải thiện các nỗ lực chống tham nhũng.
Bà von der Leyen nhấn mạnh, EC sẽ đầu tư để các quốc gia và vùng lãnh thổ Tây Balkan thực hiện những cải cách nói trên và gói đầu tư đề xuất ban đầu là 6 tỷ euro. Cụ thể, EU đã sẵn sàng giải ngân 100 triệu euro hỗ trợ tài chính vi mô, song các bên liên quan cần nỗ lực hành động hơn nữa và thu hẹp khoảng cách giữa các nền kinh tế trong bối cảnh thu nhập trung bình của các quốc gia và vùng lãnh thổ Tây Balkan hiện mới tương đương khoảng 42% trong tổng thu nhập trung bình của EU. Liên minh 27 quốc gia thành viên mong muốn giúp các nền kinh tế Tây Balkan tăng gấp đôi GDP trong thập kỷ tới.
Nhằm đưa các nền kinh tế xích lại gần nhau hơn, trong năm 2022, Serbia, Albania và Bắc Macedonia đã ký thỏa thuận cho phép người dân tự do đi lại và làm việc tại 3 quốc gia này khi chỉ cần xuất trình thẻ căn cước công dân. Từ ngày 16/10, các quốc gia và vùng lãnh thổ khu vực Tây Balkan cũng đã nhất trí tiếp tục công nhận bằng cấp về nghề nghiệp của nhau. Bà Von der Leyen hy vọng việc các nước và vùng lãnh thổ Tây Balkan tạo ra thị trường chung của riêng họ sẽ thúc đẩy kinh tế khu vực này tăng thêm 10%.
Hiện quá trình gia nhập EU của các nước và vùng lãnh thổ Tây Balkan đang ở những giai đoạn khác nhau. EU đã cấp quy chế ứng cử viên cho Moldova vào tháng 6/2022, nhưng tiến trình để nước này trở thành thành viên chính thức của EU có thể kéo dài nhiều năm. Tổng thống Moldova cho biết, nước này đang nỗ lực đáp ứng các điều kiện của EC thông qua việc cải thiện hệ thống tư pháp và chống tham nhũng.
Một trở ngại cho khu vực Tây Balkan hội nhập EU là mâu thuẫn giữa Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo. Hiện hai bên đang tiến tới bình thường hóa mối quan hệ sau khi Kosovo đồng ý trao quyền tự trị lớn hơn cho người thiểu số Serbia. EU cũng yêu cầu Serbia công nhận nền độc lập của Kosovo như một điều kiện tiên quyết để gia nhập khối.
Trong khi đó, Gruzia đã đẩy nhanh cải cách tư pháp để có thể được trao tư cách ứng viên vào cuối năm 2023, đồng thời lưu ý rằng Tbilisi “đang chờ đợi một cách xứng đáng” để nhận được tư cách ứng viên. Tổng thống Gruzia cho rằng, việc nước này cũng như các nước khu vực Tây Balkan gia nhập EU sẽ giúp thúc đẩy cấu trúc an ninh châu Âu trong tương lai, khi khu vực này trở thành vành đai bảo đảm ổn định ở khu vực Biển Đen và vùng Caucasus.