Vá lỗ hổng xe đưa đón học sinh

Hai vụ học sinh văng ra ngoài từ ô-tô trên đường đi xảy ra liên tiếp với những hình ảnh được ghi lại đã gây xôn xao dư luận. Trong khi đó, một số vụ việc bỏ quên trẻ trên xe đến trường gần đây vẫn còn nguyên bức xúc khi người ta nhắc lại.

Chuyện sức khỏe, sự an toàn của trẻ đến trường, trong bối cảnh ngày càng xuất hiện nhiều những nguy cơ bất trắc về mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường, thực phẩm bẩn… như hiện nay, làm sao mà mọi gia đình không nghĩ đến và lo lắng thường xuyên cho được. Trong khi, các cháu còn nhỏ tuổi, làm sao kịp thời hoặc bình tĩnh xử lý. Bảo sao, nói rộng ra một chút, rất nhiều phụ huynh đã phải mua điện thoại di động cho con mang theo, hoặc cài đặt chế độ để khi cần, quan sát con nhỏ tại lớp mầm non, mẫu giáo qua camera cho yên tâm. Cũng chính camera đã giúp phát hiện không ít vụ bạo hành trẻ ở lớp, cơ sở giáo dục...

Quay trở lại vụ rơi trẻ, đáng ghi nhận, lực lượng chức năng đã vào cuộc để làm việc với lái xe, nhà trường có xe đưa đón học sinh, kiểm tra điều kiện, thiết bị an toàn trên xe, để phát hiện ra việc trang bị còn sơ sài, quan niệm với công việc này còn đơn giản. Điều này cho thấy, để chấn chỉnh việc đưa đón trẻ, cơ quan chức năng còn phải tổ chức rà soát trên diện rộng, và “ốp” các trường dài dài. Cũng như, các cơ sở đào tạo tự giác hơn trong việc cải thiện và chuẩn chỉnh trách nhiệm đưa đón học sinh của mình.

Quan trọng nữa, cả cơ quan kiểm tra, giám sát lẫn nhà trường, rất cần tập trung “vá” lỗ hổng phát sinh từ chính dịch vụ đưa đón và những người đảm nhiệm công việc này. Thực tế đang cho thấy sự thiếu chuyên nghiệp, thậm chí thiếu nghiêm túc và thiếu tôn trọng khách hàng trên không ít chuyến xe đưa đón học sinh. Đừng nghĩ các cháu nhỏ tuổi, cho là trẻ con mà coi thường các cháu, hoặc coi nhẹ việc để ý, giám sát trẻ, hoặc còn bừa bãi, thô bạo trong ăn nói, đối xử với các cháu.

Không phải khi đến trường, vào lớp, mà ngay từ khi lên xe, trẻ đã được giao vào tay nhà trường rồi. Vì thế, việc trông nom, giám sát và chăm sóc các cháu cũng phải như khi các cháu bước vào cổng trường. Thậm chí càng phải cẩn trọng, bởi khi đó trẻ đang tham gia lưu thông trên đường. Thí dụ cụ thể, ghế phải đủ, trẻ không phải ngồi chen chúc, xe phải thoáng, sạch, cửa phải chắc, thậm chí, xe đi phải “êm”, không làm trẻ mệt, ngoài lái xe còn phải có người ngồi dưới đếm số trẻ lúc lên và xuống, liên tục quan sát, nắm bắt để sẵn sàng xử lý những phát sinh như trẻ mệt, ngã, nôn ói…

Duy trì chất lượng đưa đón thiếu trách nhiệm, gây hậu quả thì phải bị phạt. Sử dụng dịch vụ kém, biết là kém mà không chấn chỉnh, cơ sở giáo dục cũng phải chịu trách nhiệm chính. Ngoài cơ quan chức năng, các phụ huynh cũng rất cần thẳng thắn, gay gắt hơn với những kiểu làm ăn như thế!