Không có khái niệm “trả lại” vốn
Hôm 27/11, khi làm việc với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhắc đến việc giải ngân vốn đầu tư công như một trong những ưu tiên phải xử lý, giải quyết để hỗ trợ, tạo điều kiện cho TP Hồ Chí Minh phát triển. Bởi lẽ đây là một trong những điểm yếu của hệ thống trong nhiều năm.
Với một “đầu tàu” như TP Hồ Chí Minh, đến hết ngày 25/11/2022, tổng số vốn đã giải ngân mới hơn 12.665 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 34% là điều đáng lo ngại. Thực tế, “điểm nghẽn” giải ngân đầu tư công không chỉ xảy ra ở TP Hồ Chí Minh mà ở trên cả nước.
Theo Bộ Tài chính, ước tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của cả nước 11 tháng năm 2022 mới đạt 52,43% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tỷ lệ giải ngân đạt 58,33%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2021 (63,86%). Riêng giải ngân vốn nước ngoài chỉ đạt 27,99%.
Giải ngân vốn nước ngoài 11 tháng chỉ đạt 27,99% là một con số đáng báo động, trong khi đó nhiều bộ, ngành, địa phương lại xin “trả lại” kế hoạch vốn nước ngoài. Cá biệt cũng có trường hợp đề nghị thôi không sử dụng vốn vay ODA, vay ưu đãi do vướng mắc trong quá trình lập dự án đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Theo quy định hiện hành, không có khái niệm “trả lại” kế hoạch vốn. Thực chất đây là quy trình điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm theo quy định của Luật Đầu tư công, trong đó, những bộ, cơ quan T.Ư, địa phương có điều chỉnh giảm kế hoạch vốn được quen gọi là “trả lại” kế hoạch vốn. Tuy nhiên, để thực hiện được việc điều chỉnh kế hoạch vốn thì phải đáp ứng điều kiện có nơi tăng phải có nơi giảm để không làm thay đổi tổng mức vốn kế hoạch hằng năm đã được Quốc hội thông qua.
Số liệu của Chính phủ cho thấy, chín tháng năm 2022, các bộ, cơ quan T.Ư và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm hơn
11 nghìn tỷ đồng kế hoạch vốn ODA. Năm 2020 bị “trả lại” hơn 14 nghìn tỷ, năm 2021 “trả lại” hơn 20 nghìn tỷ đồng.
Đây là điều khiến không ít đại biểu Quốc hội băn khoăn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi giải trình trước các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng việc các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề xuất “trả lại” kế hoạch là không thực hiện nghiêm chỉ tiêu pháp lệnh của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ cũng như có thể làm ảnh hưởng đến mục tiêu của Kế hoạch 5 năm, Chiến lược 10 năm được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua.
Cần chế tài cho việc chậm giải ngân
Thời gian tới, nhiều kế hoạch đầu tư công vẫn đang được đốc thúc, đặc biệt trong lĩnh vực hạ tầng. Số vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 được phép phân bổ là 2.720.000 tỷ đồng (cao hơn giai đoạn 2016-2020). Đơn cử trong lĩnh vực giao thông, khối lượng công việc thời gian tới rất lớn, 10 năm trước cả nước chỉ có hơn 1.000km cao tốc, trong khi từ nay đến năm 2025 phải có 3.000km.
Nhưng cũng như giai đoạn trước, tiến độ giải ngân vốn các dự án quan trọng quốc gia vẫn còn rất chậm. Trong đó, Dự án cao tốc bắc - nam phía đông giai đoạn 2017-2020 đến nay mới giải ngân được 79,5% tổng kế hoạch được giao, Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giải ngân được 72,83% kế hoạch đã giao…
Tại báo cáo kết quả giám sát về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và đầu tư công theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ đánh giá kỹ việc các bộ, cơ quan trung ương, địa phương xin “trả lại” kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 do không có khả năng giải ngân; tổng hợp số liệu cụ thể, báo cáo Quốc hội để điều chỉnh giảm chi ngân sách nhà nước, giảm bội chi ngân sách nhà nước tương ứng và đề xuất giải pháp xử lý phù hợp, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn.
“Tránh trường hợp Chính phủ trình tăng bội chi ngân sách nhà nước năm 2022 (theo báo cáo của Chính phủ, bội chi ngân sách trung ương năm 2022 tăng 57,5 nghìn tỷ đồng so với dự toán), trong khi vốn đầu tư công không giải ngân được, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đề nghị điều chỉnh giảm lại chưa được tổng hợp kịp thời để đánh giá số liệu chi ngân sách nhà nước, bội chi ngân sách nhà nước sát thực tế hơn”, Ủy ban này đề nghị.
Để bảo đảm hiệu quả việc sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi thời gian tới, Bộ Tài chính cho hay Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan chủ quản dự án là các bộ, địa phương phải chịu trách nhiệm xây dựng dự án, dự kiến nguồn vốn huy động phù hợp với dự án và triển khai thực hiện, khắc phục tình trạng trả lại vốn như thời gian qua. Cơ quan này cũng đề xuất bổ sung chế tài đối với các trường hợp trả lại kế hoạch hằng năm để tăng cường kỷ luật, kỷ cương đầu tư công.
Bộ Tài chính cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở đó, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và khuyến nghị các cơ quan chủ quản cần nghiên cứu kỹ về tính chất, điều kiện và các thủ tục của nguồn vốn đề nghị huy động ngay từ giai đoạn đề xuất sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi, đánh giá tính phù hợp của nguồn vốn đề xuất với dự án dự kiến đầu tư, khả năng đáp ứng các điều kiện sử dụng vốn. Trường hợp có những yếu tố không khả thi, Bộ Tài chính đề nghị không đề xuất sử dụng (không huy động) để tránh lãng phí thời gian, kinh phí xây dựng dự án cũng như tạo gánh nặng nợ công khi vay vốn.