Có thể thấy rằng, trong quá trình quy hoạch của mỗi tỉnh ở mỗi vùng miền, có xu hướng chung là các khu đô thị, vùng đô thị đều được xây dựng bên cạnh những dòng sông, suối lớn. Thậm chí có nhiều tỉnh đã quy hoạch bằng cách nắn dòng nhằm biến con suối tự nhiên vốn có tác dụng điều tiết lượng nước mưa trong mùa lũ thành điểm nhấn cho cảnh quan đô thị. Việc bê-tông hóa hai bên dòng suối đã góp phần thu hẹp diện tích dòng chảy. Hậu quả là mỗi mùa mưa, lượng nước mưa tự nhiên bỗng nhiều bất thường hoặc đổ xuống nhanh chóng, cục bộ từ phía các triền núi dốc sẽ tạo thành lũ quét, lũ ống gây nguy hiểm tới chính các khu đô thị này.
Qua mỗi cơn lũ vừa qua, nhiều hình ảnh từ camera, từ những người dân tự quay, từ các phương tiện truyền thông cho thấy dòng chảy của các dòng nước lớn hầu hết đều tràn qua đường quốc lộ. Qua đó có thể thấy rằng việc tiêu thoát nước tự nhiên tại một số đô thị miền núi chưa được quan tâm, tính toán xây dựng khoa học nên đã dẫn đến những hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp môi trường, tài sản và tính mạng của người dân.
Từ thực tế vừa qua, có thể thấy rằng việc đánh giá tác động môi trường của mỗi khu đô thị miền núi vùng cao là điều rất quan trọng bởi công tác này khi được tiến hành cẩn thận, kỹ càng thì mới có thể giúp giảm bớt những thiệt hại về người và tài sản trong bối cảnh khí hậu đang thay đổi ngày một khắc nghiệt hơn.
Một trong những nhiệm vụ cũng rất cấp bách là việc tái sinh lại các khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ chung quanh các khu đô thị. Chính các khu rừng này vừa bảo đảm nhu cầu tái sinh rừng đang ngày một trở nên bức thiết, đồng thời cũng có chức năng giữ đất, giữ nước, chống sạt lở vốn là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng tới sinh mạng và tài sản của người dân vùng núi cao trong quá trình thời tiết diễn biến bất thường.