Tiềm năng to lớn
Trong báo cáo Triển vọng chiến lược về sức khỏe và chăm sóc sức khỏe toàn cầu công bố tháng 4/2023, Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) nhấn mạnh, quá trình tự động hóa và tăng cường ứng dụng AI cũng như một loạt công nghệ tiên tiến đang tạo ra cuộc cách mạng về chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu. Báo cáo của WEF nêu rõ, các công nghệ chăm sóc sức khỏe với sự hỗ trợ của AI có tiềm năng tăng trưởng to lớn để mang lại sự thay đổi tích cực, gồm các phương pháp điều trị mới, cải thiện kết quả điều trị bệnh, giúp chẩn đoán và phòng ngừa tốt hơn và sớm hơn, qua đó cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.
AI có thể phân tích một lượng lớn dữ liệu lâm sàng nhanh chóng, giúp các chuyên gia y tế xác định sớm dấu hiệu và xu hướng phát triển của bệnh. Các ứng dụng tiềm năng của AI trong chăm sóc sức khỏe rất rộng, từ quét hình ảnh xét nghiệm để phát hiện bệnh, cho đến việc đưa ra các cảnh báo từ kết quả lưu trong hồ sơ sức khỏe điện tử. Bằng cách tận dụng AI, các hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể trở nên thông minh hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn trong việc cung cấp dịch vụ cho hàng triệu người trên toàn thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, các bệnh không lây nhiễm khiến 41 triệu người chết mỗi năm, 77% trong số đó xảy ra ở các nước thu nhập thấp và trung bình, kéo theo chi phí y tế hơn 2.000 tỷ USD. Theo báo cáo của WEF, các bước tiến trong phòng ngừa, giám sát và tư vấn thông qua các phương pháp kỹ thuật số và sự hỗ trợ của AI rõ ràng có thể làm tăng đáng kể quyền tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe cũng như giúp giảm các chi phí liên quan. Cơ quan Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) của Anh ước tính, việc chẩn đoán và điều trị từ xa cho bệnh nhân thông qua các giải pháp công nghệ có thể giúp giảm tới 25% chi phí trong chăm sóc sức khỏe.
AI đã được sử dụng để phát hiện các bệnh như ung thư, với tỷ lệ chính xác hơn và trong giai đoạn bệnh sớm hơn. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, việc sử dụng AI cho phép đọc kết quả chụp X quang tuyến vú nhanh hơn 30 lần, với độ chính xác lên tới 99%, giảm rõ rệt yêu cầu sinh thiết không cần thiết. Sự phổ biến của các thiết bị đeo thông minh và các thiết bị y tế ngày nay kết hợp với AI cũng đang được áp dụng để giám sát bệnh tim mạch, cho phép các bác sĩ theo dõi diễn biến bệnh tốt hơn, qua đó điều trị sớm và hiệu quả hơn.
Hiệp hội Nghiên cứu Y sinh California cho biết, phải mất trung bình 12 năm để một loại thuốc hoàn tất quy trình bắt đầu từ phòng thí nghiệm cho đến khi được cấp phép sử dụng để điều trị bệnh. Chỉ có 5 trong số 5.000 loại thuốc mới nghiên cứu được phép thử nghiệm trên người, và chỉ 1 trong 5 loại này được cấp phép sử dụng. Trung bình, một công ty của Mỹ phải chi khoảng 359 triệu USD để phát triển một loại thuốc mới. Nghiên cứu thuốc chữa bệnh là một trong những ứng dụng gần đây của AI trong chăm sóc sức khỏe. Những tiến bộ của AI giúp giảm đáng kể thời gian và chi phí để phát triển các loại thuốc mới.
Robot đã được sử dụng trong ngành y tế trong hơn 30 năm qua, từ các robot đơn giản trong phòng thí nghiệm cho đến các robot có thể thực hiện những hoạt động phẫu thuật rất phức tạp. Robot còn được sử dụng tại các bệnh viện và phòng thí nghiệm trong phục hồi chức năng, vật lý trị liệu. Việc trang bị các hệ thống AI tiên tiến trong hệ điều hành của robot sẽ giúp tăng cường đáng kể hiệu quả chữa trị và chăm sóc bệnh nhân.
AI cũng đang thay đổi nhiều khía cạnh hành chính trong các dịch vụ y tế. Trung bình, một y tá ở Mỹ phải dành tới 25% thời gian làm việc cho các hoạt động hành chính và quản lý. Bằng cách tự động hóa các hoạt động như nhập dữ liệu, lập lịch hẹn, AI có thể giúp tiết kiệm thời gian cho các nhà cung cấp dịch vụ y tế. Hơn nữa, công nghệ cũng có khả năng giảm các lỗi không đáng có của con người qua việc xem xét bệnh án, hình ảnh và kết quả xét nghiệm, xử lý các khiếu nại một cách nhanh chóng hơn.
Một số thách thức
Càng đầu tư nhiều hơn vào việc áp dụng AI trong chăm sóc sức khỏe, các tổ chức càng cần quan tâm tới những thách thức đối với công nghệ này. Khả năng truy cập internet hiện là rào cản lớn nhất để phổ biến rộng rãi hơn các công nghệ mới tới người dân trên toàn thế giới. Theo WEF, hiện gần ba tỷ người, khoảng hơn một phần ba dân số thế giới, không có kết nối internet. Độ phủ của internet không đồng đều giữa các khu vực trên thế giới. Tỷ lệ dân số ở châu Phi cận Sahara sử dụng internet chỉ khoảng 30%, chưa bằng một phần ba con số ở khu vực Bắc Mỹ.
Một số thách thức cấp bách khác trong việc áp dụng AI trong chăm sóc sức khỏe cần được quan tâm tới, đó là vấn đề quyền riêng tư, bảo mật dữ liệu, độ an toàn và chính xác của công nghệ, các thuật toán giúp nhận biết chính xác các dữ liệu y tế, việc tích hợp AI vào các hệ thống công nghệ thông tin hiện có, sự chấp nhận và tin tưởng của bác sĩ và việc tuân thủ các quy định của chính phủ. Quyền riêng tư về dữ liệu đặc biệt quan trọng vì các hệ thống AI thu thập một lượng lớn thông tin sức khỏe cá nhân và rất có thể bị lạm dụng nếu không được xử lý chính xác. Ngoài ra, các biện pháp bảo mật thích hợp phải được trang bị để bảo vệ dữ liệu nhạy cảm của bệnh nhân khỏi bị khai thác cho mục đích xấu.
Sự an toàn và chính xác của công nghệ cũng là những mối quan tâm khi sử dụng AI trong chăm sóc sức khỏe. Các hệ thống AI phải được đào tạo để nhận biết chính xác các dữ liệu y tế, hiểu mối quan hệ giữa các chẩn đoán và phương pháp điều trị khác nhau và đưa ra các khuyến nghị phù hợp với từng bệnh nhân. Hơn nữa, việc tích hợp AI với các hệ thống công nghệ thông tin có thể khiến quy trình cung cấp dịch vụ y tế trở nên phức tạp hơn vì cần có sự hiểu biết sâu sắc về cách thức hoạt động của công nghệ.
Việc đạt được sự chấp nhận và tin tưởng từ các nhà cung cấp dịch vụ y tế cũng rất quan trọng để áp dụng thành công AI trong chăm sóc sức khỏe. Các bác sĩ cần cảm thấy tự tin rằng, hệ thống AI đang đưa ra những lời khuyên đáng tin cậy. Ngoài ra, các hệ thống AI cũng phải bảo đảm việc tuân thủ các quy định của giới quản lý và đang sử dụng những dữ liệu từ các nghiên cứu y học được cập nhật, trong các mục đích phù hợp với các quy tắc đạo đức và không gây nguy hiểm cho bệnh nhân.
Các chuyên gia của WEF cho rằng, để cải thiện khả năng tiếp cận và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe toàn cầu cần phải vạch ra kế hoạch hành động toàn diện gồm các giải pháp ngắn, trung và dài hạn. Cần khuyến khích đầu tư để thúc đẩy sự đổi mới trong phát triển y học và điều trị, trong khi tối ưu hóa chuỗi cung ứng và cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Việc sử dụng dữ liệu và các ứng dụng phải được đồng bộ, giúp cho các hệ thống và công cụ chăm sóc sức khỏe khác nhau có thể tương tác với nhau. Về lâu dài, ngành y tế phải phối hợp chặt chẽ với các nhà hoạch định chính sách, tạo ra khung pháp lý nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong tất cả các thành phần của hệ thống chăm sóc sức khỏe toàn cầu.
Một nghiên cứu trên Future Healthcare Journal kết luận, các hệ thống AI sẽ không thể thay thế hoàn toàn các bác sĩ, mà sẽ tăng cường hiệu quả chăm sóc bệnh nhân. Sự đồng cảm, khả năng thuyết phục của bác sĩ đối với người bệnh là không thể thay thế. TS Aldo Faisal, Giám đốc Trung tâm đào tạo TS về AI trong chăm sóc sức khỏe của Anh nhấn mạnh rằng, trong tương lai máy móc sẽ không thay thế con người, mà sẽ giúp giảm chi phí và cải thiện kết quả điều trị. Có lẽ, chỉ những nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ chối làm việc cùng AI mới mất việc làm trong tương lai.