Từng vòng khăn giữ nghề làng Giáp Nhất

Không ai rõ khăn xếp có từ bao giờ, từ khi còn nhỏ, những người thợ làng Giáp Nhất đã được tham gia vào các công đoạn để làm nên một chiếc khăn xếp hoàn chỉnh. Sự lưu truyền giữa các thế hệ như một “sợi dây văn hóa” giúp nối dài tình yêu với khăn xếp của những con người nơi đây. Và làng nghề đang đổi thay để thích ứng với bối cảnh mới.
0:00 / 0:00
0:00
Các sản phẩm của làng Giáp Nhất ngày càng đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng.
Các sản phẩm của làng Giáp Nhất ngày càng đa dạng về mẫu mã, kiểu dáng.

Xếp “hồn dân tộc” qua từng vòng khăn

Thôn Giáp Nhất, thị trấn Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định là làng nghề làm khăn xếp duy nhất của miền bắc. Qua thăng trầm của lịch sử, người dân vẫn miệt mài bên cây kim, thước vải để gìn giữ nghề truyền thống.

Nằm cách thành phố Nam Định khoảng 20km về phía Tây Nam, làng Giáp Nhất đang thay đổi diện mạo từng ngày. Đi sâu vào từng con ngõ nhỏ, thấp thoáng hình ảnh những người thợ đang tỉ mỉ từng đường kim, vòng xếp.

Theo các bậc cao niên thôn Giáp Nhất, khăn xếp có ba loại: khăn dành cho nam, khăn dành cho nữ và loại khăn cả nam và nữ đều đội được. Khăn xếp truyền thống thường được làm bằng vải lụa với ba mầu cơ bản là vàng, đỏ và đen. Số lượng vòng xếp từ 7-9, tùy thuộc vào độ tuổi cũng như giới tính của người sử dụng. Điểm đặc biệt của chiếc khăn xếp truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ là các nếp khăn xếp đan nhau tạo thành hình chữ “nhân” với ý nghĩa tượng trưng cho nhân đức của một con người.

Làm nên một chiếc khăn không hề đơn giản, bao gồm bảy công đoạn chính như cắt xốp, máy vải, quấn xếp, vẽ hoa văn… Mỗi công đoạn đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và tập trung cao của người thợ. Trong đó, khó nhất phải kể đến đó là quấn xếp, từng xếp phải được quấn chắc tay, đều nhau và không bị xô lệch. Ánh mắt tập trung, đôi tay thoăn thoắt với từng vòng quấn, anh Đoàn Văn Thủy, chủ một xưởng làm khăn xếp vừa làm vừa chia sẻ: “Nghề làm khăn xếp nói khó cũng không phải là khó nhưng bảo dễ thì cũng không hề dễ. Để biết làm được một chiếc khăn xếp hoàn chỉnh, người thợ cần phải mất ít nhất là một năm, thậm chí là vài năm để tích lũy kinh nghiệm. Quan trọng nhất là cái tâm với nghề, bởi lẽ công đoạn này đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận cực cao, chỉ cần không tập trung một chút là có thể làm hỏng cả một chiếc khăn”.

Từng vòng khăn giữ nghề làng Giáp Nhất ảnh 1

Nghệ nhân Đoàn Văn Thủy tỉ mỉ với từng vòng quấn.

Nâng tầm khăn xếp

Theo những biến chuyển của nhịp sống đương đại, khăn xếp tại làng Giáp Nhất cũng có nhiều biến đổi về mầu sắc, chất liệu và kiểu dáng. Các nghệ nhân trong làng đã đến nhiều vùng đất để tích lũy thêm kinh nghiệm, học hỏi những cách làm hay, sưu tầm những chất liệu tốt để cải tiến sản phẩm quê nhà. Ông Vũ Đức Trọng, một nghệ nhân có tiếng của làng chia sẻ: “Khăn xếp ở mỗi vùng miền có điểm đặc trưng và mẫu mã khác nhau, để phát triển tốt sản phẩm của mình, tôi đã phải đi học nhiều nơi, rút ra được điểm mạnh, điểm yếu của họ để cải tiến, đầu tư vào khăn xếp của mình. Phải làm chuyên thì mới có công”.

Nếu như trước đây, số vòng xếp chỉ dừng lại ở 7-9 thì một chiếc khăn xếp bây giờ có đến vài chục thậm chí là cả trăm vòng xếp. Với những sản phẩm có độ khó cao như vậy, những người thợ cần phải mất đến cả tháng trời để hoàn thiện chúng. Để phù hợp thị hiếu của khách hàng, mầu sắc cũng như chất liệu vải cũng được cải tiến rất nhiều. Thay vì chỉ làm khăn đen như trước thì hiện tại có đến hàng trăm loại vải với mầu sắc khác nhau. Các loại khăn được thiết kế theo yêu cầu của khách hàng, phù hợp xu hướng và tương đồng với các trang phục đi kèm. “Đối với các sản phẩm cao cấp, vải để làm nên khăn xếp thường được sử dụng là vải cỏ Vân Nam, vải Tô Châu với giá thành rất cao, thậm chí có loại còn được làm bằng da”, ông Trọng cho biết.

Các chủ xưởng tại làng Giáp Nhất cũng đẩy mạnh đầu tư trang thiết bị để quá trình sản xuất được hiệu quả và rút ngắn thời gian hơn. Để chiếc khăn xếp được bền, đẹp và chắc, sau khi cuốn mỗi 10 vòng xếp, người thợ phải đem ra phơi nắng trong 30 phút để lớp keo và vải khô lại, các vòng quấn kết dính vào nhau. Tuy nhiên, thời tiết không phải lúc nào cũng thuận lợi, vì vậy, anh Thủy, ông Trọng cũng như nhiều chủ xưởng khác tại làng Giáp Nhất cũng mạnh dạn đầu tư lò sấy để bảo đảm các sản phẩm được xuất ra với chất lượng tốt nhất.

Bên cạnh đó, các khuôn xếp bằng gỗ cũng đã được thay thế thành khuôn nhôm do nhôm nhẹ hơn, không bị mục hoặc mốc như gỗ, giúp quá trình tạo ra các sản phẩm được nhanh chóng và hiệu quả.

Đầu năm 2022, làng khăn xếp Giáp Nhất đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao cấp tỉnh. Chứng nhận là “cú hích” giúp làng khăn xếp Giáp Nhất tiến tới phát triển theo hướng du lịch trải nghiệm nghề truyền thống, kết hợp làng nghề với các khu du lịch sinh thái, di tích tâm linh trên địa bàn.

Sống cùng khăn xếp

Nhờ có những cải tiến về máy móc và đa dạng các sản phẩm, sản lượng khăn xếp mà làng Giáp Nhất tạo ra tăng lên đáng kể, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại đây. Hiện tại, số xưởng sản xuất khăn xếp tại đây lên tới 5-7 xưởng với số nhân công từ 15-30 người/xưởng, tùy theo quy mô và số lượng đơn hàng. Theo ông Đoàn Thanh Sơn, một trong những người đầu tiên mở xưởng làm khăn xếp tại làng Giáp Nhất: “Các xưởng được chia đều ra bốn tổ dân phố, tạo công ăn việc làm cho 50-60% cho người dân trong làng. Nhân công chủ yếu ở độ tuổi trung niên, người già đã hết khả năng lao động, thương bệnh binh. Nhiều người ban ngày vẫn làm công việc khác, khăn xếp là công việc làm thêm vào buổi tối”.

Lý giải rõ hơn về điều này, ông Sơn chia sẻ thêm, làm khăn xếp có nhiều công đoạn, nếu một người cùng làm tất cả thì sẽ mất rất nhiều thời gian, vì vậy các xưởng thường thuê nhân công theo mô hình khoán sản phẩm, mỗi người sẽ chỉ làm chuyên một công đoạn, thu nhập tùy theo số lượng sản phẩm làm ra. Nhờ đó, nhân công không phải đến trực tiếp xưởng để làm việc mà chỉ cần nhận nguyên liệu mang về làm. Cô Lương Thị Suốt, nhân công tại xưởng của ông Trọng cho biết: “Cái hay của công việc này là không bị gò bó về thời gian, nếu ban ngày bận công việc, tôi có thể tranh thủ làm thêm vào buổi tối. Lương không cao nhưng khá nhẹ nhàng. Thu nhập thì cũng tùy số lượng mình nhận, làm ít thì tháng được 2-3 triệu đồng, người nào làm nhiều thì 8-9 triệu cũng có”.

Nỗi băn khoăn nuôi nghề

Khó khăn và kỳ công là vậy nhưng các sản phẩm khăn xếp của làng Giáp Nhất được xuất ra thị trường với giá không hề cao. Bình quân chỉ khoảng 20 nghìn đồng/chiếc. Đối với những sản phẩm có chất lượng cao hơn hoặc được làm theo yêu cầu của khách hàng thì giá cũng chỉ nhỉnh hơn vài phần. Thu nhập của người dân ở đây chỉ từ 100-150 nghìn đồng/ngày, bằng một nửa, thậm chí là một phần ba so những làng nghề ở khu vực lân cận. Bên cạnh đó, các sản phẩm khăn xếp chỉ bán chạy nhất trong dịp tháng Chạp và ba tháng đầu năm, bởi đây là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ hội nhất. Trong thời gian này, nhân công của các xưởng phải làm thêm giờ, thậm chí là làm cả đêm để kịp giao cho khách hàng. Trong khi đó, để bảo đảm việc làm cho nhân công, ở những tháng khác, số lượng hàng vẫn được sản xuất đều và dự trữ vào kho. Tuy nhiên, cũng giống như quần áo, khăn xếp cũng có sự thay đổi liên tục về mẫu mã, mầu sắc, vì vậy vấn đề tồn đọng hàng thường xuyên xảy ra gây ảnh hưởng lớn đến doanh thu của xưởng.

Đây cũng chính là lý do khiến lớp trẻ của làng không còn quá mặn mà với nghề truyền thống mà ông cha để lại. Dẫu vậy, anh Thủy, vốn sống trong gia đình có truyền thống năm đời làm khăn xếp, là một trong số ít những người trẻ trong làng vẫn quyết tâm sống với nghề. Anh chia sẻ: “Sau khi học xong, nhận thấy làng nghề truyền thống đang dần có nguy cơ mai một, thậm chí là thất truyền, tôi đã cùng cha của mình gây dựng lại, quy tụ những người già, có tay nghề trong làng để mở xưởng, vừa tạo thu nhập cho họ xong cũng vừa giữ được nghề truyền thống cho làng”. Anh Thủy đã vận động các bậc cao niên trong làng thay vì chỉ sử dụng một tấm vải đỏ để trùm đầu trong lễ mừng thọ thì có thể thay thế sang đội khăn xếp, vừa giúp bộ trang phục tôn nghiêm, trang trọng hơn lại vừa giúp quảng bá văn hóa địa phương.

Tuy nhiên chỉ vài người là chưa đủ, để lưu giữ và phát triển được nghề truyền thống phải cần đến sự chung tay của nhiều thế hệ. Đây cũng là điều mà anh Thủy, ông Trọng và nhiều nghệ nhân khác đang trăn trở từng ngày. “Nghề này thu nhập thấp, suốt ngày chỉ quanh quẩn ở nhà, mà lớp trẻ thì lại thích được ra ngoài, được tiếp xúc với những điều mới mẻ trong xã hội vì vậy có muốn cũng chẳng bắt chúng phải nhất quyết giữ lấy nghề được. Cũng chỉ mong rằng, chúng bươn chải, đi muôn nơi lúc trẻ nhưng về già sẽ gây dựng lại cái nghề mà ông cha để lại, để thế hệ sau còn biết đến làng khăn xếp Giáp Nhất”, ông Trọng tâm sự.