Tư duy lại về du lịch

Ngày Du lịch thế giới (27/9) năm 2022 được tổ chức tại Bali, Indonesia, với chủ đề “Tư duy lại về du lịch”, nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng của “ngành công nghiệp không khói”. Tổ chức Du lịch thế giới của LHQ (UNWTO) kêu gọi du khách, người làm du lịch, các chính phủ cùng suy nghĩ lại cách thức để tận dụng hiệu quả mọi tiềm năng của du lịch.
0:00 / 0:00
0:00
Châu Âu đang chứng kiến làn sóng du khách mới sau khi dỡ bỏ nhiều hạn chế. Ảnh: GETTY
Châu Âu đang chứng kiến làn sóng du khách mới sau khi dỡ bỏ nhiều hạn chế. Ảnh: GETTY

Sự phục hồi mạnh mẽ

Theo UNWTO, du lịch là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế toàn thế giới, khi cứ 10 người lao động trên thế giới thì có một người làm việc trong ngành du lịch. Sau đại dịch Covid-19, ngành du lịch quốc tế chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ khi nhiều nước dần dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại và mở cửa biên giới. Theo thống kê của UNWTO, trong năm tháng đầu năm 2022, có gần 250 triệu lượt khách đi du lịch, giúp ngành du lịch phục hồi được gần 46% so năm 2019, thời kỳ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Tại châu Âu, lượng du khách tăng hơn bốn lần, với số lượng du khách quốc tế tăng 350%. Riêng tháng 4, thời điểm diễn ra kỳ nghỉ Lễ Phục sinh, số lượng du khách đến khu vực này tăng tới 458%. Số du khách tại châu Mỹ cũng tăng hơn hai lần (112%). Tuy nhiên, so thời kỳ trước khi bùng phát đại dịch năm 2019, con số này vẫn thấp hơn lần lượt 36% và 40%.

Ngành du lịch các nước khu vực Trung Đông, châu Phi, châu Á và Thái Bình Dương cũng có động lực tăng trưởng với số lượng du khách tăng lần lượt là 157%, 156%, 54% và 50%. Tuy nhiên, tổng số du khách đến khu vực này vẫn thấp hơn 90% so thời kỳ trước khi dịch Covid-19 lây lan, bởi nhiều nước vẫn chưa hoàn toàn dỡ bỏ quy định phong tỏa biên giới.

Mặc dù vậy, sự phục hồi kể trên có thể xem là kết quả khả quan của ngành du lịch sau khi chịu tổn thất nặng nề trong hơn hai năm đại dịch hoành hành, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến ngành du lịch như xung đột tại Ukraine, các biện pháp phòng dịch vẫn được thực hiện tại nhiều nước, tình hình lạm phát, chi phí giá cả tăng cao…

Tổng Thư ký UNWTO Zurab Pololikashvili cho biết, năm 2022, thế giới một lần nữa nhận thấy những cơ hội mà du lịch tiếp tục mang đến cho người dân toàn cầu. Tuy nhiên, ông Pololikashvili khẳng định cũng trong năm nay, thế giới nhận ra rằng không thể trở lại cách làm cũ, mà cần tư duy lại về du lịch sau đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh thế giới đang mở cửa trở lại, những bài học về đại dịch cần phải được rút ra. Với những điểm yếu và bất bình đẳng đã được bộc lộ, cuộc khủng hoảng trong hai năm vừa qua cho thấy thế giới phải phát triển du lịch quốc tế linh hoạt hơn và tạo ra sự công bằng hơn.

Một nghiên cứu của Hội đồng Du lịch và lữ hành thế giới (WTTC) chỉ ra rằng, ngành du lịch và lữ hành có thể đóng góp 8.600 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu trong năm 2022, thấp hơn chỉ 6,4% so trước đại dịch. Do đó, tư duy lại du lịch để tạo ra sự chuyển mình hứa hẹn sẽ giúp ngành du lịch không những nhanh chóng phục hồi mà còn tăng trưởng mạnh mẽ, vững bền trong tương lai.

Tư duy lại về du lịch ảnh 1

Ai Cập kích cầu du lịch sau thời kỳ đại dịch. Ảnh: AP

Tin tưởng vào triển vọng tăng trưởng

ASEAN công bố báo cáo cho thấy, ngành du lịch của khu vực này đang phục hồi với số lượt tìm kiếm khách sạn, tỷ lệ đăng ký lưu trú và niềm tin du lịch đều tăng. Dẫn các số liệu theo dõi phục hồi du lịch của UNWTO, báo cáo của ASEAN chỉ ra số lượt tìm kiếm khách sạn trong khu vực đã tăng 28% kể từ đầu năm 2022 đến nay trong khi tỷ lệ đăng ký lưu trú tại các khách sạn cũng tăng 57%. Niềm tin du lịch nhìn chung trên toàn khu vực tăng khoảng 40% tính từ đầu năm tới nay và dự kiến tiếp tục tăng khi vaccine ngừa Covid-19 được cung cấp rộng rãi trên toàn cầu và các biến thể mới gây bệnh nhẹ hơn. ASEAN cho biết, tình hình cải thiện cho phép nới lỏng các biện pháp hạn chế tại biên giới.

Các nước thành viên ASEAN nhận định, đại dịch Covid-19 đã tạo động lực lẫn cơ hội để lĩnh vực du lịch xây dựng lại tốt hơn, củng cố khả năng chống chọi trước các cuộc khủng hoảng. Tầm nhìn đề ra là thúc đẩy lĩnh vực du lịch ASEAN trở lại bền vững hơn và có sức chịu đựng tốt hơn, trong đó tập trung nhiều hơn vào các biện pháp bảo vệ môi trường và các chính sách thân thiện với môi trường.

Trong khi đó, Ai Cập mở cửa miễn phí tất cả các địa điểm khảo cổ học vào ngày 27/9 để tôn vinh Ngày Du lịch thế giới và kỷ niệm 200 năm Ai Cập học trở thành một ngành khoa học. Cùng với chương trình miễn phí vé tham quan các địa điểm khảo cổ học, Ai Cập phát động một số chiến dịch quảng cáo mới nhằm kích cầu du lịch ở nước này. Nổi bật trong số đó có chiến dịch “Ngôn ngữ Ai Cập cổ đại”, nhằm đơn giản hóa thông tin về chữ tượng hình Ai Cập. Du lịch đóng góp hơn 10% GDP của Ai Cập và tạo việc làm cho khoảng hai triệu lao động trong tổng dân số 103 triệu người của quốc gia này. Trong nhiều năm qua, Ai Cập đã nỗ lực nhằm phục hồi “ngành công nghiệp không khói” trước ảnh hưởng liên tục của giai đoạn bất ổn chính trị từ năm 2011 và tiếp đó là đại dịch Covid-19.

Ngành du lịch của New Zealand đang phục hồi ấn tượng khi ghi nhận số du khách quốc tế trong vòng một tháng cao nhất kể từ khi đóng cửa biên giới hồi tháng 3/2020. Trong thông báo ngày 27/9, Bộ trưởng Du lịch Stuart Nash cho biết, lần đầu kể từ tháng 3/2020, số du khách nước ngoài đến New Zealand trong tháng 7 vừa qua là 134.200 lượt, cao gấp đôi so mức của tháng liền kề trước đó. Đây là dấu hiệu cho thấy lĩnh vực du lịch đang phục hồi. Tăng trưởng tổng công suất hàng không vào cuối năm 2022 ước tính đạt khoảng 75% mức của năm 2019.

Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa cho biết, nước này có kế hoạch xây dựng một sân bay mới tại Thủ đô Lisbon trong bối cảnh ngành du lịch đang dần phục hồi. Phát biểu ý kiến tại Hội nghị Du lịch Bồ Đào Nha lần thứ sáu nhằm hưởng ứng Ngày Du lịch thế giới (27/9), Thủ tướng Costa nêu rõ, chính phủ sẽ sớm công bố chính thức dự án sân bay mới tại Lisbon. Theo ông, đây là chủ trương mang lại lợi ích cho toàn Bồ Đào Nha, cho thấy cơ hội “duy nhất và không thể đảo ngược”.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn du lịch Bồ Đào Nha Francisco Calheiros đánh giá dự án sân bay mới tại Lisbon là vấn đề cấp bách và việc trì hoãn triển khai kế hoạch này gây thiệt hại cho nước này ít nhất bảy tỷ euro. Nhấn mạnh tầm quan trọng của du lịch đối với nền kinh tế Bồ Đào Nha, ông Calheiros cho rằng, chính phủ cần có chính sách ưu đãi như tăng cường hỗ trợ về thuế và kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng ngành này.

Lạc quan thận trọng về đà phục hồi du lịch quốc tế trong những tháng còn lại của năm nay, song UNWTO nhận định môi trường kinh tế bất ổn có thể làm đảo ngược triển vọng “ngành công nghiệp không khói” tăng trở lại các mức trước đại dịch trong ngắn hạn. Điều này chủ yếu là do lạm phát và giá dầu mỏ tăng cao, vốn là yếu tố đẩy chi phí vận tải và lưu trú tăng, đồng thời gây áp lực đối với sức mua và tiết kiệm chi tiêu của người tiêu dùng.