Trong vòng xoáy khủng hoảng

“Khủng hoảng” là từ khóa nóng nhất trong năm 2022, trên truyền thông và tại các hội nghị, những cuộc đối thoại, gặp gỡ của giới lãnh đạo, nhà khoa học và cả người dân trên khắp thế giới. Thách thức đa chiều, đan xen đã làm nổi bật yêu cầu thay đổi trong phát triển kinh tế, hành động khí hậu và hợp tác toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MATÍAS TEJEDA
Biếm họa: MATÍAS TEJEDA

Tâm chấn xung đột

Trong khi nhiều điểm nóng cũ chưa hạ nhiệt, xung đột nổ ra tại Ukraine đã phủ bóng lên phần lớn bức tranh toàn cảnh thế giới năm 2022. “Chiến dịch quân sự đặc biệt” do Nga phát động hồi tháng 2 tại Ukraine với lý do ngăn chặn mối đe dọa an ninh nghiêm trọng từ Kiev và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhanh chóng trở thành tâm điểm chú ý của dư luận thế giới, đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ quốc tế. Xung đột tại Ukraine tác động sâu sắc tới cục diện an ninh châu Âu, đẩy quan hệ Nga - phương Tây xuống mức tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh.

Vùng trũng chịu tác động chính là Liên minh châu Âu (EU). Chỉ trong thời gian ngắn sau khi xung đột bùng lên, trật tự địa - chính trị châu Âu lung lay, mối quan hệ giữa các quốc gia thay đổi, nhiều nước điều chỉnh chính sách an ninh và đối ngoại. Ukraine, Gruzia và Moldova đồng loạt gửi đơn xin gia nhập EU, trong khi Phần Lan và Thụy Điển thay đổi vị thế trung lập, không liên kết quân sự để khởi động gia nhập NATO. EU bị phân cực rõ rệt hơn và rơi vào bế tắc khi không thể giải quyết các vấn đề nội bộ do quan điểm trái chiều về quan hệ với Nga.

Không chỉ có nguy cơ tạo ra “vùng chiến sự nguy hiểm” ngay trong lòng “lục địa già”, xung đột tại Ukraine còn đẩy EU vào vòng xoáy khủng hoảng, từ chính trị, an ninh tới kinh tế, năng lượng. Sóng gió tràn qua chính trường nhiều nước và hậu quả là các chính phủ ở Anh, Italy, Bulgaria... sụp đổ, nhiều nền kinh tế rơi vào suy thoái trong khi lạm phát lập kỷ lục trong hàng chục năm, giá sinh hoạt tăng cao chót vót khiến đời sống người dân khắp EU lao đao.

Nguồn cung năng lượng bị cắt giảm đẩy giá khí đốt tại châu Âu tăng hơn 170%, giá dầu tăng gần 30%, giá điện tại một số thị trường thậm chí tăng cả chục lần. Nhiều nhà lãnh đạo EU cho rằng, xung đột tại Ukraine là cơ hội để EU tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc năng lượng của Nga. Tin tốt nhất với EU là các cơ sở dự trữ khí đốt đã được lấp đầy trước mùa đông, song cái giá EU phải trả không hề rẻ. Là nguồn thay thế nhiên liệu từ Nga, khí đốt hóa lỏng (LNG) được nhập khẩu với giá đắt, khiến hoạt động sản xuất điện tốn kém hơn, sản phẩm ít cạnh tranh hơn.

Cùng tốc độ tăng “phi mã” của giá năng lượng, lạm phát tại châu Âu cũng liên tiếp “lập kỷ lục”. Là hệ quả trực tiếp của khủng hoảng năng lượng và lạm phát, giá tiêu dùng tại châu Âu tăng mạnh. Có tới 11 trong 19 nền kinh tế thành viên Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) ghi nhận lạm phát ở mức hai con số. Khoảng 9,5 triệu người lao động ở châu Âu gặp khó khăn trong việc thanh toán hóa đơn năng lượng...

Khủng hoảng đan xen

Không chỉ “vùng tâm chấn” là châu Âu chịu tác động mạnh, thế giới cũng lao đao vì ảnh hưởng từ các màn trừng phạt kinh tế nghiêm trọng liên quan xung đột tại Ukraine. Nguồn cung từ những “vựa ngũ cốc” là Nga và Ukraine bị thu hẹp và các chuỗi cung ứng vốn chưa hồi phục sau đại dịch lại tiếp tục gián đoạn, đẩy giá lương thực lên cao, nhiều nước rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực. Liên hợp quốc chỉ rõ, với hơn 800 triệu người thiếu ăn, thế giới đang mấp mé thảm họa đói.

Tương tự, kinh tế toàn cầu còn đang phục hồi khó khăn lại gặp “cú sốc” mới từ lạm phát kỷ lục. Làn sóng tăng lãi suất lan rộng trên thế giới, khởi nguồn từ động thái của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), được kỳ vọng giúp hạ nhiệt tình trạng lạm phát tăng cao và giúp ổn định tài chính, song lại đe dọa đẩy nền kinh tế toàn cầu vào suy thoái.

Một yếu tố góp phần tạo ra khủng hoảng lương thực còn là “cú sốc khí hậu”, với hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra khắp nơi mà nguyên nhân chính là biến đổi khí hậu. Hết nắng nóng bất thường ở châu Âu, hạn hán nghiêm trọng ở châu Phi, đến lũ lụt lịch sử ở Pakistan, siêu bão hoành hành ở các nước Tây bán cầu... Tổng Thư ký Liên hợp quốc nhiều lần cảnh báo, thế giới đang đến rất gần điểm giới hạn không thể đảo ngược về tình trạng hỗn loạn khí hậu.

Trong khi đó, thế giới vẫn thiếu cả cam kết lẫn hành động ngăn chặn khủng hoảng khí hậu. Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) không có thêm những cam kết mạnh mẽ hơn về cắt giảm khí thải, trong khi các nước giàu không hoàn tất mục tiêu tài trợ các nước đang phát triển ứng phó biến đổi khí hậu. Thành tựu duy nhất là việc lập “quỹ tổn thất và thiệt hại”, theo đó các quốc gia phát thải nhiều trong quá khứ đền bù tổn thất cho các nước đang phát triển chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, nghiêm trọng nhất là khủng hoảng niềm tin, bộc lộ rõ nét qua tình trạng lòng tin suy giảm, chia rẽ gia tăng giữa các nước, trong khi cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt. Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc chẳng những không hạ nhiệt mà còn mở rộng hơn. Từ các vấn đề chính trị, kinh tế, cạnh tranh giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới đã lan sang các lĩnh vực công nghệ, chất bán dẫn. Do xung đột tại Ukraine, quan hệ Nga-Mỹ xấu đi nhanh chóng và chạm đáy mới. Trong khi đó, các điểm nóng khủng hoảng ở Trung Đông, hay các vấn đề hạt nhân Iran, Triều Tiên... tiếp tục bế tắc.

Năm 2022, thế giới đón công dân thứ 8 tỷ, một dấu mốc khẳng định tiến bộ của nhân loại về cải thiện sức khỏe cộng đồng và giảm đói nghèo, tạo động lực cho phát triển, song cũng đặt ra những thách thức về môi trường, an ninh lương thực, cũng như tiến trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Khẳng định nhiệm vụ cấp bách là đoàn kết toàn cầu, Tổng Thư ký Liên hợp quốc không ít lần nhắc nhở rằng, chỉ có cách là các quốc gia vượt qua bất đồng, cùng hành động có trách nhiệm vì tương lai bền vững.