Trồng nho Hạ Đen ở vùng chiêm trũng

Nho Hạ Đen là giống cây trồng khó và chưa từng được trồng ở các vùng chiêm trũng, tuy nhiên chàng trai Hoàng Văn Cương ở xã Hồng Thái (huyện Phú Xuyên, TP Hà Nội) đã khởi nghiệp thành công với giống nho này trên quê hương.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Cương chăm sóc ruộng nho Hạ Đen.
Anh Cương chăm sóc ruộng nho Hạ Đen.

Bỏ phố về làm nông dân

Về thăm vườn nho Hạ Đen của Cương ở thôn Duyên Trang (xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên) dịp này cũng là lúc vườn đang cho những chùm quả rất đẹp và thu hút không ít khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh.

Để có được thành quả như hôm nay Cương đã trải qua không ít lần thất bại. Yêu thích nông nghiệp nên khi học xong phổ thông Cương đã theo học ngành Khoa học cây trồng tại Trường đại học Nông Lâm Bắc Giang. Khi đang học năm thứ 2, Cương được tham gia chương trình hợp tác giữa nhà trường với Đại học Nam Ninh (Trung Quốc) về chuyển giao giống cây trồng, trong đó có nho Hạ Đen, một loại nho có xuất xứ từ Nhật Bản. “Đây là loại cây sinh trưởng khỏe, quả thơm ngọt, không có hạt nhưng khi tôi mua để ăn thử trên thị trường thì thấy quả chua, vỏ dày, mầu không đẹp và ăn xong còn hơi ngứa cổ. Lúc đó tôi nghĩ có lẽ do cách chăm sóc”, Cương nói.

Sau khi tốt nghiệp đại học, tìm được công việc đúng chuyên ngành học, tuy nhiên trong anh luôn khao khát khởi nghiệp. Hằng ngày, Cương làm công việc văn phòng ở Bắc Giang, cuối tuần lại lên Lạng Sơn chăm sóc vườn nho trên mảnh đất của bố vợ với 140 cây giống đầu tiên để tích lũy kinh nghiệm. Đến năm 2019, Cương bỏ hẳn việc về quê lập nghiệp với một chút vốn ít ỏi. “Mẹ tôi trách bảo rằng, tìm được công việc nhàn hạ thì không thích lại thích nai lưng ngoài đồng ruộng, rồi lại trồng thứ quả mà vùng chiêm trũng này chưa ai trồng bao giờ, liệu có thành công không?”, Cương tâm sự.

Đầu năm 2021, Cương quyết định thuê đất ở xã Hồng Thái nhưng chỉ dám dùng một phần ba diện tích để trồng nho Hạ Đen, còn lại trồng dưa lê Hàn Quốc và các loại rau củ ngắn ngày để lấy ngắn nuôi dài. Hai vợ chồng Cương làm việc quần quật ngoài cánh đồng cả ngày đến tối muộn mới về nhà, không những vậy họ còn mang nỗi lo canh cánh trong lòng, liệu có thành công hay không?

Nâng cao giá trị nho Hạ Đen

Sau một vài vụ nếm trải thất bại như nho bị ngập úng nước hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chưa đúng cách, Cương đã rút được ra kinh nghiệm. “Năm đầu tiên trồng tôi dùng thuốc hóa học, diệt cỏ, rồi nho gặp mưa nhiều nên bị chết. Đến năm 2022, do khí hậu bất thường, nho không chịu được độ ẩm không khí quá cao nên năng suất bị ảnh hưởng. Lúc đó tôi rất nản, chút nữa đã nghĩ đến chuyện bỏ cuộc”, anh nhớ lại.

Sau đó, Cương đã đầu tư hệ thống giàn có mái che, hệ thống bón phân tự động, tưới nước nhỏ giọt, trồng nho theo quy trình VietGap. Trồng nho Hạ Đen ở vùng đất chiêm trũng trước kia chủ yếu chỉ trồng lúa như Phú Xuyên, Cương đã phải tìm cách áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt và cân bằng hệ vi sinh trong đất. Sau bao cố gắng những chùm nho chất lượng dần dần đơm hoa kết trái. Nho Hạ Đen do Cương trồng có vỏ mỏng, thơm ngọt, mầu cũng đẹp và được thị trường đánh giá cao.

Đến nay sau 5 năm khởi nghiệp, vườn nho của Cương đã có diện tích lên đến gần 6.000 m2 cho thu hoạch 2 vụ mỗi năm, tổng sản lượng hơn 10 tấn/năm và lợi nhuận lên đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. “Mẹ tôi giờ không còn giận tôi vì bỏ phố về làm ruộng nữa và những người dân quê tôi cũng đang dần có kiến thức, kinh nghiệm trồng nho Hạ Đen. Tôi tin trong tương lai khi nhìn thấy giá trị của nho trên vùng đất trũng, họ cũng sẽ trồng để thay thế những cây trồng truyền thống khác”, Cương cho biết.

Hiện tại, nho Hạ Đen của Cương đã cung cấp cho hệ thống các siêu thị, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch ở Hà Nội và Hải Phòng. Trong thời gian tới, Cương cho biết, sẽ nỗ lực mở rộng diện tích trồng, nghiên cứu trồng thêm nho sữa Nhật Bản, đa dạng kênh bán hàng và xây dựng thương hiệu, mẫu mã riêng cho sản phẩm để có chỗ đứng vững chắc trên thị trường hoa quả nội địa.