Ngược thượng nguồn

Trốn tìm với dòng sông

Sông Trà Lĩnh (Cao Bằng) không chảy một mạch, mà có khúc chảy ngầm trong lòng núi, tạo ra “tuyệt tình cốc” trên non như hồ Thang Hen. Giữa trùng điệp núi dựng, sương bay, âm thanh dòng chảy nghe như tiếng... hò dô dội vào vách núi.
0:00 / 0:00
0:00
Một khúc sông Trà Lĩnh.
Một khúc sông Trà Lĩnh.

Trên dòng mới biết nông sâu khó lường

Tiết thu, miền núi đông bắc đã se lạnh, nhưng Trương Chu Gia Bảo (Hà Nội) vẫn quyết định chuyến du lịch đến Thang Hen (Trà Lĩnh, Cao Bằng), bằng cung đường bộ, rồi đi một đoạn đường sông. Có người gàn, đi luôn đường bộ một lèo chả thuận tiện hơn sao, làm gì có tuyến du lịch bằng thuyền.

Quả thật, sông Trà Lĩnh không chảy thẳng đến hồ mà chỉ chảy đến xóm Bản Phát, xã Cao Chương, rồi “lặn mất tăm” vào lòng hang núi. Trái núi mầu chàm sẫm y hệt miếng giấy thấm khổng lồ, hút sạch nước, chỉ để trên bãi cạn những sỏi đá nhấp nhô, xen lẫn cỏ xanh, cây bụi. Nhưng Gia Bảo đã không hối hận về quyết định của mình.

Xuống thuyền từ bến Thông Lý, Gia Bảo được xếp chỗ ngồi phía mui thuyền để tiện chụp ảnh, quay clip. Ông Hoàng Văn Binh, người chở thuyền trên sông Trà Lĩnh đã gần tuổi lục thập hoa giáp (60 tuổi) nhưng còn rất khang kiện, da mầu đồng hun, bắp tay cuộn như dây chão, cùng mấy bạn thuyền xếp gọn những kiện hàng thổ sản vào khoang xong rồi từ từ nhổ neo.

Nhẹ nhịp mái chèo, ông Binh kể chuyện, từ xa xưa, sông Trà Lĩnh đã nổi tiếng hung dữ rồi. Mưa lũ tràn về lâu ngày, khúc chảy trong hang bị cây cối chèn lấp hết, gây úng lụt, nạn đói ở cả ba xã Cao Chương, Hùng Quốc, Quang Hán. Thấy vậy, bà con dân làng Đoỏng Có, xã Cao Chương - Nông Thị Vưu (là em cô của hai chàng Nông Thống Lang, Nông Thống Lệnh, đã có công giúp nghĩa quân đi quyên góp lương thực để nuôi nghĩa quân, đánh thắng quân xâm lược, đem lại sự bình yên cho cả vùng Trà Lĩnh), bèn về xuôi thuê 12 thợ lặn lành nghề lên khai thông Rù Gẳp, Rù Tểnh để thoát lũ. Họ dùng các sải vải dệt khổ hẹp nối lại làm dây tụt xuống hang vớt rều rác. Công việc sắp xong thì nước lũ tràn về cuốn theo 12 người thợ lặn mất tích. Bà Vưu đã chăm sóc và chu cấp tiền bạc cho các gia đình có con, cháu bị thiệt mạng ở đây. Có công trị thủy, nên khi mất bà được nhân dân lập miếu tôn thờ là Thần nông…

Xuôi chèo mát mái chưa được bao lâu, Gia Bảo cảm giác thuyền dừng lại. Ông Binh bỗng ngưng ngang câu chuyện, đột ngột nâng cây sào tre, cắm phập vào nước, rồi quăng mình xuống sông. Thuyền lại từ từ nhích đi. Thì ra đang qua bãi cạn, ông Binh cùng mấy bạn xuống hò dô đẩy thuyền. Leo lên thuyền cùng tiếng thở, ông bảo: “Mấy chục năm trước thuyền vẫn qua đây bình thường, nhưng bây giờ đang mùa nước cạn và sông cũng nhường bớt nước cho thủy điện Suối Củn, nên phải giúp thuyền nó bơi tiếp lớ”.

Càng tiến về phía Bản Phát, sông càng hẹp lại. Dưới lòng sông, những mỏm đá ngầm đen trũi như những con gấu lớn muốn ngăn trở thuyền bè. Bên bờ sông, vách núi đá xám sẫm ngàn năm đứng im lìm ngẫm nghĩ. Ông Binh cẩn trọng giữ vững tay chèo, lái thuyền chầm chậm men theo vách núi.

Gia Bảo hướng ống kính máy ảnh lên, chụp góc mái đá tai mèo vươn ra, bên trên có con đường ngoằn ngoèo, mong manh như sợi dây rừng đung đưa ngang lưng chừng trời. Phía cuối con đường lô nhô những nấm đất như những chiếc bát úp phủ cỏ, chỗ lác đác, chỗ xếp đều đặn như tổ ong mầu xanh. Bất giác anh toát mồ hôi hột, nghĩ nếu phải đi trên con đường đó, qua khu mộ giữa hoang vu kia, thì có dám đi không hay chỉ đứng yên nhìn xuống dòng sông cuộn sóng.

Gia Bảo hỏi: “Ông ơi, trên kia là mộ cổ hay sao mà thấy hoang vắng, lạnh lẽo quá ạ?”. Ông Binh cười: “Sợ rồi hả chàng trai? Nếu cháu đi qua núi quặng Kép Ky (xã Tri Phương), còn thấy sợ bằng nào. Nơi đó có ngôi mộ tập thể hoang lạnh của hơn 500 người dân đi đào quặng, từ năm 1992. Mưa dầm lâu, làm bở chân núi, khi tất cả họ đang say ngủ, núi Kép Ky bất ngờ lở trong đêm, ụp xuống tất cả lán trại. Họ không sinh cùng giờ nhưng phải chết cùng giờ. Khổ lắm vớ! Họ đều là dân tứ xứ về đào quặng mangan, rồi tính gồng gánh, xe thồ sang Trung Quốc bán. Chưa biết mặt đồng tiền tròn méo ra sao thì đã bị vùi thây vĩnh viễn trong lòng núi mất rồi”.

Mặc cho cuộc sống diễn biến ra sao, chứng kiến cả niềm vui, hạnh phúc lẫn thương đau của sơn dân đôi bờ, thì sông Trà Lĩnh ngày đêm vẫn chảy. Năm này qua năm khác, mùa này qua mùa khác, xoay vần xuân hạ thu đông. Mùa lũ thì hung hãn đục ngầu, mùa cạn quanh co chảy trong veo. Hết chảy lộ thiên, thì chảy ngầm vào hang núi rồi mới đổ vào hồ trên núi Thang Hen.

Trốn tìm với dòng sông ảnh 1

Núi mắt thần.

Âm vực dòng chảy đồng thanh như tiếng người

Bồng bềnh trên con thuyền du lịch lướt mặt hồ Thang Hen nước xanh ngọc bích, Gia Bảo ngầm so sánh với khúc sông vừa đi qua, thấy lòng bình an lạ. Kỳ diệu chưa, tuy nước đã ngưng đọng thành hồ mà vẫn giữ nguyên nhịp sống của sông mẹ, mỗi ngày đều có hai đợt thủy triều lên xuống.

Giữa núi dựng, lảng bảng sương bay, tiếng thuyết minh của cô hướng dẫn viên du lịch vang lên trong trẻo: “Thang Hen tiếng Tày là “đuôi ong”, là hồ nước ngọt rộng nhất trong số 36 hồ. Từ đỉnh núi nhìn xuống, du khách có thể thấy những đám mây hệt như những dải lụa trắng bay lượn trên mặt nước. Phía đông bắc, hang Thang Hen nhô ra mặt nước như đầu rồng mê ngủ đã ngàn năm, với những hình khối lạ mắt, nhũ đá hình thù kỳ lạ lấp lánh sắc mầu.

Mùa lũ, các hồ khác cùng khu vực đều đỏ ngầu bùn đất, nhưng hồ Thang Hen vẫn luôn trong xanh mầu ngọc bích. Đặc biệt, mùa mưa, nước hồ ầm ầm dữ dội đổ vào lòng hang, va vào các nhũ đá như một dàn nhạc với trống, chiêng, thanh la, não bạt. Theo dân gian, đó là lúc thần sông mở hội…”.

Đi thuyền hết vòng đuôi con ong xanh, Gia Bảo đi bộ đến núi “Mắt thần” trong thung lũng Bản Danh, xã Quốc Toản. Chụp ảnh, quay clip chán chê, anh rẽ sang con đường nhỏ ven bìa phải hồ Nặm Trá, đến thác Nặm Trá. Kiêu hùng và cuồng nhiệt, thác Nặm Trá trắng xóa tung bay, giữa những ghềnh đá nhấp nhô cạnh vách núi dựng đứng, ngoạn mục như bồng lai tiên cảnh.

Gia Bảo vui thầm và tự nhủ, muốn tận hưởng cảm giác riêng thì chỉ nên đi một mình. Đi với người khác, có khi họ phá hỏng kế hoạch và cảm xúc bất chợt của mình lúc nào không biết. Mình tính đi bộ thì họ muốn đi xe, mình muốn đi thuyền thì họ đòi đi đường bộ, mình muốn ở lại thì họ giục về. Cứ lang thang một mình một kiểu là nhất. Hướng ống kính sang bờ tây của hồ Thang Hen, anh bắt kịp khoảnh khắc nhịp mái chèo đuổi cá của dân chài như múa dưới ánh hoàng hôn tím đỏ. Hướng sang bờ đông, anh chớp được khuôn hình rừng đá tai mèo chìm nổi trên lăn tăn sóng nước lấp lánh ánh bạc.

Tạm biệt tiên cảnh Thang Hen, Gia Bảo đi đến nơi dòng sông xuất hiện trở lại ở Bản Gủn. Tuy về bằng đường bộ, nhưng Gia Bảo vẫn đi cùng sông, bởi dòng chảy cứ song song với quốc lộ 3, cùng nhau về tới thành phố. Dưới sông, những con thuyền chở đầy quýt chín đỏ ối - đặc sản của Trà Lĩnh, xuôi dòng nước xanh về hạ du.

Qua thủy điện Suối Củn, thuyền gặp bãi cạn. Gia Bảo lại hướng ống kính xuống phía các bạn thuyền đang cắm sào xuống nước rồi cùng nhau đẩy thuyền. Dưới sông, tiếng hò dô âm vang dội vào vách núi.

Khu du lịch sinh thái hồ Thang Hen là quần thể gồm 36 hồ nước ngọt tự nhiên. Các hồ chung quanh Thang Hen là Thang Vạt, Nà Ma, Thang Loỏng, Thang Hoi…, đều có bờ ngăn riêng, thông nhau bởi các hang động ngầm dưới lòng đất. Hồ Thang Hen được công nhận là Danh thắng quốc gia năm 2001.