Trở lại làng nổi Trí Nguyên

“Cơn bão 12 là tanh bành hết, không còn tài sản nào. Phải 80% là mất hết” - đó là cách người dân Trí Nguyên (phường Vĩnh Nguyên, thành phố Nha Trang, Khánh Hòa) mô tả Damrey - cơn bão mạnh nhất từng đổ bộ vào Khánh Hòa trong vòng hơn 20 năm qua. Vào thời điểm năm 2017 đó, đảo Trí Nguyên, một trong bốn khu vực nuôi trồng thủy sản, lồng bè của thành phố Nha Trang, bị thiệt hại nặng nề. Tài sản của người dân dồn cả vào hàng trăm chiếc lồng bè - bị bão đánh vỡ nát. Sau bão, nhân dân, chính quyền cùng chung tay vực dậy nghề nghiệp, sinh kế và ổn định lại cuộc sống. Nhịp sống bình yên đã trở lại Trí Nguyên dù hiện tại vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn.
0:00 / 0:00
0:00
Đảo Trí Nguyên nhìn từ trên cao.
Đảo Trí Nguyên nhìn từ trên cao.

Cơn bão ám ảnh

Cách đất liền chỉ chừng một cây số, Trí Nguyên là đảo gần bờ nhất ở Vịnh Nha Trang. Người ở đảo đông đúc. Thế nên ra đảo cũng dễ dàng. Ra bến Cầu Đá, chờ khoảng 10, 15 phút là đã có một chuyến tàu, đi cũng chỉ mất khoảng từng ấy thời gian là đến đảo.

Ông Hồ Văn Trung, người dân đảo, vừa dẫn chúng tôi ra thăm lồng cá gia đình, vừa nhắc lại cơn bão Damrey: “Năm 2017 có trận bão quét sạch lồng bè, may có nghề đánh bắt mà trụ lại được. Nhiều nhà quay lại nghề đánh bắt xa bờ, thu nhập thấp hơn nhưng kiếm được. Nhà tôi còn một ghe đi đánh bắt xa bờ, con trai với con rể đi. Vợ chồng tôi ở nhà gây dựng lại lồng bè”.

Ở độ tuổi ngoài 60, ông Trung cũng không còn nhiều sức khỏe đi biển nữa. Ông nghỉ ngơi, với dân biển, nghỉ ngơi tức là ở lại bờ, chứ vẫn ngày ngày gắn bó với biển. Cuộc đời ông gắn liền với biển, với hòn đảo này từ khi còn thưa vắng, nghề nghiệp còn thô sơ. Từ những năm 60-70 gia đình ông Trung đã định cư trên đảo. Từ câu lưới, ông chuyển qua nuôi trồng thủy hải sản. Đầu những năm 90, cả Trí Nguyên chỉ dăm bảy lồng bè, trong đó có nhà ông Trung. Tới tầm 2004-2005 thì đảo cũng mới có 15-20 lồng nổi. Làm lồng nổi nhàn, dễ quản lý. Dần dần, người ta thấy làm lồng bè tốt, bà con mới rủ nhau đầu tư vốn, thả tôm cá. Bây giờ Trí Nguyên đã thành làng nuôi trồng hải sản nổi tiếng ở Khánh Hòa, không chỉ là hải sản ra thị trường, mà còn là điểm tham quan cho nhiều tour du lịch tới đất biển Nha Trang.

Khu nuôi trồng hải sản, lồng bè ở Trí Nguyên bây giờ chẳng khác gì một làng nổi. Nhà cạnh nhà, bè cạnh bè. Nói như ông Trung, thì cái nghề nuôi lồng bè này nhanh giàu, cũng nhanh lỗ do phụ thuộc vào thời tiết, cũng bấp bênh như những chiếc bè nổi trên mặt nước này. “Làm nghề này nhanh kiếm lãi, nhưng thua lỗ cũng nhanh. Có điều nó nuôi sống dân ở đây”, ông Trung tâm sự vậy.

Nỗi ám ảnh của người Trí Nguyên là bão. Vịnh biển này vốn hiền hòa, quanh năm sóng êm bể lặng, chẳng ai Đảo Trí Nguyên nhìn từ trên cao. nghĩ có ngày bão lại ập tới mạnh thế. Cho tới 2017, siêu bão Damrey quét qua, cuộc sống vốn dĩ bình yên đã thay đổi. “Bão bể hết không còn gì hết. Bè nào cũng nát hết luôn. Cũng được báo tin bão nhưng ai mà ngờ nó to vậy đâu. Sợ!”, bà Bùi Thị Chai, vợ ông Trung, tay vẫn thoăn thoắt cắt cá, tả lại. Năm đó, nhà ông Trung cũng gần như trắng tay. Mà người Trí Nguyên lúc đó ai cũng vậy.

Anh Trần Văn Thông, một chủ bè, cũng kể lúc bão về người ta chạy dồn lên trên cao, bỏ lại lồng bè tan tác: “Đồ chìm hết dưới biển, nhìn chẳng còn gì”. Bão vừa tan, bà con hò nhau ra vớt vát lại chút tài sản. Cá tôm đã trôi sạch ra biển. Người ta lặn xuống nước, kéo từng cái lưới, cái cây lên. Lúc đó điện vẫn chưa có lại, cả đảo rủ nhau mang ghe ra khu vực lồng bè, hỗ trợ nổ máy để cắm đầu hơi cho thợ lặn xuống vớt tài sản. Nhặt nhạnh từng chút, rồi Nhà nước hỗ trợ thêm vốn, bà con Trí Nguyên lần hồi dựng lại làng nổi.

Năm 2019, Trí Nguyên bắt đầu trở lại nhịp sống cũ, hải sản phong phú trở lại. Chưa kịp mừng vì tôm đạt thì dịch Covid-19 ập tới, các mối hàng ngưng hết, tôm không bán được. Năm 2020, cả Trí Nguyên ế tôm. “Tháng 4 bùng dịch thì tháng 7 tôm ế. Năm đó tụi tui phải ra Hà Nội năn nỉ người ta ăn giùm, bán rẻ”, ông Trung nhớ lại. Xong chiến dịch giải cứu tôm hùm, bà con vừa gây dựng lại tôm, nhưng chưa bao lớn thì lại tiếp đợt dịch lần 2, lần này mức độ khốc liệt hơn đợt trước. “Tụi tui bán tháo bán chạy, bình thường tôm 800-850 ngàn đồng/ký mới có lãi, mà lúc đó tụi tui bán 500 ngàn đồng/ký. Năm đó nhà nào may thì lãi ít, chứ đều lỗ cả”, ông Trung bùi ngùi.

Qua mấy đận, người ta nuôi hải sản cũng với tâm thế dè chừng. “Một lần là quá sợ rồi”, anh Thông bảo. Tới 2021, 2022, người dân cũng xoay xở để tìm kiếm cách ổn định. Nuôi tôm có lời thì sợ bão, nuôi cá lại ít lãi. “Mỗi năm phải đầu tư vào 3-4 tỷ đồng, nên nếu không lời được 400-500 triệu đồng/năm là coi như không có lời”, ông Trung nói về con số khổng lồ bỏ vào lồng bè. Nhà ông Trung đang có 75 ô lồng, trong đó 30 - 40 ô tôm, còn lại là cá các loại, chủ yếu là cá bớp. Đến thời điểm này, vợ chồng ông Trung mới chỉ dám nuôi nửa tôm, nửa cá để giữ vốn và đỡ thua lỗ. Chỉ tính riêng tiền mồi nuôi cá, gia đình ông Trung tốn gần 200 triệu đồng một tháng. Còn chưa tính chi phí đầu tư ban đầu cho lồng bè, ngư lưới cụ và con giống.

Nỗi lo bão, dịch bệnh, rồi cả thời tiết thất thường, nỗi ám ảnh trắng tay theo bão vẫn còn đeo đẳng người Trí Nguyên.

Trở lại làng nổi Trí Nguyên ảnh 1

Bà Bùi Thị Chai với công việc cắt cá mồi mỗi sáng.

Ngày mới ở Trí Nguyên

Mỗi ngày của bà Bùi Thị Chai đều bắt đầu với 4 tạ cá mồi từ 7 giờ sáng, cắt nhỏ rồi đem nuôi cá dưới lồng: “Việc này làm quanh năm, đứa nào trẻ trẻ nó đi làm nhà hàng đồ, chứ ở đây có hai vợ chồng già”. Ông Trung chồng bà cũng nói nghề này nhàn, nhàn so với đánh bắt khơi xa sóng gió. Nhưng ngày nào cũng thế: “Một ngày diễn ra như thế này: mua mồi, xắt mồi, cho ăn, lặn xuống vệ sinh lồng, kiểm tra lưới, chiều lại thì cho ăn tiếp… Nghề nào cũng có sướng có khổ, nhàn thì nhàn mà ra cũng giang nắng, vệ sinh lồng bè, nhàn là vì của mình, nay không làm thì mai làm…, chứ cũng khổ chứ”, ông cười lớn.

Cuộc sống Trí Nguyên, dù vẫn còn âu lo, cũng đã trở lại như cũ. Lòng biển vẫn nuôi sống cuộc sống người dân nơi đây trong lúc khó khăn, còn người làng biển vẫn sảng khoái với cuộc sống hiện tại. Năm 2022, tôm ở Trí Nguyên còn không đủ hàng để bán. Nhà anh Trần Văn Thông có 120 lồng, 2 bè. Anh nói tôm nuôi ổn định, anh đang kỳ vọng năm nay sẽ nhiều, bán lãi cao.

Trí Nguyên hiện có gần một nghìn hộ dân với hơn 3.500 nhân khẩu. Dù ở đảo, núi, không có sông suối, nước dưới đất nghèo nàn, không có động thực vật trên cạn, nhưng bù lại thì đảo có hệ sinh thái ven bờ lại phong phú. Cuộc sống nhờ vào biển vì thế cũng ổn định, ai nấy cũng có nhà cửa khang trang. Đến Trí Nguyên, muốn tới đâu thì chỉ cần gọi xe ôm. Chỉ 10 nghìn đồng một người một lượt, là có thể đến bất cứ đâu trên đảo.

Qua khó khăn, thử thách, con người Trí Nguyên cũng gắn bó, đoàn kết với nhau hơn. Sau cơn bão Damrey, chính quyền vận động bà con tham gia vào các Tổ liên kết nuôi trồng thủy sản, vừa chung tay bảo vệ môi trường biển, vừa hỗ trợ nhau cùng phát triển kinh tế một cách bền vững.

Đình làng Trí Nguyên đã tu bổ xong. Trên nền đình làng cũ, ngôi đình mới được nâng cấp khang trang, rộng rãi hơn. Ông Hồ Văn Trung cũng là quản sự ở đình. Mỗi ngày, ông đều ghé qua coi ngó việc tu sửa trước khi ra bè nuôi cá. “Tổ liên kết lồng bè hiện có 112 chủ lồng bè, 96 bè vào tổ. Anh em bảo ban coi ngó với nhau. Chúng tôi cũng nhắc nhau giữ vệ sinh bằng cách gom rác thải, có ghe thu gom mang vào đất liền”. Anh Thông cũng nói tham gia vào tổ này, việc mua giống sẽ được ghi chép, có nguồn gốc, hồ sơ đầy đủ, nếu có rủi ro thì cũng sẽ được hỗ trợ tốt hơn.

Hằng ngày, ông Trung vẫn ra bè cùng vợ con. Bà Chai vợ ông lo thêm cơm nước cho người làm ở ngoài bè. Cuộc sống của họ, cũng như của rất nhiều người dân trên đảo Trí Nguyên này hằng ngày vẫn diễn ra như thế. Cuộc sống vẫn tiếp diễn dù trước mắt còn không ít khó khăn. Như những con thuyền vẫn ra khơi, và những chuyến đò vẫn trở về bên chân đảo mỗi ngày.