Không để lãng phí đất
Chàng trai Lê Lưu Thắng sinh năm 1994 tại xã Nam Thanh (Nam Đàn, Nghệ An) hiện đang là Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sản xuất và chế biến nông sản xanh Đá Hàn với hai lĩnh vực sản xuất chủ yếu là trồng bí xanh và sản xuất phân vi sinh hữu cơ.
Thắng cho biết, trước đây anh vốn học ngành Quản lý tài nguyên và môi trường tại Trường đại học Vinh, sau đó được cử sang Israel thực tập một năm về nông nghiệp công nghệ cao. Đây là quãng thời gian quý để chàng trai xứ Nghệ học hỏi được kỹ thuật, kinh nghiệm từ đất nước có nền nông nghiệp hiện đại. “Thời gian làm việc và học tập ở Israel, tôi cảm nhận được sự chịu khó và chăm chỉ làm việc một cách khoa học của người dân nơi đây. Tôi đã học thêm một số kinh nghiệm trong việc chăm sóc cây trồng từ thầy, cô và từ việc đi làm thêm ở các nông trại tại đất nước Trung Đông này”, Thắng chia sẻ.
Sau đó, Thắng về nước và tìm được một công việc phù hợp về nông nghiệp sạch và thuốc bảo vệ thực vật tại Hà Nội. Tuy nhiên, làm được một thời gian, Thắng đã quyết định về quê khởi nghiệp vào tháng 6/2020.
Những ngày tháng làm việc ở công ty cũ đã giúp Thắng có thêm nhiều kinh nghiệm quý. “Tôi được đi nhiều tỉnh, thành phố phía bắc và miền trung. Mỗi lần đi cho tôi một bài học kinh nghiệm, không chỉ về chuyên môn mà còn về kinh doanh và quản lý. Tôi cũng đã được tiếp xúc với nhiều mô hình nông nghiệp sạch và bật lên suy nghĩ, ở quê đất rộng mà không trồng gì thì rất lãng phí”, Thắng cho biết.
Biến đất hoang nở hoa
Sẵn 1,3 ha đất của gia đình, Thắng đầu tư 50 triệu đồng cải tạo đất và thuê thêm diện tích của nông dân để trồng bí xanh, loại cây phù hợp với đất pha cát ở địa phương.
Bỏ ra gần 30 triệu đồng mua giống, vật tư thế nhưng vụ bí xanh đầu tiên Thắng không thu về được đồng nào do bắc giàn chưa đúng kỹ thuật nên bị đổ. Rút ra bài học kinh nghiệm, vụ sau Thắng làm giàn vững, quả đẹp. Nhưng do dịch Covid-19 giá bí giảm từ 6.000 đồng xuống 2.000 đồng/kg khiến Thắng lỗ gần 100 triệu đồng.
Không bỏ cuộc, Thắng tiếp tục trồng bí xanh ở vụ thứ 3 và mọi khó khăn dần được khắc phục, đất hoang bắt đầu nở hoa, cho trái. Bên cạnh đó, Thắng quyết định tự sản xuất phân bón vi sinh hữu cơ vừa để bón bí vừa bán cho các nông hộ khác cũng như ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt để tiết kiệm nước. Cùng với đó, Thắng đồng sáng lập thêm HTX Viên Thành (huyện Yên Thành), mang mô hình bí xanh phát triển thêm ở vùng huyện Yên Thành và liên kết với một số nông dân, hỗ trợ cung ứng đầu vào như phân bón, giống và bao tiêu đầu ra. “Bí xanh chủ yếu được đưa đến các chợ đầu mối ở Hà Nội và TP Vinh. Hiện nay, diện tích trồng bí xanh của HTX hơn 3 ha, mỗi năm hai vụ. Doanh thu của HTX khoảng 1,7 tỷ đồng, lợi nhuận hơn 400 triệu đồng/năm. Đồng thời HTX đã giải quyết việc làm cho 11 lao động địa phương”, Thắng cho biết.
Để có được thành công như hôm nay, Thắng đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân, Trung tâm Khuyến nông huyện cũng như các ban, ngành liên quan. “Tôi đã được các anh chị khuyến nông tư vấn về kỹ thuật trồng cây cũng như tham gia những buổi tập huấn khởi nghiệp cho thanh niên. Từ đó tôi học thêm được nhiều kinh nghiệm để bản thân hoàn thiện hơn”, Thắng cho biết.
Là tấm gương sáng trong phong trào khởi nghiệp tại địa phương, Thắng còn là một đảng viên, một cán bộ đoàn tiêu biểu, tích cực tham gia phong trào, thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp với các đoàn viên, thanh niên khác. “Phong trào khởi nghiệp ở địa phương tôi ngày một phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Bản thân tôi và một số anh chị em luôn nỗ lực học tập, trau dồi kinh nghiệm và giúp đỡ nhau tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong quá trình khởi nghiệp”, Thắng cho biết.
Năm 2022, Thắng vinh dự nhận Giải thưởng Lương Định Của của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tôn vinh nhà nông trẻ xuất sắc. Vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2025), Lê Lưu Thắng cũng được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Nghệ An tuyên dương Đảng viên trẻ xuất sắc năm 2025.