Một thập niên mất mát
Báo cáo của WB giới thiệu cơ sở dữ liệu công khai toàn diện đầu tiên trên thế giới bao gồm 173 nền kinh tế từ năm 1981 đến năm 2021, qua đó đánh giá thước đo tăng trưởng GDP tiềm năng. Báo cáo về kinh tế toàn cầu của WB cũng đề cập tới thuật ngữ “thập niên mất mát” khi đánh giá triển vọng tăng trưởng kinh tế thế giới giai đoạn 2023-2030.
Khái niệm “thập niên mất mát” mô tả giai đoạn sau khủng hoảng kinh tế, đặc biệt là sau khi “bong bóng” tài sản bị vỡ. Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thất nghiệp tăng cao, nợ xấu trong nền kinh tế gia tăng, hoạt động đầu tư giảm sút, các biện pháp kích cầu, đầu tư không đạt hiệu quả kỳ vọng... là những dấu hiệu điển hình của giai đoạn này. Giai đoạn 1980-1990 được coi là thập niên mất mát đối với Mỹ-latin sau khi mức nợ của châu lục này vượt khỏi tầm kiểm soát. Thập niên mất mát của Nhật Bản xảy ra vào giai đoạn 1990-2000 khi “bong bóng” tài sản khổng lồ bị vỡ, khiến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân chỉ đạt 0,5%/năm, thấp hơn hầu hết các nước công nghiệp phát triển. Giai đoạn 2000-2010 được coi là thập niên mất mát của Mỹ sau cuộc khủng hoảng tài chính thế chấp. Như vậy, theo đánh giá của WB, khái niệm “thập niên mất mát” không còn giới hạn trong lãnh thổ quốc gia hay khu vực nhất định mà đã mang tính toàn cầu.
Nền kinh tế thế giới đang chứng kiến những dấu hiệu suy giảm. Bắt đầu từ những năm 2000, tốc độ tăng trưởng GDP và GDP bình quân đầu người tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, mặc dù có tăng trưởng dương nhưng có xu hướng giảm dần, ngoại trừ hai thời điểm tăng trưởng âm là khủng hoảng kinh tế giai đoạn 2008-2010 và thời điểm đại dịch Covid-19 hoành hành từ năm 2020.
Trong đó, các quốc gia mới nổi, đang phát triển và các quốc gia có thu nhập trung bình đều giảm tăng trưởng. Thí dụ nhóm các nước có thu nhập trung bình, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2000-2010 khoảng 6%, giai đoạn 2011-2021 khoảng 4% và 2022-2030 khoảng trên 2%. Đối với các nền kinh tế đang phát triển, xuất hiện sự suy giảm từ 6% một năm trong giai đoạn 2000-2010 xuống còn 4% một năm trong thời gian còn lại của thập kỷ này.
Về nguyên nhân dẫn tới sự sụt giảm này, WB đã đưa ra một loạt các nguyên nhân. Trong đó, những nguyên nhân chính bao gồm: “Dân số vàng” giảm nghĩa là dân số trong độ tuổi lao động ngày càng giảm so quy mô dân số, đặc biệt là tại các quốc gia phát triển, khi mà tỷ lệ dân số tham gia thị trường lao động giảm từ khoảng gần 70% năm 1981 xuống 65% năm 2020 và dự kiến khoảng 62% vào năm 2029; Tốc độ tăng trưởng về đầu tư giảm, trong đó các quốc gia đang phát triển giảm từ khoảng 9% thập niên 2000-2010 xuống còn trên 4% thập niên 2011-2021; Sự ổn định và tính nhất quán trong chính sách của các quốc gia suy giảm, nổi bật là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc, xung đột Nga - Ukraine và sự thay đổi về địa-chính trị tại nhiều quốc gia khác.
Bên cạnh đó, WB cũng đánh giá các tác động quan trọng đến triển vọng tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2023-2030. Đó là đại dịch Covid-19 bùng phát từ cuối năm 2019 đã để lại nhiều hậu quả nặng nề về kinh tế-xã hội cho các quốc gia trên toàn thế giới; xung đột giữa Nga-Ukraine vẫn đang tiếp diễn và hầu hết động lực cho quá trình phát triển kinh tế đang dần mất đi tác dụng.
Khuyến nghị của WB
Báo cáo của WB cũng khuyến nghị các nhóm giải pháp tổng thể. Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng kiêm Phó Chủ tịch cấp cao về kinh tế phát triển của WB cho biết: “Sự suy giảm liên tục về tốc độ tăng trưởng tiềm năng có tác động nghiêm trọng đến khả năng của thế giới trong việc giải quyết hàng loạt thách thức ngày càng mở rộng của thời đại chúng ta như nghèo đói, thu nhập chênh lệch và biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, sự suy giảm này có thể đảo ngược”.
Theo đó, tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu có thể tăng lên 0,7% và đạt mức 2,9%/năm nếu các quốc gia áp dụng chính sách định hướng tăng trưởng bền vững. Các nhóm giải pháp chính bao gồm điều chỉnh các chính sách tiền tệ, tài khóa và tài chính theo hướng thận trọng, trong đó ưu tiên kiểm soát lạm phát, bảo đảm sự ổn định của thị trường tài chính và giảm nợ công. Những chính sách này có thể giúp các quốc gia thu hút đầu tư bằng cách tạo niềm tin cho nhà đầu tư vào các thể chế và hoạch định chính sách quốc gia.
Ngoài ra, cần thúc đẩy đầu tư vào các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, năng lượng, nông nghiệp sạch, các khoản đầu tư phù hợp với mục tiêu chính ngăn ngừa biến đổi khí hậu...; giảm thiểu các chi phí trong quá trình lưu thông hàng hóa như vận chuyển, hậu cần theo hướng thân thiện môi trường, loại bỏ các hạn chế làm gia tăng chi phí đối với hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường; tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ, đặc biệt là các lĩnh vực liên quan công nghệ cao; tăng cường sự tham gia của lực lượng lao động vào tất cả các lĩnh vực kinh tế bao gồm cả số lượng, chất lượng và năng suất lao động, trong đó chú trọng đến lực lượng lao động nữ; tăng cường hợp tác toàn cầu thông qua xúc tiến thương mại, thúc đẩy các chương trình hợp tác quốc tế và huy động các nguồn lực cho mục tiêu phát triển bền vững.