Những tín hiệu tích cực
IATA đại diện cho khoảng 300 hãng hàng không, chiếm 83% lưu lượng vận tải hàng không trên toàn thế giới. Theo báo cáo Triển vọng toàn cầu về vận tải hàng không, được IATA công bố tháng 12/2022, đến nay kết nối hàng không nội địa trung bình của các nước đã phục hồi khoảng 89% so mức trước đại dịch Covid-19, trong khi khả năng kết nối hàng không quốc tế hiện ở mức khoảng 68% so mức của năm 2019. IATA dự báo, vào năm 2023, các hãng hàng không sẽ đạt khoản lãi đầu tiên kể từ năm 2019, với mức lợi nhuận ròng khoảng 4,7 tỷ USD, khi khoảng hơn bốn tỷ lượt hành khách đi lại bằng máy bay. Lợi nhuận ròng của ngành hàng không năm 2019 là 26,4 tỷ USD.
Ngành hàng không thế giới đã chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, với lượng hành khách giảm tới 60% trong năm 2020 và giảm tiếp 50% trong năm 2021. Lưu lượng hành khách sử dụng các dịch vụ hàng không hiện đã phục hồi được khoảng 70,6% của mức trước đại dịch. Lưu lượng hàng hóa vận chuyển qua đường hàng không thậm chí được dự đoán vượt mức của năm 2019 là 11,7%. Với sự phục hồi tích cực đó, khoản lỗ ròng của các hãng hàng không trong năm 2022 dự kiến khoảng 6,9 tỷ USD, thấp hơn so mức dự báo 9,7 tỷ USD mà IATA đưa ra hồi tháng 6/2022. Khoản lỗ năm 2022 cũng thấp hơn đáng kể so khoản lỗ các năm 2021 và 2020 lần lượt là 42 tỷ USD và 137,7 tỷ USD.
Bắc Mỹ là khu vực duy nhất có lãi trở lại trong ngành hàng không trong năm 2022. Các hãng vận tải Bắc Mỹ dự kiến đạt lợi nhuận 9,9 tỷ USD vào năm 2022 và 11,4 tỷ USD vào năm 2023. Nhu cầu đi lại của hành khách dự kiến tăng 6,4%, trong khi công suất vận chuyển của các hãng sẽ tăng 5,5% trong năm 2023. Các hãng hàng không tại khu vực này được hưởng lợi nhờ các chính sách chống dịch mềm dẻo hơn và ít các hạn chế đi lại hơn so các khu vực khác. Điều này đã thúc đẩy thị trường hàng không nội địa rộng lớn của Mỹ, cũng như các chặng du lịch quốc tế, nhất là qua Đại Tây Dương.
Mặc dù tình hình kinh tế thế giới khó khăn, song giới phân tích cho rằng nhu cầu đi lại bằng đường hàng không sẽ bùng nổ vào năm tới. Lợi nhuận vào năm 2023 hãng hàng không Delta Air Lines (Mỹ) được dự báo sẽ tăng gần gấp hai lần so năm 2020. Giám đốc điều hành hãng Delta, ông Ed Bastian, ước tính người tiêu dùng toàn cầu sẽ chi khoảng
30 tỷ USD cho các hoạt động du lịch vào năm 2023 và nhu cầu này khả năng sẽ không giảm xuống trong một thời gian ngắn.
Ngành hàng không Mỹ chứng kiến nhu cầu người dùng tăng mạnh nhất trong hai năm. Nhiều người Mỹ có ý định du lịch hoặc công tác nước ngoài khi đồng USD mạnh lên, các cửa khẩu và doanh nghiệp mở cửa trở lại sau đại dịch Covid-19. Trong khi nhu cầu đi lại “bùng nổ”, các hãng hàng không đã tăng giá vé để bù đắp chi phí nhiên liệu và nhân công gia tăng. Bên cạnh đó, kinh tế toàn cầu giảm tốc gần đây khiến giá dầu giảm, cũng góp phần hỗ trợ các hãng hàng không.
Một cuộc thăm dò gần đây của IATA đối với khách du lịch tại 11 thị trường toàn cầu cho thấy, gần 70% số người được hỏi cho biết họ vẫn đi du lịch hoặc thậm chí đi nhiều hơn so trước khi xảy ra đại dịch. Trong khi tình hình kinh tế tác động đến khoảng 85% số du khách, 57% số người được hỏi cho biết không có ý định hạn chế thói quen du lịch. Khách du lịch cũng đánh giá rất cao vai trò của ngành hàng không. Khoảng 91% số người được hỏi cho rằng kết nối hàng không rất quan trọng với nền kinh tế, 90% số người được hỏi đánh giá việc di chuyển bằng đường hàng không là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống hiện đại.
Một số rủi ro phía trước
Tổng Giám đốc IATA Willie Walsh nhấn mạnh, việc ngành hàng không có lãi trở lại sẽ là thành quả tuyệt vời khi xét tới mức độ thiệt hại tài chính và kinh tế do tác động của các biện pháp hạn chế phòng dịch tại các quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IATA cảnh báo rằng nhiều hãng hàng không sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong năm tới do những quy định chặt chẽ, chi phí tăng cao, các chính sách của các quốc gia không nhất quán và nhiều yếu tố khác.
Môi trường kinh tế và địa-chính trị thế giới tiềm ẩn một số rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng của ngành hàng không năm 2023. Trong khi các đợt tăng lãi suất mạnh để chống lạm phát đã có dấu hiệu hạ nhiệt dần, thì nguy cơ một số nền kinh tế rơi vào suy thoái vẫn còn. Điều này sẽ tác động trực tiếp đến nhu cầu của dịch vụ vận chuyển hành khách và vận chuyển hàng hóa của ngành hàng không.
Các hãng hàng không tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ lỗ khoảng 10 tỷ USD trong năm 2022, và giảm xuống mức 6,6 tỷ USD năm 2023. Nhu cầu đi lại của hành khách dự kiến sẽ tăng ở mức 59,8%. Công suất vận tải hàng không tại khu vực vẫn bị kìm hãm bởi các tác động từ chính sách chống dịch của Trung Quốc. Các nhà kinh tế học giữ quan điểm thận trọng về việc nới lỏng các hạn chế ở Trung Quốc vào cuối năm 2023. Tuy nhiên, IATA vẫn kỳ vọng nhu cầu bị dồn nén sẽ thúc đẩy sự phục hồi nhanh chóng sau mỗi động thái nới lỏng chính sách. Các thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không có lãi cũng sẽ thúc đẩy đáng kể sự tăng trưởng của toàn ngành.
Các hãng hàng không châu Âu dự kiến lỗ 3,1 tỷ USD trong năm 2022 và lãi 621 triệu USD vào năm sau. Cuộc xung đột nghiêm trọng tại Ukraine đã hạn chế hoạt động của một số sân bay trong khu vực. Sự gián đoạn hoạt động vẫn được ghi nhận tại một số trung tâm trung chuyển hàng không tại châu lục này, trong bối cảnh các cuộc đình công, thiếu hụt lao động ngành hàng không vẫn tiếp diễn tại nhiều địa điểm.
Các hãng vận tải hàng không khu vực châu Phi dự kiến chỉ phục hồi được khoảng 83,9% công suất so mức trước đại dịch, do những khó khăn của kinh tế vĩ mô đã làm tăng tính dễ bị tổn thương của một số nền kinh tế và khiến kết nối trong khu vực trở nên phức tạp hơn. Trong khi đó, các hãng hàng không ở khu vực Trung Đông dự kiến sẽ phục hồi khoảng 94,5% công suất so mức trước đại dịch, nhờ được hưởng lợi từ việc một số tuyến bay chuyển hướng do cuộc xung đột tại Ukraine. Ngành hàng không khu vực Mỹ latin dự kiến vẫn chịu khoản lỗ khoảng 795 triệu USD vào năm 2023, song có tốc độ phục hồi khá tốt với khoảng 94,2% công suất so với mức trước đại dịch.
Tổng chi phí của ngành hàng không dự kiến sẽ tăng 5,3%, lên 776 tỷ USD. Sự thiếu hụt lao động, chi phí cơ sở hạ tầng tiếp tục gây áp lực lên các hoạt động bay. Tổng chi phí nhiên liệu cho năm 2023 dự kiến là 229 tỷ USD, tương đương với 30% tổng chi phí. Giá nhiên liệu vẫn sẽ khó đoán định nhất là trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine tiếp diễn, các biện pháp trừng phạt qua lại giữa Nga và phương Tây gây ra những xáo trộn đối với nguồn cung dầu mỏ.
IATA cho hay, mỗi hành khách được vận chuyển bằng đường hàng không dự kiến sẽ đóng góp trung bình 1,11 USD vào lợi nhuận ròng của ngành, số tiền này ít hơn rất nhiều so số tiền cần thiết để mua một cốc cà-phê ở hầu hết các nơi trên thế giới. Do đó, các hãng hàng không phải thận trọng với bất kỳ sự gia tăng nào về thuế hoặc phí cơ sở hạ tầng. Ngành hàng không cũng cần tập hợp mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến trình thực hiện cam kết giảm lượng khí thải CO2 về mức 0 vào năm 2050.