Chưa tròn 20 tuổi, quán quân Bông Lúa Vàng (năm 2019) khá áp lực khi được giao vai độc diễn cải lương đầu đời. Cái khó càng tăng dần khi Ngọc phải diễn cùng lúc bốn nhân vật trong thời lượng khoảng 1,5 giờ đồng hồ. Sự hồi hộp trước vở diễn được lấp đầy bằng nỗi hân hoan khi tiếng vỗ tay liên tục vang lên sau từng câu ngân, điệu bộ của cô diễn viên trẻ trên dải lụa trắng làm nền sân khấu. Là diễn viên cải lương nhưng khi nhận “Đợi Kiều”, Ngọc được yêu cầu học thêm về múa đương đại để đạt một trong những yêu cầu đổi mới từ biên kịch - đạo diễn Đào Lê Na.
Ngay cả khi đêm công diễn đầu tiên khép lại trong tiếng vỗ tay không ngớt, ngay cả khi khán giả chạy lên sân khấu ôm chầm kèm lời khen ngợi “Em làm tốt lắm!”, Ngọc vẫn chưa tin mình đã hoàn thành phần việc đòi hỏi rất nhiều nỗ lực này. “Thật lòng mà nói ban đầu em không nghĩ mình có thể đảm nhận được cả bốn nhân vật trong cùng một vở diễn nên rất lo. Nhưng rồi nghĩ lại, biết đây là cơ hội, là thử thách lớn để em dần trưởng thành trong nghề. Em chỉ mong rằng, qua tất cả khán giả sẽ thấy thú vị với một góc nhìn mới về Truyện Kiều bằng cải lương”, diễn viên trẻ Hồng Bảo Ngọc chia sẻ.
Không chỉ diễn viên trẻ mà trong “Đợi Kiều” có rất nhiều sự sáng tạo của người trẻ với mong muốn thổi làn gió mới vào bộ môn cải lương. Nhiều người nói biên kịch - đạo diễn Đào Lê Na liều lĩnh khi cùng lúc thử hai cái mới trên một sân khấu: góc tiếp cận Truyện Kiều mới và cải lương thể nghiệm. Khán giả xưa nay đã quá quen thuộc với ba hồi của một vở cải lương truyền thống nên khi thấy sân khấu chuyển động không ngừng để nối cảnh bốn màn diễn tả xuân-hạ-thu-đông trong “Đợi Kiều”, nhiều người bất ngờ, thích thú.
Ở đầu mỗi màn, trước khi diễn viên chính xuất hiện, khán giả sẽ được thưởng thức màn múa bóng đương đại đầy cuốn hút của nghệ sĩ múa Lê Mai Anh trên nền nhạc mang âm hưởng dân tộc được cải biên từ những câu thơ quen thuộc trong Truyện Kiều. Nếu Nguyễn Du khai thác Truyện Kiều theo bốn mùa thì ở đây tác giả kịch bản khai thác Truyện Kiều theo bốn giai đoạn của cuộc đời người phụ nữ. Cả bốn nhân vật đều do Hồng Bảo Ngọc thể hiện với những tạo hình khác nhau tạo thêm điểm nhấn cho vở diễn mới lạ này.
Hơn hai năm để thực hiện một vở diễn thể nghiệm với ê-kíp toàn những người trẻ, điều mà TS Đào Lê Na tâm đắc nhất chính là tự tin giới thiệu đến cộng đồng một góc nhìn không trùng lặp về Truyện Kiều. Mỗi màn một cách thể hiện nhưng đều thể hiện được sự đồng cảm với thân phận người phụ nữ thời phong kiến với cái nhìn bao dung hơn thay vì chỉ toàn sự mỉa mai của miệng đời. Là người chọn lĩnh vực nghiên cứu cải biên, TS Đào Lê Na luôn tôn trọng sự tự do trong cảm cách nhận của từng khán giả nên chị hạn chế thấp nhất những khuôn mẫu định hình.
“Tôi làm tất cả chỉ muốn nói với mọi người rằng cải lương không sến, cải lương rất đẹp. Đẹp từ trong cách chuyển tải những ngôn từ của Nguyễn Du đến hình thức trình diễn của người trẻ trên sân khấu này. Chúng tôi muốn đưa cái gì đó mới mẻ, góp thêm tiếng nói của mình vào nghệ thuật và là cầu nối đưa người trẻ đến gần với nghệ thuật cải lương”, biên kịch - đạo diễn Đào Lê Na cho biết.
Vì muốn hướng đến khán giả trẻ nên trong vở diễn lần này, nhà nghiên cứu lý luận phê bình đờn ca tài tử - cải lương Lê Hồng Phước, người chuyển soạn cải lương của vở “Đợi Kiều” đã tạo thêm nhiều không gian ca, diễn mang sắc màu đương đại. Theo ông Phước, thành công bước đầu của “Đợi Kiều” chính là sự dũng cảm thể hiện chất riêng từ ê-kíp thực hiện với đa phần là những người trẻ năng động. “Người trẻ làm cải lương cho giới trẻ thưởng thức sẽ có những cái hay riêng. Quan trọng là đừng bao giờ cho rằng, cái mình làm là số một, là hay nhất, độc nhất mà phải không ngừng học hỏi để tốt hơn, sáng tạo hơn mỗi ngày”, ông Phước nói thêm.