Tranh cãi về tài chính khí hậu

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là chủ đề nóng, thường xuyên được thảo luận trên các diễn đàn, hội nghị quốc tế thời gian qua. Rõ ràng, đây là mối quan tâm chung của các quốc gia, khu vực cũng như toàn cầu. Tuy nhiên, giới chuyên gia môi trường nhấn mạnh, thế giới cần huy động nguồn lực tài chính đầy đủ mới bảo đảm việc hiện thực hóa các mục tiêu ứng phó BĐKH.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: OGUZ GUREL
Biếm họa: OGUZ GUREL

Bộ trưởng Sinh thái Azerbaijan, nước giữ vai trò Chủ tịch Hội nghị lần thứ 29 Các bên tham gia Công ước khung của LHQ về BĐKH (COP29) diễn ra tháng 11 tới, Mukhtar Babayev tuyên bố, chính phủ các nước cần nhất trí về cách thức huy động nhiều tỷ USD cần thiết để hỗ trợ các nước nghèo đối phó tình trạng ấm lên toàn cầu. Theo Bộ trưởng Babayev, COP29 là thời hạn chót để các nước nhất trí về mục tiêu toàn cầu mới, về khoản tài chính các nước công nghiệp giàu có phải đóng góp để hỗ trợ những nước nghèo giảm thiểu tác động của tình trạng BĐKH.

Phát biểu ý kiến tại Đối thoại khí hậu Petersberg ở Berlin (Đức), Bộ trưởng Babayev nhấn mạnh, tài chính khí hậu sẽ là trọng tâm trong nhiệm vụ của Chủ tịch COP29. Theo ông, thế giới cần tăng tổng dòng tài chính khí hậu lên gấp vài lần và giải quyết những vấn đề khó khăn cản trở các nước đang phát triển thực hiện đầy đủ các mục tiêu tham vọng về ứng phó BĐKH. Bộ trưởng Sinh thái Azerbaijan nhấn mạnh tại COP29 rằng, các nước cần nhất trí mục tiêu tài chính khí hậu mới, trong bối cảnh các nguồn lực tài chính cho vấn đề khí hậu hiện chỉ như “muối bỏ bể”. Ông Babayev thừa nhận đây là một trong những vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán về khí hậu, gây khó khăn cho các cuộc đàm phán của COP trước đây, trong đó các nước phát triển phát thải khí CO2 nhiều nhất bị chỉ trích chưa có đóng góp tương xứng.

Theo số liệu do Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố, các nước giàu đã cung cấp 100 tỷ USD hỗ trợ các nước nghèo trong năm 2022, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so khoản tài chính ước tính 2.400 tỷ USD hằng năm mà các nước đang phát triển, trừ Trung Quốc, cần có để ứng phó BĐKH.

Các quốc gia giàu có trên thế giới đã trốn tránh vai trò dẫn đầu về chính sách khí hậu để hỗ trợ các quốc gia đang phát triển cắt giảm lượng khí thải nhà kính. Đây là nội dung của một thông cáo chung được nhóm các nước thuộc khối BASIC, gồm Brazil, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc đưa ra. Theo thông báo do Bộ Môi trường Trung Quốc công bố sau một cuộc họp tại Vũ Hán vừa qua, các bộ trưởng của bốn quốc gia nêu trên bày tỏ lo ngại về việc các nước giàu có đang cho thấy tình trạng “giậm chân tại chỗ” trong các cam kết về khí hậu. Đại diện BASIC kêu gọi các quốc gia phát triển đặt ra các mục tiêu mới, tham vọng hơn để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0 sớm hơn mốc năm 2050, tốt nhất là vào năm 2030 và sau đó đạt mức phát thải ròng âm.

Khối BASIC cũng nêu bật nhiệm vụ chính của COP29 là đặt ra mục tiêu tài chính khí hậu mới, còn gọi là “Mục tiêu định lượng chung mới”, được coi là đòn bẩy chính để các nước đang phát triển có thể vạch ra các mục tiêu mới đầy tham vọng trước thời hạn năm 2025. Theo đó, các bên ký kết Hiệp định Paris về BĐKH sẽ phải đệ trình “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” mới cho LHQ vào tháng 2/2025. Theo BASIC, tài chính khí hậu cung cấp cho các nước đang phát triển cần tăng từ hàng tỷ lên hàng nghìn tỷ USD mỗi năm và phải được phân bổ cân bằng giữa mục tiêu giảm thiểu và thích ứng BĐKH. Phần lớn các cuộc thảo luận về mục tiêu tài chính mới xoay quanh các nhà tài trợ, khi một số quốc gia giàu cho rằng các nước như Trung Quốc hoặc Saudi Arabia, dù vẫn được coi là đang phát triển, cũng cần có những đóng góp tài chính cụ thể và thiết thực.

Đây cũng là yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU) đối với các nền kinh tế mới nổi, những nước phát thải CO2 cao và các quốc gia giàu có phải đóng góp cho mục tiêu tài chính khí hậu mới của LHQ. Trong khi đó, OECD cho rằng, nhu cầu đầu tư thực tế vào các hành động khí hậu ở các quốc gia nghèo có thể lên tới 1.000 tỷ USD/năm từ nay đến năm 2025. Theo tính toán của OECD, khoản đóng góp 100 tỷ USD của các nước giàu chưa “bõ bèn” với chi phí thực tế của các nước nghèo và đang phát triển trong ứng phó BĐKH.