Tranh cãi về Nghị định thư Bắc Ireland

Nghị định thư Bắc Ireland ra đời nhằm tránh việc thiết lập đường biên giới cứng giữa vùng Bắc Ireland (Anh) và Cộng hòa Ireland - thành viên Liên minh châu Âu (EU), sau khi Anh rời EU (Brexit). Tuy nhiên, Anh muốn sửa đổi nghị định thư trên, với lý do các quy định trong văn kiện gây cản trở thương mại. EU lại cho rằng mọi thay đổi đơn phương đều vi phạm luật pháp quốc tế, đồng thời lên kế hoạch trừng phạt Anh.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: BLOWER
Biếm họa: BLOWER

Lý lẽ của Anh

Nghị định thư Bắc Ireland vốn là một phần trong thỏa thuận Brexit. Theo đó, để tránh việc thiết lập đường biên giới trên bộ giữa vùng Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh và Cộng hòa Ireland mà vẫn bảo đảm hàng hóa từ Anh sang EU phù hợp các tiêu chuẩn của thị trường chung châu Âu, các bên nhất trí thiết lập các điểm kiểm soát hàng hóa từ các vùng còn lại của Anh sang Bắc Ireland. Tuy nhiên, kể từ khi được áp dụng vào đầu năm 2021, việc kiểm tra hàng hóa từ lục địa Anh sang Bắc Ireland đã gây ra tình trạng tắc nghẽn, phát sinh nhiều thủ tục, dẫn đến tình trạng khan hiếm hàng hóa cho vùng này, khiến nhiều doanh nghiệp thậm chí tuyên bố giảm quy mô hoặc chấm dứt các hoạt động giao thương tới Bắc Ireland.

London cho rằng, không thể thực hiện nghị định thư này vì gây ra sự chậm trễ và gián đoạn đối với hàng hóa vận chuyển giữa Vương quốc Anh và Bắc Ireland. Chính phủ Anh liên tục đe dọa đơn phương sửa đổi nghị định thư này nếu EU không có những điều chỉnh phù hợp. Ngày 27/6, các nghị sĩ tại Hạ viện Anh đã bỏ phiếu thông qua dự luật sửa đổi Nghị định thư Bắc Ireland, với 295 phiếu ủng hộ và 221 phiếu phản đối. Kết quả này mở đường đưa dự luật sang giai đoạn xem xét tiếp theo tại Quốc hội Anh.

Theo dự luật mới, Anh dự định dỡ bỏ hầu hết các điểm kiểm soát hàng hóa từ các vùng còn lại sang Bắc Ireland, trong khi vẫn ưu tiên mục tiêu không thiết lập biên giới cứng trên đảo Ireland đúng như nguyên tắc của “Thỏa thuận thứ sáu tốt lành” nhằm bảo đảm hòa bình cho vùng này đạt được vào năm 1998. EU sẽ được quyền tiếp cận dữ liệu thời gian thực của Anh về dòng chảy hàng hóa sang Bắc Ireland. Chỉ những doanh nghiệp có dự định giao thương với EU thông qua tuyến đường qua đảo Ireland mới phải thực hiện các thủ tục hải quan. Tuy nhiên, Anh lại loại bỏ quyền giám sát nghị định thư của Tòa án Tư pháp châu Âu, điều mà EU luôn phản đối.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, cần có luật để loại bỏ những rào cản không cần thiết đối với thương mại từ Anh tới Bắc Ireland và khẳng định dự luật không gây nguy hiểm cho thị trường chung EU. Bộ trưởng Ngoại giao Anh Liz Truss khẳng định, dự luật trên là hợp pháp và cần thiết, đồng thời phủ nhận việc Chính phủ Anh vi phạm luật pháp quốc tế khi đưa ra dự luật, nhấn mạnh ưu tiên tiến trình hòa bình.

Tranh cãi về Nghị định thư Bắc Ireland ảnh 1

Vận chuyển hàng hóa từ Anh sang Bắc Ireland thường xuyên bị tắc nghẽn. Ảnh: THE TIMES

EU không muốn nhượng bộ

The Guardian đưa tin, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Maros Sefcovic ngày 17/5/2022 nêu rõ: “Nghị định thư Bắc Ireland là một thỏa thuận quốc tế được ký bởi EU và Anh. Các hành động đơn phương trái với một thỏa thuận quốc tế là không thể chấp nhận được”. Phó Chủ tịch EC nhấn mạnh, Nghị định thư Bắc Ireland là một phần không thể thiếu trong thỏa thuận Brexit vốn là nền tảng cần thiết cho thỏa thuận thương mại và hợp tác giữa hai bên sau khi Anh rời EU. Ông Maros Sefcovic cũng cảnh báo về các biện pháp đáp trả mạnh mẽ của EU, nếu Anh vẫn cố tình sửa đổi văn kiện mà hai bên đã ký.

Ngày 22/7, EC chính thức khởi động bốn quy trình pháp lý mới chống lại Anh, cáo buộc London không tuân thủ những điều khoản quan trọng của Nghị định thư Bắc Ireland. EC cho rằng, London không sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận về khả năng sửa đổi Nghị định thư Bắc Ireland và việc Hạ viện Anh thông qua dự luật sửa đổi Nghị định thư đã làm suy yếu tinh thần hợp tác. EC đã xúc tiến tổng cộng bảy quy trình pháp lý chống lại Anh liên quan Nghị định thư Bắc Ireland. Các quy trình này có thể dẫn tới án phạt theo phán quyết của Tòa án Công lý châu Âu (ECJ).

EC từ chối bình luận về việc Thủ tướng Anh Johnson từ chức và cho biết lập trường của EU trong vấn đề liên quan Nghị định thư không bị ảnh hưởng bởi các diễn biến chính trị ở London. Một người phát ngôn của EC cho biết, sẽ không có sự thay đổi trong cách tiếp cận của EU đối với Nghị định thư này. Quan điểm của EU là nên nỗ lực tìm kiếm các giải pháp liên quan đến việc thực hiện thỏa thuận đã ký.

Sự đe dọa đối với thỏa thuận “Thứ sáu tốt lành”

Thủ tướng Anh Boris Johson khẳng định, London đã nỗ lực đàm phán với EU về Nghị định thư Bắc Ireland, song không nhận được kết quả. Thủ tướng Johnson đồng thời cảnh báo những tác động nghiêm trọng từ nghị định thư này tới sự ổn định ở Bắc Ireland. Một văn kiện của Chính phủ Anh cũng nêu rõ, Anh sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để bảo vệ “Thỏa thuận thứ sáu tốt lành”.

Trước năm 1998, Belfast - thủ phủ của Bắc Ireland, từng được xếp vào nhóm 4B cùng với Beirut (Lebannon), Baghdad (Iraq) và Bosnia (Nam Tư cũ) là những địa danh du khách được khuyến cáo không nên đến. Bởi, Belfast khi đó nổi tiếng với những cuộc xung đột đẫm máu giữa những người muốn Bắc Ireland duy trì tư cách là một vùng của Vương quốc Anh và những người muốn sáp nhập Bắc Ireland vào Cộng hòa Ireland. Thỏa thuận “Thứ sáu tốt lành” được ký ngày 10/4/1998, khép lại ba thập niên của một trong những cuộc xung đột nghiêm trọng nhất tại châu Âu trong thế kỷ 20.

Các quy định trong Nghị định thư Bắc Ireland vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của phe ủng hộ London tại vùng này, với lý do văn kiện này gây chia cắt Bắc Ireland với phần còn lại của nước Anh, dẫn tới các cuộc biểu tình và bất ổn.

Trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp Bắc Ireland vào tháng 5 vừa qua, đảng Sinn Fein vốn có quan điểm ủng hộ Bắc Ireland rời Vương quốc Anh, sáp nhập với Cộng hòa Ireland, đã giành thắng lợi lịch sử và kêu gọi mở cuộc tranh luận về việc thành lập một Ireland thống nhất. Chiến thắng của đảng Sinn Fein không làm thay đổi hiện trạng của khu vực, vì cuộc trưng cầu ý dân đề nghị rời khỏi Vương quốc Anh do Chính phủ Anh toàn quyền quyết định. Tuy nhiên, chiến thắng này mang tính biểu tượng khi chấm dứt một thế kỷ thống trị của các đảng thân Anh tại vùng Bắc Ireland.

Đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP), đảng lớn nhất ở Bắc Ireland kể từ khi vùng này được thành lập năm 1921, sau khi nhận thất bại trong cuộc bầu cử hồi tháng 5 vừa qua đã từ chối tham gia chính quyền theo mô hình chia sẻ quyền lực nếu nghị định thư Bắc Ireland không được cải tổ. Chủ tịch DUP nhấn mạnh, mối lo ngại của đảng này về Nghị định thư Bắc Ireland không chỉ đơn thuần là bất đồng về chính trị, đồng thời coi nghị định thư này thách thức trực tiếp đối với những nguyên tắc là nền tảng cho mọi thỏa thuận đạt được tại Bắc Ireland trong 24 năm qua.

Mỹ đã ra tuyên bố kêu gọi các nhà lãnh đạo ở Bắc Ireland tuân thủ “Thỏa thuận thứ sáu tốt lành”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Mỹ khuyến khích Anh và EU tiếp tục đối thoại để giải quyết bế tắc về các quy định thương mại hậu Brexit tại Bắc Ireland.