Trong Thông điệp năm mới hôm 31-1-2020 vừa qua, Thủ tướng Anh tuyên bố: “Đây là thời khắc tuyệt vời của đất nước này. Chúng ta có quyền tự do trong tay và nó tùy thuộc khả năng tận dụng tối đa của chúng ta”. Ông nhấn mạnh rằng, nước Anh sẽ là “một quốc gia mở cửa, hào phóng, hướng ngoại, theo chủ nghĩa quốc tế và thương mại tự do”, khi Anh không còn ràng buộc bất kỳ quy định nào của EU. Người đứng đầu Chính phủ Anh cũng lạc quan về tương lai đất nước trong năm 2021.
Theo thỏa thuận mà Anh và EU đạt được vào phút chót cuối tháng 12-2020 vừa qua, nhiều quy định mới sẽ được áp dụng trong quan hệ song phương theo lộ trình, tùy từng lĩnh vực, nhất là về thương mại, nghề cá, cơ chế giải quyết tranh chấp và hợp tác năng lượng. Việc hai bên chính thức “ly hôn” và Anh độc lập với EU sẽ gây ra những xáo trộn khá lớn đối với người dân, doanh nghiệp và các cơ quan chính phủ của hai bên. Theo các thỏa thuận đã ký, kể từ ngày 1-1-2021, Anh không còn là thành viên của thị trường chung và liên minh hải quan châu Âu. Theo đó, hàng hóa qua lại sẽ phải thực hiện kiểm tra, kiểm soát khi hàng rào kiểm soát biên giới và “hải quan cứng” sẽ được dựng lên giữa Anh và EU. Báo chí Anh cho biết, từ đầu tháng 10 tới, người dân hai bên sẽ không còn được sử dụng căn cước công dân như cũ, mà phải dùng tới hộ chiếu như công dân nước ngoài. Ngoài ra, họ cũng sẽ phải xếp hàng làm thủ tục hải quan mỗi khi xuất hay nhập cảnh, thay vì được ưu tiên đi qua cửa riêng như trước…
Để đối phó những khó khăn của “năm chuyển tiếp” 2021 trong quan hệ với EU, thời gian qua, Chính phủ Anh đã chuẩn bị nhân lực, cơ sở hạ tầng… để đáp ứng các yêu cầu về vận chuyển người, hàng hóa theo quy định mới. Đồng thời, Chính phủ Anh cũng hối thúc các doanh nghiệp chuẩn bị thích nghi với điều kiện hải quan mới. Chính phủ yêu cầu các doanh nghiệp cần hiểu rõ các quy tắc về xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa EU và Vương quốc Anh, cũng như các quy tắc khác nhau áp dụng cho thương mại với Bắc Ireland. Chánh Văn phòng Chính phủ Anh M.Gove tuần trước đã nhấn mạnh với các doanh nghiệp rằng: “Có nhiều thay đổi trên thực tế cũng như về thủ tục mà các doanh nghiệp và công dân cần chuẩn bị sẵn sàng, khi thời gian để thực hiện những công đoạn chuẩn bị cuối cùng này rất ngắn”.
Trong bối cảnh không còn được hưởng những ưu đãi về xuất nhập khẩu hàng hóa với EU như trước đây, London đã và đang đẩy mạnh việc tìm kiếm thỏa thuận thương mại với các đối tác trên thế giới. Trong năm qua, ngay cả khi đàm phán hậu Brexit chưa ngã ngũ, London đã tích cực tìm kiếm các thỏa thuận tự do thương mại mới và từng “đánh tiếng” về việc xem xét gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Sau khi Anh đạt được thỏa thuận thương mại hậu Brexit với EU cách đây ít hôm, Bộ trưởng Ngoại giao nước này Dominic Raab trong bài viết trên tờ The Telegraph cho biết, London đang theo đuổi các thỏa thuận thương mại với Australia, Mỹ và các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Theo đó, Thủ tướng Anh sẽ thăm Ấn Độ trong tháng 1-2021 nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế với “cường quốc về dân số” này. Trong khi đó, Bộ Thương mại Anh cũng vừa thông báo nước này và Thổ Nhĩ Kỳ ký thỏa thuận thương mại tự do. Tính đến ngày chính thức rời khỏi “mái nhà chung châu Âu” 1-1-2021, Anh đã ký thỏa thuận thương mại với 62 đối tác.
Nước Anh đã chính thức độc lập với “đại gia đình EU”. Với thỏa thuận thương mại lịch sử mà hai bên vừa đạt được tuần trước và sự chuẩn bị cho một thời kỳ mới, người dân Anh chắc chắn đang kỳ vọng “năm mới đổi vận” với những điều tốt đẹp hơn cho “xứ sở sương mù”.