Ngược thượng nguồn

Trầm tích bên dòng Ka Long

Con người nương theo những dòng sông để sinh tồn, để dựng làng lập ấp, để giao thương đi lại, để chia vùng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia. Dòng sông vì thế mà trở thành biểu tượng vô cùng đẹp đẽ và quan trọng trong tâm thức của mỗi người khi nhắc nhớ về nơi họ sinh ra, nơi họ đang sống hoặc đã đi qua. Ka Long cũng là một dòng sông như thế.

Cầu Hòa Bình trên sông Ka Long. Ảnh: ALEX LONG
Cầu Hòa Bình trên sông Ka Long. Ảnh: ALEX LONG

Tháng năm đi qua, dòng sông ở đó

Ở bất cứ quốc gia hay vùng lãnh thổ nào trên trái đất này, khi nhắc đến địa danh được coi là khởi nguồn cho không gian sống của mỗi cộng đồng dân cư, người ta thường gọi tên những dòng sông hiện hữu ở vùng đất đó. Sông là nguồn sống thiết yếu của con người, là chứng nhân của lịch sử, là cội nguồn văn minh. 

Do dòng chảy cũng như hành trình đặc biệt của mình, sông Ka Long được gọi là dòng sông biên giới. Toàn bộ đoạn sông Ka Long - Bắc Luân tạo thành đường biên giới Việt - Trung dài tổng cộng chừng 60km. Bởi thế, có thể coi đây là đường biên giới tự nhiên bằng sông dài nhất Việt Nam.

Cho đến nay, để phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ lãnh thổ, giữ vững chủ quyền đất nước, Đảng bộ, chính quyền, quân dân các dân tộc Móng Cái huyện Hà Hải, huyện Bình Liêu vẫn ngày đêm tuần tra, kiểm soát nỗ lực bảo vệ dòng sông, giữ nguyên hiện trạng ranh giới, để các cột mốc biên cương luôn vững chãi. Nơi đây có cột mốc 1378 - cột mốc duy nhất nằm giữa sóng nước mênh mông - trên hòn Dậu Gót nơi cửa sông đổ ra biển. 

Móng Cái là cửa ngõ phên dậu vùng Đông Bắc Tổ quốc, lịch sử Móng Cái gắn liền với lịch sử dân tộc từ thời Hùng Vương dựng nước. Sông Thác Mang thuở ấy (chính là sông Ka Long bây giờ) đã chứng kiến những trận đánh và chiến thắng oanh liệt trong lịch sử. Tiêu biểu phải kể đến trận Mũi Ngọc trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông ở thế kỷ 13, diễn ra ngay tại cửa Vạn Ninh, nơi sông Thác Mang đổ ra biển... 

Trong thời kỳ cách mạng, dòng Ka Long đã chứng kiến những chuyến đò bí mật lặng lẽ chở cán bộ cách mạng đi lại, hoạt động trên khắp địa bàn Móng Cái, trong các thôn xã nội thị rồi ra các đảo Vĩnh Thực, Trà Cổ cùng nhiều nơi khác khắp vùng Đông Bắc, những trận đánh du kích dựa vào con nước lên xuống vẫn được nhân dân truyền miệng.

Trầm tích bên dòng Ka Long -0
 Cầu Ka Long. Ảnh: ALEX LONG

Và những trầm tích văn hóa

Không chỉ là nhân chứng của lịch sử và quá trình phát triển của vùng đất, con người Móng Cái, gắn với dòng sông Ka Long còn là những di chỉ, những trầm tích văn hóa từ ngàn xưa. Ai đó đã từng nói rằng: Dòng sông chảy đến đâu, sự sống sẽ sinh sôi đến đó. Những con sông có mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết với việc hình thành, kiến tạo các nền văn hóa, văn minh. 

Sông Ka Long cũng vậy, ở lưu vực của nó có một vùng đất cổ gắn với sự phát triển loài người từ những buổi sơ khai, ấy là Vạn Ninh. Nơi đó, người ta đã tìm thấy những di chỉ tiêu biểu cho nền văn hóa thời kỳ hậu đồ đá mới, gọi là “Nền văn hóa Hạ Long” ở Gò Thoi Giếng, Gò Ông Tổng, Dốc Bà Mừng. Những dấu hiệu ấy khẳng định từ thời tiền sử cách đây 5-6 nghìn năm, người Việt cổ đã xuất hiện và sinh sống tại nơi này.

Những dấu tích còn lại được khai quật tại khu vực cánh đồng Ngà còn cho phép các nhà nghiên cứu kết luận chắc chắn rằng: Vạn Ninh đã từng là một trung tâm sản xuất gốm sứ lớn, tồn tại liên tục trong nhiều năm. Dọc theo sông Ka Long, nhiều nơi trên địa bàn Móng Cái trước đây cũng từng có những cơ sở sản xuất gốm sứ, thời kỳ hoàng kim nhất phát triển thành một nhà máy và nhiều lò sản xuất thủ công, khiến Móng Cái được coi là một trung tâm gốm sứ của đất nước với nhiều sản phẩm mang những đặc trưng riêng, ẩn chứa nhiều thông điệp quý giá từ quá khứ. Thăng trầm của lịch sử khiến những lò gốm không còn nữa. Bây giờ người ta không còn thấy sản phẩm gốm sứ Móng Cái xuất hiện trên thị trường. May ra, dưới lòng sông Ka Long hiền hòa và sâu lắng kia có còn chút gì được lưu giữ chăng?

Mặc cho những biến thiên của thời gian, những vật đổi sao dời và bao thăng trầm của cuộc sống, dòng Ka Long vẫn mải miết trôi, vẫn cần mẫn bồi đắp phù sa cho ruộng nương đôi bờ  xanh mướt, cho phố thị ngày càng trù phú, sung túc, đông vui. Khi Móng Cái trở thành một thành phố cửa khẩu quốc tế sầm uất, dòng Ka Long trở thành con đường nội thủy huyết mạch giữa lòng đô thị, ngày ngày tấp nập đò máy chở đầy hàng hóa ngược xuôi. Khi con người bị cuốn vào cái mải mốt, hối hả của cuộc mưu sinh trên sông, Ka Long như người mẹ cần mẫn và tận tụy, cứ lặng lẽ vắt kiệt sức mình chẳng kể ngày đêm. Nhưng những khi nhịp sống đôi bờ bình lắng, ta lại thấy Ka Long đẹp dịu dàng và xanh trong, mơn mởn như cô gái đương tuổi xuân thì, thảnh thơi lững lờ trôi, mặc phố xá và những cây cầu cong cong soi bóng lung linh trên mặt nước. 

Tất cả những điều đặc biệt ấy chính là lý do vì sao người Móng Cái yêu và tự hào về Ka Long đến thế. Đó cũng là lý do để bất cứ ai đến với thành phố biên cương này đều không thể không đến với dòng sông. Đến để tận mắt thấy và hiểu hơn sứ mệnh thiêng liêng cao cả đặc biệt của nó, đến để lắng mình bên triền sông, đứng trên những cây cầu và tận hưởng cảm giác bình yên, cảm nhận dòng Ka Long xanh đẹp đến nhường nào!