Tuy nhiên, sinh đẻ cũng là một biến cố lớn ảnh hưởng rất nhiều đến thể chất, tâm lý của người phụ nữ sau sinh, trong đó có trầm cảm sau sinh.
Trầm cảm sau sinh không phải là một vấn đề sức khỏe mới nổi. Nó đã được ghi nhận từ lâu trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tỷ lệ trầm cảm sau sinh ở các nước đang phát triển chiếm từ 15-20%. Theo CCHIP (Trung tâm Sáng kiến sức khỏe và dân số), một nghiên cứu mới đây cho biết, ở Việt Nam cứ bốn phụ nữ thì một người có thể bị trầm cảm hoặc mắc các chứng rối loạn tâm thần trong vòng một năm sau khi sinh con. Mặc dù y học đã có những bước tiến đáng kể và sự quan tâm của bản thân người phụ nữ, gia đình, cộng đồng và truyền thông đã tăng lên nên trong thời gian qua, trầm cảm sau sinh được phát hiện và công bố nhiều hơn, nhưng để giảm bớt những chuyện đau lòng thì vẫn cần nâng cao nhận thức của cả xã hội.
Nếu chúng ta hiểu bạo lực gia đình, một số phong tục, tập quán truyền thống chính là nguyên nhân quan trọng nhất làm tăng nguy cơ trầm cảm, thì có thể hạn chế được các hậu quả nghiêm trọng về tinh thần, thể chất với phụ nữ và trẻ sơ sinh. Hãy quan tâm đến người phụ nữ trong cả thời kỳ mang thai đến sau khi sinh 12 tháng. Trầm cảm không được xử trí và hỗ trợ sớm để cải thiện có thể dẫn đến những tình trạng không tốt cho người phụ nữ và đứa trẻ như: Chuyển sang loạn thần sau sinh (WHO cho rằng 1/500 bà mẹ có loạn thần sau sinh); tự tử ở phụ nữ trầm cảm sau sinh; giết con do loạn thần sau sinh (ở Mỹ, tỷ lệ mẹ bị loạn thần giết con (từ sơ sinh đến 1 tuổi) được thống kê là 8/ 100.000).
Hiểu và yêu thương nhiều hơn vẫn là cách tốt nhất để giảm bớt những vụ việc đau lòng.