Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, với chủ trương nhất quán, xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam và là nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng và Nhà nước hết sức quan tâm. Trong đó, hoạt động dạy tiếng Việt và truyền bá văn hóa dân tộc cho người Việt Nam ở nước ngoài là nhiệm vụ chính trị, trọng tâm của Bộ GD&ĐT. Với thông điệp “Tôn vinh vẻ đẹp tiếng Việt - Tự hào kết nối Việt Nam”, cuộc thi được tổ chức với mục đích đẩy mạnh việc dạy và học tiếng Việt cho các thế hệ người Việt Nam ở nước ngoài một cách thiết thực, hiệu quả, nhằm giữ gìn, củng cố và phát triển ngôn ngữ, bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Qua đó, khơi dậy và phát huy tinh thần hướng về quê hương, đất nước, góp phần quảng bá tiếng Việt và văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Không chỉ dừng lại ở lễ trao giải, cuộc thi sẽ là một hành trình tiếp nối lâu dài, có sự lan tỏa, cộng hưởng trong các cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài cũng như trong các cộng đồng nghiên cứu, đào tạo và giảng dạy tiếng Việt, văn hóa Việt Nam ở trong và ngoài nước nhằm gìn giữ, phát huy tiếng nói và bản sắc văn hóa dân tộc.
Khẳng định chữ viết và tiếng nói là của cải, tài sản vô cùng quan trọng và quý giá của bất cứ dân tộc nào trên thế giới và mỗi người Việt Nam đều có trách nhiệm giữ gìn và làm giàu có tiếng Việt, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cho biết, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có 5,3 triệu người sinh sống ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Dù ở bất kỳ đâu, ra đi vì bất kỳ lý do nào, tất cả đều có lòng tự hào, tự tôn dân tộc, luôn hướng về quê hương và ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn tiếng Việt, cũng như duy trì bản sắc văn hóa truyền thống.
Là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, thời gian qua, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài đã phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT chủ động hỗ trợ trong việc dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng kiều bào dưới nhiều hình thức như hỗ trợ xây dựng trường, lớp, cung cấp sách giáo khoa, tài liệu dụng cụ học tập, hỗ trợ máy tính, cấp học bổng cho con em kiều bào về học tại Việt Nam. Tổ chức chương trình Trại hè cho thanh niên, sinh viên kiều bào về nước tham gia tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc và trau dồi sử dụng tiếng Việt. Từ năm 2013, Ủy ban cũng đã phối hợp với Bộ GD&ĐT tổ chức các khóa tập huấn nghiệp vụ sư phạm cho gần 300 giáo viên kiều bào trở thành nòng cốt trong phong trào dạy và học tiếng Việt ở nhiều nước.
Với giá trị, ý nghĩa sâu sắc cùng hành trình truyền thông mạnh mẽ, Ban tổ chức mong muốn cuộc thi sẽ mang đến những bộ sách, tài liệu dạy và học tiếng Việt phù hợp với đặc thù của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tại từng địa bàn. Thông qua những sản phẩm tốt nhất, sáng tạo nhất được tuyển chọn sẽ từng bước giúp bà con kiều bào ở khắp năm châu duy trì được ngôn ngữ yêu thương của quê hương.
Cuộc thi diễn ra từ tháng 9-2020 đến tháng 4-2021. Các sản phẩm dự thi là sách, tài liệu, bản thảo hoàn thiện dưới dạng viết hoặc phần mềm điện tử được viết cho từng bậc năng lực tiếng Việt phù hợp mục tiêu trong “Chương trình tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài” do Bộ GD&ĐT ban hành. Ban tổ chức khuyến khích các sản phẩm được thực hiện có ứng dụng công nghệ thông tin, giảng dạy theo hình thức trực tuyến hoặc kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Sản phẩm dự thi đoạt giải sẽ được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ GD&ĐT, website của cuộc thi tại địa chỉ thivietsachtv.moet.gov.vn. Các tác phẩm xuất sắc có thể được tuyển chọn, in ấn hoặc số hóa.