Sơn tra, hay còn có cái tên dân dã hơn là táo mèo, thường được biết đến như một hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Xã Ngọc Chiến có gần 1.300ha sơn tra, tập trung ở các bản Đông Xuông, bản Phày, bản Lướt, Nậm Nghiệp... Trong đó, Nậm Nghiệp có diện tích sơn tra chiếm gần một nửa và cũng là bản nằm cao nhất (trung bình 2.200m so mực nước biển). Khí hậu mát mẻ, trong lành cùng những rừng sơn tra sum suê khiến Nậm Nghiệp được ví như miền cổ tích. Mỗi năm, ở đây có hai mùa thu hút du khách tìm đến là mùa hoa nở (từ cuối tháng 2 đến đầu tháng 4) và mùa thu hoạch quả chín (tháng 9, 10).
Ở Nậm Nghiệp, đứng ở vị trí nào cũng dễ dàng thu vào tầm mắt những vạt đồi trắng muốt sắc sơn tra. Hầu như trước cửa nhà nào cũng có một hoặc vài cây sơn tra bung hoa trắng như bông, rung rinh lãng mạn trong gió. Sơn tra là loài cây thân gỗ mọc thẳng, nhiều cổ thụ sống vài trăm năm có thể đạt kích thước vòng thân tới vài người ôm. Hoa sơn tra nở rộ đồng loạt và chỉ nở khi lá cây đã rụng hết, nên trong mùa hoa sẽ gần như chỉ thấy mầu trắng lung linh, không lẫn mầu xanh lục. Nếu đến gần và nhìn kỹ, hoa sơn tra khá giống hoa mận nhưng cánh hoa trắng ngà và nhụy nâu sẫm hơn. Hoa cũng có mùi thơm dù chỉ thoang thoảng rất nhẹ.
Các cư dân người H’Mông ở Nậm Nghiệp từ nhiều đời nay đã biết thu hoạch quả sơn tra để làm dược liệu, ngâm rượu, làm mứt. Từ chỗ mọc tự nhiên, sơn tra trở thành loài cây được trồng và có giá trị kinh tế. Và giờ đây, sơn tra còn mang đến cơ hội phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Người dân địa phương dần biết làm homestay, dịch vụ cắm trại, ăn uống, đưa khách tham quan rừng sơn tra và các điểm du lịch lân cận như tắm suối khoáng nóng bản Lướt, leo đỉnh núi Tà Chì Nhù (cao thứ 7 ở Việt Nam)...