Tìm kiếm đồng thuận

Xung đột tại dải Gaza chiếm phần lớn thời lượng thảo luận tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7), diễn ra tại Nhật Bản. Bạo lực leo thang đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người và có nguy cơ lan rộng, song việc tìm tiếng nói chung của G7 vẫn không dễ dàng.
0:00 / 0:00
0:00
Biếm họa: MARIAN KAMENSKY
Biếm họa: MARIAN KAMENSKY

Diễn ra tại Tokyo trong hai ngày 7 và 8/11, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao G7 là cuộc thảo luận thứ hai của các Bộ trưởng G7 tại Nhật Bản trong năm nay và là lần đầu kể từ khi xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas kiểm soát dải Gaza bùng nổ ngày 7/10 vừa qua. Ngoài căng thẳng ở Trung Đông, hội nghị còn bàn thảo một loạt vấn đề khác như xung đột tại Ukraine, diễn biến mới ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, vấn đề tên lửa và hạt nhân Triều Tiên, hợp tác giữa G7 với khu vực Trung Á...

Hội nghị khai mạc đúng ngày cuộc xung đột Israel-Hamas bước sang tháng thứ hai mà chưa có dấu hiệu lắng dịu. Mục tiêu cấp thiết về một lệnh ngừng bắn, ít nhất là vì mục đích nhân đạo, vẫn chưa đạt được. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 7/11 tuyên bố rằng, lệnh ngừng bắn chưa thể có trước khi Hamas thả 240 con tin ở Gaza. Cơ quan y tế ở dải Gaza xác nhận số người chết do xung đột đã vượt 10.000 người. Phía Israel cũng thông báo con số khoảng 1.400 người nước này thiệt mạng.

Phát biểu ý kiến tại họp báo trước thềm hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoko Kamikawa cho biết, cam kết của G7 ủng hộ Ukraine và tiếp tục các biện pháp trừng phạt Nga không hề dao động, ngay cả trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông. Tại cuộc gặp người đồng cấp Nhật Bản, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken cũng nhấn mạnh, sự ủng hộ lâu dài đối với Ukraine vẫn là đề mục quan trọng trong chương trình nghị sự của G7. Thực tế, G7 nhanh chóng thống nhất quan điểm trong vấn đề Ukraine ngay khi xung đột nổ ra hồi tháng 2/2022, G7 đã đi đầu ủng hộ Kiev và áp lệnh trừng phạt Moscow.

Tuy nhiên, việc tìm đồng thuận trong phản ứng trước xung đột Israel-Hamas lại không dễ như trong vấn đề Ukraine. Kể từ khi xung đột nổ ra đến trước Hội nghị tại Tokyo, G7 mới đưa ra một tuyên bố chung, song ngắn gọn. Các thành viên G7 có phản ứng riêng, thể hiện quan điểm về các vấn đề khác nhau, như kêu gọi ngừng bắn, tăng viện trợ nhân đạo hay thúc đẩy giải pháp hai nhà nước. Sự chia rẽ của G7 thể hiện rõ tại LHQ, khi trong cuộc bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an LHQ ngày 26/10, chỉ Pháp ủng hộ nghị quyết kêu gọi ngừng bắn nhân đạo, trong khi Mỹ phản đối và các thành viên khác bỏ phiếu trắng.

Trên cương vị Chủ tịch G7 năm 2023, Nhật Bản theo đuổi cách tiếp cận thận trọng và rất vất vả trong vai trò điều phối phản ứng của các thành viên đối với cuộc xung đột tại Gaza. Các nước cũng phần nào chịu áp lực trước quan điểm ủng hộ của Mỹ dành cho Israel, đồng minh thân cận ở Trung Đông. Phát biểu ý kiến tại phiên khai mạc Hội nghị ở Tokyo, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken kêu gọi G7 “có tiếng nói rõ ràng” về cuộc xung đột Israel-Hamas. Ông Blinken nêu rõ, đây là thời khắc quan trọng để G7 đạt được thống nhất vững chắc và đưa ra quan điểm chung về tình hình hiện nay ở Gaza. Mục tiêu cấp thiết nhất G7 đang theo đuổi là một lệnh ngừng bắn và hoạt động viện trợ nhân đạo không bị cản trở.

Một tháng đã qua, song xung đột ở Gaza diễn biến ngày càng phức tạp và có nguy cơ lan rộng, đe dọa kích hoạt một cuộc khủng hoảng toàn khu vực Trung Đông. Xung đột cũng làm tăng thách thức nghiêm trọng đối với nền kinh tế thế giới vốn vẫn trong tình trạng bấp bênh sau đại dịch Covid-19 và chịu tác động từ khủng hoảng Ukraine. Đây cũng là vấn đề được các Bộ trưởng G7 thảo luận dịp này.

Chưa ước tính được thiệt hại đối với kinh tế toàn cầu, song các nền kinh tế khu vực có thể cảm nhận được ảnh hưởng tiêu cực của xung đột tại Gaza. Theo kịch bản lạc quan nhất khi giao tranh sớm hạ nhiệt, Ngân hàng Trung ương Israel vẫn hạ dự báo tăng trưởng kinh tế nước này từ 3% xuống 2,3% trong năm nay. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng cảnh báo rằng, các nền kinh tế khu vực dựa nhiều vào du lịch như Ai Cập, Lebanon hay Jordan, đã có thể xác định được tác động nghiêm trọng từ xung đột Israel-Hamas.