Tiếp tục gỡ khó cho thị trường bất động sản

Tuần qua, đề xuất của Bộ Xây dựng về gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và công bố của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho vay các dự án nhà ở bình dân đã trở thành tâm điểm chú ý của dư luận. Tuy vậy, để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản (BĐS) phát triển lành mạnh thì ngoài việc chờ đợi nguồn tín dụng ưu đãi nói trên, vẫn cần đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ về pháp lý và tái cơ cấu doanh nghiệp.
0:00 / 0:00
0:00
Cần đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ về pháp lý và tái cơ cấu thị trường bất động sản.
Cần đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ về pháp lý và tái cơ cấu thị trường bất động sản.

Kỳ vọng hai gói tín dụng ưu đãi

Hội nghị trực tuyến toàn quốc “Tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” do Thủ tướng Chính phủ chủ trì được tổ chức vào sáng 17/2. Tại Hội nghị, Bộ Xây dựng đề xuất Quốc hội, Chính phủ dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo phương thức tái cấp vốn. Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, 55.000 tỷ đồng sẽ cho chủ đầu tư vay, còn 55.000 tỷ đồng cho người dân mua nhà vay. Về hình thức, gói 110.000 tỷ đồng này giống gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội đã thực hiện trong giai đoạn 2013-2016.

Theo đánh giá, thị trường BĐS hiện nay có một số khó khăn tương đồng giai đoạn năm 2012-2013 như: tăng tồn kho nhà ở thương mại cao cấp, thiếu nhà ở xã hội và nhà ở bình dân, người dân khó tiếp cận nhà ở, nợ xấu tăng cao (chủ yếu là nợ xấu BĐS)…

Bởi vậy, gói 110.000 tỷ đồng nói trên được kỳ vọng sẽ thành công như gói 30.000 tỷ đồng trước đây, cụ thể là thu hút doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, làm tăng nguồn cung nhà ở, giảm áp lực tăng giá nhà, từ đó góp phần bình ổn thị trường BĐS và thúc đẩy các ngành kinh tế khác tăng trưởng.

Cũng tại hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đã họp với bốn ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) và các ngân hàng này đã thống nhất dành một gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng để cho doanh nghiệp BĐS và người mua nhà vay với lãi suất thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ. Thống đốc cho biết, nếu thời gian tới các ngân hàng khác cùng tham gia thì gói này có thể sẽ có giá trị lớn hơn.

Động thái nói trên cho thấy, cơ quan quản lý đang cố gắng “gạn” dư địa hạn hẹp còn lại của chính sách tín dụng để hỗ trợ thị trường BĐS.

Trao đổi ý kiến với PV, một số lãnh đạo doanh nghiệp BĐS bày tỏ tin tưởng rằng, hai gói tín dụng nếu được thực thi sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn về nguồn vốn, làm nguồn vốn đi được vào “điểm trũng” thị trường hiện nay là phân khúc nhà ở bình dân, giúp người có nhu cầu ở thật tăng cơ hội sở hữu nhà, từ đó giúp doanh nghiệp quay vòng được vốn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp e ngại thị trường chưa thể hấp thụ được ngay nguồn “vốn mồi” này do những rào cản cũng như độ trễ của chính sách.

Đây cũng là nhận định của TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. Trong một phát biểu mới đây, ông Lực nói rằng, gói tín dụng 110.000 tỷ đồng có thể có mức lãi suất hấp dẫn chỉ khoảng 4,5-5%/năm nhưng nằm trong Đề án tổng thể về phát triển nhà ở xã hội của Bộ Xây dựng (Đề án phát triển 1 triệu nhà ở xã hội từ nay đến năm 2030) do đó cần phải bàn thảo một thời gian nữa. Còn gói 120.000 tỷ đồng là chương trình cam kết của các ngân hàng, có thể áp dụng ngay, tuy nhiên lãi suất thấp hơn 1,5-2%/năm, so với mức lãi suất hiện tại thì vẫn ở mức trên dưới 10%/năm, do đó hiệu quả còn phụ thuộc khả năng hấp thụ của thị trường.

Tiếp tục gỡ khó cho thị trường bất động sản ảnh 1

Thị trường bất động sản hiện nay thiếu phân khúc nhà ở bình dân.

Cần tháo gỡ pháp lý và tái cơ cấu

Rất nhiều ý kiến cho rằng, sự khó khăn của thị trường BĐS hiện nay không chỉ đến từ tình trạng tắc nghẽn thanh khoản. Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) nói rằng: “Trong giai đoạn này, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về cơ chế”.

Cụ thể, Chủ tịch Novaland kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ pháp lý tận gốc cho các dự án của các doanh nghiệp trên cả nước, chấm dứt tình trạng ách tắc pháp lý đã diễn ra nhiều năm; đồng thời cho phép doanh nghiệp BĐS được giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ ngân hàng hai - ba năm để chờ thị trường phục hồi và hoàn thiện pháp lý dự án…

Chia sẻ ý kiến, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp để tháo gỡ vấn đề pháp lý về nguồn vốn cho doanh nghiệp BĐS vì trước sức ép gần 300.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong năm 2023, nếu một doanh nghiệp phát hành trái phiếu bị phá sản có thể kéo theo sự đổ vỡ hàng loạt trên thị trường BĐS.

Ông Hiếu đề nghị, bên ngoài các giải pháp trong dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65 như cho phép hai bên đàm phán gia hạn nợ, đổi trái phiếu lấy tài sản…, Chính phủ nên có chương trình hoãn nợ đối với tất cả trái phiếu BĐS đến hạn trong năm nay cho những doanh nghiệp có lịch sử phát hành trái phiếu tốt, huy động đúng quy định, sử dụng đúng mục đích.

Bên cạnh đó, nhà quản lý và các chuyên gia cũng cho rằng, giải pháp tái cơ cấu vẫn là giải pháp sống còn của doanh nghiệp BĐS hiện nay.

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, năm 2022 dư nợ tín dụng toàn bộ nền kinh tế tăng 14,17%; riêng BĐS tăng 24,2%, tỷ trọng dư nợ tín dụng BĐS trên tổng dư nợ của nền kinh tế ở mức khá cao là 21,6% và giá trị tuyệt đối là 2,58 triệu tỷ đồng.

Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, BĐS hiện nay khó khăn do đã tăng quá nóng trong giai đoạn 2020-2022, giá nhà đất đã tăng tới 60-70%/năm, từ đó dẫn đến lệch pha cung cầu, mất cân đối giữa các phân khúc, nhiều doanh nghiệp BĐS mở rộng quy mô ồ ạt bằng nguồn vốn đi vay, có doanh nghiệp phát hành trái phiếu gấp 47 lần vốn chủ sở hữu… “Do đó, gỡ khó cho thị trường bất động sản hiện nay phải bắt đầu từ bài toán tái cấu trúc thị trường, tái cấu trúc doanh nghiệp”, ông Thịnh nhấn mạnh.