Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Qua các kỳ họp, hội nghị gần đây, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã tiếp tục nhấn mạnh tinh thần kiên quyết, kiên trì và kiên định đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Mới đây nhất, đồng chí Tổng Bí thư đã có một số ý kiến quan trọng được dư luận xã hội quan tâm, và chắc chắn sẽ được tiếp tục hưởng ứng trong công cuộc đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.
0:00 / 0:00
0:00

Theo đó, công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được thêm nhiều kết quả từ trung ương tới địa phương. Ở các địa phương cấp tỉnh, thành phố, nhiều vụ sai phạm được đưa ra ánh sáng, được quần chúng nhân dân và dư luận quan tâm, hoan nghênh ủng hộ. Không khí đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đến nay cho thấy, tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trước kia đã được khắc phục. Điều đó cho thấy, định hướng đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta ngày càng nhận được những hưởng ứng tích cực, mạnh mẽ và sâu rộng hơn; công tác đấu tranh đã phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn giữa các cấp trung ương và địa phương, các cơ quan Đảng với chính quyền, giữa các cơ quan chức năng trong lĩnh vực điều tra, xét xử. Cùng với đó, càng đấu tranh, phối hợp, các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, các lực lượng chức năng càng rút ra được nhiều kinh nghiệm quý, phát huy, phát triển nhiều phương thức đấu tranh hiệu quả nhằm đối phó những thủ đoạn cũng hết sức tinh vi, lắt léo của các đối tượng tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất.

Đặc biệt, Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, đại ý, không sợ, không ngại một số dư luận tiêu cực hoặc quan điểm đâu đó “bàn lùi”, rằng nếu cứ đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực mạnh quá sẽ gây ảnh hưởng, làm chậm lại quá trình xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội. Mà thực tế, càng tích cực đấu tranh, kiên quyết loại bỏ những cái xấu, độc hại, ích kỷ; những hành vi cố tình sai phạm và cả mầm mống của sai phạm, thì công tác quản lý, điều hành công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế-xã hội càng thêm nghiêm ngắn, minh bạch; hoạt động của Đảng, Nhà nước, các địa phương càng được nhân dân đồng lòng ủng hộ. Đồng thời, đối với những trường hợp cán bộ sai phạm bị phát hiện, xử lý, các cơ quan chức năng cần có phương án thay thế nhân sự có phẩm chất, có năng lực một cách kịp thời, hợp lý.

Đây cũng chính là một vấn đề mấu chốt của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Các kết quả điều tra, xử lý đã chỉ ra những thiệt hại, tổn thất không nhỏ mà không ít đối tượng sai phạm đã gây ra cho Đảng, Nhà nước, nhân dân. Và nếu những sai phạm đó còn tiếp tục, các đối tượng cố ý làm trái còn chưa bị phát giác, thì những thiệt hại, tổn thất ấy sẽ còn nhân lên và lan rộng, hậu quả càng khó lường. Thực tế cũng cho thấy, khi một số đối tượng thậm chí có thể từng nắm vai trò chủ chốt ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa phương… bị pháp luật xử lý, thì những công tác, hoạt động của lĩnh vực, ngành nghề, địa phương đó không vì thế bị đình trệ, mà vẫn phải, vẫn được duy trì, tiếp tục vận hành, phát triển. Bởi đó là nhu cầu của thực tiễn đời sống, có liên quan đến việc lao động, sản xuất, làm ăn chính đáng của đông đảo quần chúng, người lao động thuộc các ngành nghề, địa phương, cũng như các tổ chức, doanh nghiệp, dịch vụ liên quan.

Vì vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh, phát hiện, xử lý các tổ chức, cá nhân sai phạm và bố trí nguồn nhân lực thay thế phù hợp, kịp thời là một chìa khóa quan trọng cho sự thành công của công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, làm trong sạch bộ máy và tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.