Sự kiện “thiên nga đen”
Thuật ngữ “thiên nga đen” thường được dùng để chỉ về sự kiện hiếm gặp, nhưng một khi đã xảy ra sẽ kéo theo tác động cực kỳ nghiêm trọng trong thị trường tài chính. Sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng Lehman Brothers năm 2008 được xem là một trong những sự kiện “thiên nga đen” nổi tiếng và nghiêm trọng nhất trong lịch sử thị trường tài chính truyền thống.
Sự sụp đổ của Terra, một dự án nền tảng blockchain (chuỗi khối) được Terraform Labs - một công ty ở Hàn Quốc phát triển, được đánh giá là sự kiện “thiên nga đen” đối với thị trường tiền mã hóa trong năm 2022. Theo CNBC, đồng tiền điện tử Luna của dự án Terra có thời điểm lọt vào tốp 10 đồng tiền mã hóa có vốn hóa thị trường lớn nhất. Giá một Luna từng chạm đỉnh khoảng 120 USD. Tuy nhiên vào tháng 5 vừa qua, đồng Luna bất ngờ tuột dốc và mất hơn 99% giá trị.
Nguyên nhân chính khiến Luna mất gần như toàn bộ giá trị là do việc đồng tiền thuật toán ổn định của dự án Terra có tên TerraUSD (thường được gọi là UST) bị tụt giá. Theo thiết kế ban đầu, UST luôn được duy trì mức giá ổn định bằng một USD và được xem là đồng tiền trung gian tốt để giao dịch loại đồng tiền mã hóa, đồng thời là “nơi trú ẩn” của các nhà đầu tư khi lo ngại thị trường sụt giảm. Tuy nhiên, chính đồng ổn định UST lại “mất phanh”, giảm hơn 99% giá trị.
Luna và UST sụp đổ khiến các nhà đầu tư nắm giữ hai đồng tiền mã hóa này thiệt hại hàng tỷ USD. Niềm tin vào thị trường sụt giảm khiến giá của các đồng tiền mã hóa cũng lao dốc theo. Theo dữ liệu của trang chuyên theo dõi tiền điện tử Coinmarketcap, tháng 6/2022, giá đồng điện tử bitcoin “thủng mốc” 20.000 USD, giảm mạnh so mốc đỉnh từng ghi nhận vào tháng 11/2021 là hơn 67.000 USD. Tổng vốn hóa toàn bộ thị trường tiền điện tử giảm xuống dưới mốc 1.000 tỷ USD, so đỉnh từng đạt được là hơn 3.000 tỷ USD.
Theo SBS News, giới chức Hàn Quốc đang có nhiều động thái quyết liệt để làm rõ sự cố chung quanh vụ sụp đổ của Luna và UST. Một đơn vị chuyên trách về tội phạm tài chính đã được giao nhiệm vụ điều tra vụ việc. Những người từng làm việc tại TerraForm Labs bị cấm xuất cảnh để phục vụ công tác điều tra.
Sau sự việc của Terra, nền tảng cho vay tiền điện tử lớn nhất thế giới Celsius (Mỹ) tạm dừng tất cả các hoạt động rút tiền, hoán đổi tiền và chuyển tiền giữa các tài khoản, càng làm dấy lên lo ngại về sự sụp đổ của thị trường tiền điện tử. Công ty quản lý tài sản Valkyrie Investments cho rằng, sự cố Celsius ngừng rút tiền và sự sụp đổ trước đó của Terra gây ra nỗi sợ hãi bao trùm và tạo ra sự thiếu tự tin trên thị trường.
Trong bối cảnh các loại tiền mã hóa lao dốc, những sàn giao dịch tiền điện tử hàng đầu là Coinbase và BlockFi ra thông báo sa thải hàng trăm nhân viên, tương đương 20% lực lượng lao động, để có thể duy trì hoạt động.
Áp lực từ nhiều phía
Bên cạnh sự sụp đổ của Terra, trong một bài phân tích, tạp chí TIME chỉ ra một số nguyên nhân ngắn hạn lẫn dài hạn gây ra tình trạng ảm đạm của tiền mã hóa trong thời gian gần đây.
Các nhà đầu tư tin tưởng rằng, Bitcoin và các loại tiền mã hóa không nằm dưới sự kiểm soát của bất kỳ tổ chức hay cơ quan nào nên sẽ giữ được giá trị ngay cả khi phải trải qua suy thoái kinh tế, chiến tranh hoặc những đợt thay đổi chính sách. Nhiều cá nhân và tổ chức xem tiền mã hóa là công cụ chống lạm phát để vượt qua những giai đoạn khủng hoảng.
Tuy nhiên, những sự kiện gần đây cho thấy rõ hơn mối liên kết giữa Bitcoin và thị trường tài chính nói chung. Bitcoin chịu áp lực từ quyết định thay đổi chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương để giảm tình trạng lạm phát. Sự biến động của thị trường chứng khoán thế giới, những tác động từ cuộc xung đột tại Ukraine, vấn đề lạm phát tại các nước, khó khăn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và sự leo thang của giá dầu… đều được xem là góp phần tạo nên những lần trồi sụt của giá Bitcoin và các loại tiền mã hóa khác. Việc Trung Quốc áp đặt các biện pháp phong tỏa chống Covid-19 cũng gây ảnh hưởng đến giá của Bitcoin.
Các động thái siết chặt quản lý và các vấn đề liên quan bảo mật cũng tác động lớn đến giá trị của tiền mã hóa. Giá Bitcoin dao động mạnh mỗi lần giới chức các nền kinh tế hàng đầu thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ… đưa ra các động thái mới liên quan việc quản lý tiền mã hóa. Năm 2021, giá Bitcoin từng có thời điểm giảm từ 65.000 USD xuống còn 35.000 USD, do nhiều nguyên nhân tác động, mà trong đó lý do chính được đánh giá là việc Trung Quốc siết chặt hoạt động khai thác Bitcoin. Giá của nhiều đồng tiền điện tử cũng từng chao đảo vì hàng loạt vụ tiến công mạng, khiến các nhà đầu tư hoặc những người đang có ý định tham gia vào thị trường tài chính này mất dần niềm tin.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) khuyến cáo không nên xem tiền kỹ thuật số là một kênh phòng ngừa rủi ro biến động thị trường vì đồng tiền này hiện diễn biến theo thị trường chứng khoán, làm tăng nguy cơ lây lan ra khắp các thị trường tài chính.
Theo các chuyên gia kinh tế, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, các loại tiền kỹ thuật số, trong đó có hai đồng tiền có vốn hóa thị trường lớn nhất là Bitcoin và Ethereum hầu như không có tương quan với thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, tính thanh khoản cao do các biện pháp ứng phó của hệ thống ngân hàng trung ương với đại dịch và mức độ chấp nhận rủi ro của giới đầu tư gia tăng, khiến các đồng tiền kỹ thuật số và giá cổ phiếu cùng tăng.
Giới chuyên gia dẫn các phân tích cho thấy hiệu ứng lan tỏa giữa tiền kỹ thuật số và chứng khoán có xu hướng tăng lên trong những thời kỳ biến động trên thị trường tài chính. Mối liên hệ giữa thị trường chứng khoán và thị trường tiền kỹ thuật số tăng, khiến Bitcoin không còn được xem là một kênh phòng ngừa rủi ro trong thời kỳ thị trường biến động, như những người ủng hộ tiền kỹ thuật số vẫn ca ngợi. Thay vào đó, theo IMF, đồng tiền mã hóa này giờ đây lại là một tài sản rủi ro.
IMF nhận định, diễn biến đồng bộ của tiền kỹ thuật số và chứng khoán có thể sớm gây ra nhiều nguy cơ cho sự ổn định tài chính, đặc biệt ở những nước áp dụng tiền kỹ thuật số rộng rãi. Do đó, các chuyên gia kêu gọi xây dựng một khung quản lý toàn diện và phối hợp trên toàn cầu để định hướng cho các quy định và hoạt động giám sát ở phạm vi quốc gia, cũng như giảm thiểu các nguy cơ đối với sự ổn định tài chính xuất phát từ hệ sinh thái tiền kỹ thuật số.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) kêu gọi đặt ra quy định về tiền điện tử trên toàn cầu, vì giá trị số tài sản ảo này hiện đã lớn hơn giá trị các khoản vay thế chấp rủi ro từng gây ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007 và đang xuất hiện các dấu hiệu “bong bóng”. Theo ECB, các loại tiền điện tử như Bitcoin phần lớn nằm ngoài các quy định quản lý, song nhà chức trách ở nhiều quốc gia đang xem xét kỹ hơn mối đe dọa mà chúng có thể gây ra đối với các hệ thống tài chính do sự biến động và quy mô thị trường tiền ảo ngày càng lớn.
Fabio Panetta, một thành viên Ban Giám đốc ECB cho biết: “Chúng ta cần thực hiện các nỗ lực chung ở cấp độ toàn cầu để đưa các loại tiền điện tử vào tầm ngắm của luật pháp. Cần bảo đảm rằng chúng phải tuân theo các tiêu chuẩn phù hợp với những tiêu chuẩn áp dụng cho hệ thống tài chính”.
Các nước cũng đưa ra cảnh báo về sự rủi ro của các loại tiền ảo và khuyến nghị người dân không tham gia mua bán tiền ảo, bởi các nhà đầu tư sẽ không được Nhà nước bảo vệ trước những rủi ro, tổn thất nếu xảy ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã chủ động nghiên cứu về sự phát triển của tiền kỹ thuật số từ sớm, đồng thời đẩy mạnh các đề án hoàn thiện khung pháp lý để quản lý các loại tài sản số. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẳng định, Bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác không phải là tiền tệ hợp pháp và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Theo đó, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.