Niger trở thành “tâm bão” khủng hoảng chính trị khi các binh sĩ lật đổ Tổng thống dân bầu Mohamed Bazoum và giam giữ ông trong Dinh Tổng thống, đồng thời đóng cửa biên giới và ban bố lệnh giới nghiêm toàn quốc vào những ngày cuối tháng 7 vừa qua. Sau đó, Tướng Abdourahamane Tchiani, người đứng đầu Lực lượng Bảo vệ Tổng thống từ năm 2011, tuyên bố là nhà lãnh đạo mới của quốc gia châu Phi bất ổn này và cảnh báo rằng, bất kỳ sự can thiệp quân sự nào của nước ngoài sẽ dẫn đến tình trạng hỗn loạn.
Bất ổn leo thang tại Niger khiến ECOWAS đặt ra tối hậu thư yêu cầu chính quyền quân sự Niger khôi phục chức vụ cho Tổng thống bị lật đổ Bazoum trước ngày 6/8. Trước đó, ECOWAS đã cử một phái đoàn tới Thủ đô Niamev nhằm tìm kiếm một giải pháp hòa bình, song thất bại khi chính quyền quân sự từ chối gặp. Sau khi các nỗ lực trung gian hòa giải không thành công, ECOWAS đe dọa sẽ có hành động quân sự tại Niger. Trong tuyên bố sau cuộc họp kéo dài ba ngày tại Thủ đô Abuja của Nigeria, Ủy viên ECOWAS phụ trách chính trị, hòa bình và an ninh Abdel-Fatau Musah nêu rõ: Các nước thành viên đã làm rõ tất cả các yếu tố cho một cuộc can thiệp quân sự, trong đó có các nguồn lực cần thiết, cách thức và thời điểm triển khai lực lượng.
Căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi đúng vào thời hạn chót, chính quyền quân sự Niger tuyên bố đóng cửa không phận của quốc gia Tây Phi, đồng thời cảnh báo rằng, bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm phạm không phận nước này sẽ gặp phải sự đáp trả mạnh mẽ và lập tức. Lý do giải thích cho quyết định này là mối đe dọa can thiệp quân sự từ ECOWAS.
Tuy nhiên, ngay trong lòng “lục địa đen” cũng có những chia rẽ về quyết định can thiệp quân sự tại Niger. Tổng thống Nigeria Bola Tinubu cho biết, chính phủ của ông đã sẵn sàng cho mọi lựa chọn, trong đó có cả việc triển khai quân đội. Senegal cũng cho biết, có thể sẽ triển khai quân. Trong khi đó, nước láng giềng Chad khẳng định sẽ không can thiệp quân sự, đồng thời kêu gọi các bên tại Niger tiếp tục đối thoại. Tổng thống CH Chad Idriss Deby đã tham gia các nỗ lực trung gian hòa giải của ECOWAS tại Niger, dù không phải thành viên khối này. Chính quyền quân sự ở hai nước láng giềng Mali và Burkina Faso tuyên bố coi bất kỳ hành động can thiệp quân sự nào nhằm chống lại chính quyền quân sự Niger sẽ bị coi là “lời tuyên chiến” với hai nước.
Căng thẳng leo thang giữa ECOWAS và Niger khiến Đức đã kêu gọi ECOWAS lùi hạn chót cho chính quyền quân sự Niger khôi phục quyền lực của Tổng thống Mohamed Bazoum. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Đức khẳng định ủng hộ giải pháp ngoại giao của ECOWAS, đồng thời nhấn mạnh ưu tiên giải pháp thay thế các hình thức can thiệp quân sự. Trước đó, Bộ trưởng Ngoại giao Italy Antonio Tajani cũng bày tỏ quan điểm tương tự. Với mong muốn giải quyết bất đồng bằng giải pháp hòa bình, ngày 7/8, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland đã có cuộc gặp giới tướng lĩnh quân sự của Niger. Tuy nhiên, yêu cầu do bà Nuland đưa ra về việc gặp Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum và lãnh đạo chính quyền quân sự, Tướng Abdourahamane Tiani, đều không được chấp thuận.
Niger là quốc gia giàu trữ lượng uranium và dầu mỏ, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS). Bên cạnh đó, quốc gia này cũng đóng vai trò địa chiến lược đối với các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Trung Quốc và Nga. Sự leo thang căng thẳng giữa Niger với ECOWAS đang làm trầm trọng hơn tình trạng bất ổn tại khu vực nghèo nhất thế giới này. Do vậy, việc tháo ngòi nổ căng thẳng tại Niger là nhiệm vụ khẩn cấp hiện nay để tránh cho “lục địa đen” không rơi vào cảnh “nồi da xáo thịt”. Hội nghị ngày 10/8/2023 của ECOWAS để thảo luận về cuộc khủng hoảng tại Niger được kỳ vọng sẽ tìm ra giải pháp hòa bình để ổn định tình hình khu vực Tây Phi.