Thực thi pháp luật trên không gian mạng

Công nghệ đang có tác động ngày càng lớn trong lĩnh vực an ninh. Nhiều hoạt động của các tổ chức tội phạm đang áp dụng những công nghệ mới, buộc các cơ quan thực thi pháp luật như Cơ quan Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol), Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol)… phải đổi mới công nghệ, tổ chức hoạt động tác chiến chống tội phạm trên không gian mạng.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thử nghiệm truy cập không gian an ninh trong Metaverse của Interpol. Ảnh: AFP
Các đại biểu thử nghiệm truy cập không gian an ninh trong Metaverse của Interpol. Ảnh: AFP

Chiến dịch xóa sổ “chợ đen” trên internet

Theo CNN, Europol - một trong những chiến dịch tác chiến trên không gian mạng lớn nhất năm 2022 là vụ đánh sập “chợ đen” Hydra trên internet. Vào tháng 4, Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức (BKA) đã triển khai Chiến dịch hợp tác với cảnh sát Mỹ và Europol triệt phá diễn đàn tội phạm mạng lớn nhất thế giới có tên Hydra với khoảng 17 triệu người dùng, có doanh thu năm 2020 ước tính hơn 1,23 tỷ euro. BKA đã đóng cửa toàn bộ cơ sở hạ tầng tội phạm, thu giữ hơn 50 máy chủ với 1,9 petabyte dữ liệu. Giao diện của Hydra cũng đã bị thay đổi thành thông báo của nhà chức trách Đức. Theo thông báo của BKA, diễn đàn tội phạm mạng Hydra bắt đầu bị nhà chức trách Đức điều tra từ hồi tháng 8/2021 liên quan hàng loạt giao dịch tài chính bất hợp pháp của các nhóm tội phạm mạng trên các kênh thương mại điện tử.

The Guardian dẫn một thông cáo báo chí của BKA cho biết, Hydra là thị trường bất hợp pháp với doanh thu cao nhất trên toàn thế giới. Đặc biệt, dịch vụ mua bán tiền ảo Bitcoin Bank Mixer thuộc nền tảng này đã làm xáo trộn các giao dịch kỹ thuật số và gây trở ngại cho quá trình điều tra về tiền điện tử của các cơ quan thực thi pháp luật. Chiến dịch của BKA đã giúp thu giữ số tiền điện tử bitcoin trị giá khoảng 25 triệu USD. Hoạt động từ năm 2015, diễn đàn tội phạm mạng Hydra chủ yếu được biết đến là nơi giao dịch buôn bán trái phép chất ma túy, tạo điều kiện cho việc mua bán thẻ tín dụng, thẻ SIM, tài liệu giả, phần mềm độc hại, căn cước công dân hay các thông tin đăng nhập bị tin tặc (hacker) đánh cắp…

Diễn đàn tội phạm mạng này hoạt động trên nền tảng web bí mật darknet, nơi tập hợp của các trang web không thể truy cập từ công cụ tìm kiếm hay trình duyệt thông thường. Darknet bao gồm các trang web được thiết lập để ngăn chặn Google và các công cụ tìm kiếm khác lập chỉ mục chúng trên internet; có thể là trang web cá nhân, mạng ngang hàng, các mạng nội bộ được mã hóa. BKA đánh giá, tội phạm mạng sử dụng nền tảng darknet ngày càng tăng mạnh, nhiều hoạt động mua bán trái phép, rửa tiền và làm xáo trộn các giao dịch kỹ thuật số đã diễn ra tại đây.

Nghiên cứu của giới chuyên gia an ninh mạng công bố năm 2021 cho thấy, hoạt động của “chợ đen” Hydra “đang trên một quỹ đạo tăng trưởng bùng nổ”, với trị giá tổng khối lượng giao dịch tăng từ 9,40 triệu USD trong năm 2016 lên đến 1,23 tỷ USD vào cuối năm 2020. Tính đến trước khi bị đánh sập vào tháng 4 vừa qua, thị trường Darknet có 17 triệu người dùng. Một trong những lý do dẫn đến sự tăng trưởng này là do tội phạm mạng chuyển sang Hydra sau khi mạng đối thủ Ramp cạnh tranh trên thị trường web “đen” bị cơ quan thực thi pháp luật Nga đóng cửa vào tháng 7/2017.

Trước đó, vào năm 2013, lực lượng an ninh đã triệt phá nền tảng darknet “Con đường tơ lụa” và “Con đường tơ lụa 2” vào năm 2014. Động thái này là một phần của hoạt động chung được gọi là “Chiến dịch Onymous”, bắt nguồn từ sự hợp tác giữa Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI), Europol và một số cơ quan cảnh sát khác. Những hoạt động này cho thấy các quốc gia đã tăng cường nỗ lực và hợp tác quốc tế để giải quyết các “chợ đen” khổng lồ trên không gian mạng. Chuyên gia an ninh mạng Der-Yeghiayan, cựu đặc vụ của Bộ An ninh nội địa Mỹ từng tham gia các vụ điều tra đánh sập các thị trường darknet trên cho rằng, tội phạm mạng luôn có xu hướng chuyển sang một nền tảng thị trường khác khi nền tảng cũ bị đánh sập.

Thực thi pháp luật trên không gian mạng ảnh 1

Nền tảng darknet là nơi tội phạm thực hiện những hoạt động vi phạm pháp luật. Ảnh: DNAINDIA

Ứng dụng công nghệ trong thực thi pháp luật

AP dẫn Báo cáo xu hướng tội phạm toàn cầu của Interpol cho thấy, tội phạm ngày càng di chuyển các hoạt động trái phép sang không gian trực tuyến khi tốc độ số hóa ngày càng tăng. Lĩnh vực chống tội phạm kỹ thuật số gần như không có biên giới và vì vậy, thực thi pháp luật cần phát huy hợp tác quốc tế và đổi mới công nghệ cũng như phương pháp tiếp cận.

Tại phiên họp của Đại hội đồng Interpol lần thứ 90 tổ chức ở New Delhi (Ấn Độ) ngày 20/10 vừa qua, tổ chức cảnh sát toàn cầu đã công bố lực lượng an ninh đầu tiên trên thế giới chuyên hoạt động trong vũ trụ ảo (Metaverse). Theo thông cáo báo chí của Interpol, cảnh sát Metaverse “được thiết kế đặc biệt cho việc thực thi pháp luật trên toàn bộ không gian mạng”. Cơ quan này cũng đã thông báo về việc thành lập Nhóm chuyên gia Metaverse nhằm bảo đảm an ninh cho các hoạt động trong thế giới ảo; hay trước đó là ra mắt Bộ công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) cho phép hỗ trợ cộng đồng thực thi pháp luật, đổi mới công nghệ để chống tội phạm mạng hiệu quả hơn.

Các chuyên gia an ninh nhận định rằng, Metaverse sẽ trở thành thế hệ tiếp theo trong quá trình phát triển của internet. Theo số liệu của công ty nghiên cứu công nghệ Gartner, đến năm 2026, cứ bốn người thì có một người dành ít nhất một giờ mỗi ngày trong Metaverse để làm việc, học tập, mua sắm và giao lưu. Vì vậy, tội phạm đã bắt đầu khai thác Metaverse và điều này đặt ra yêu cầu quản lý, bảo đảm an ninh ở Metaverse ngày càng tăng.

Hiện nay, Interpol cảnh báo các trò gian lận kỹ thuật số, bạo lực cực đoan và thông tin sai lệch là những thách thức nổi bật khi chống tội phạm ở Metaverse. Song, khi số lượng người dùng Metaverse tăng và công nghệ phát triển hơn, hoạt động tội phạm có thể hướng tới đánh cắp dữ liệu, rửa tiền, gian lận tài chính, hàng giả, tiến công mã độc, lừa đảo, quấy rối tình dục… Dù vậy, có nhiều hành vi đã được hình sự hóa ở thế giới thực nhưng lại chưa được coi là phạm tội khi thực hiện trong thế giới ảo. Điều này cũng đặt ra yêu cầu đối với các cơ quan an ninh cần nâng cao nhận thức cho chính người dùng internet cũng như với các nhân viên thực thi pháp luật.

Ông Madan Oberoi, Giám đốc cơ quan phụ trách công nghệ và đổi mới của Interpol cho biết: “Bằng cách xác định những nguy cơ tiềm ẩn trên Metaverse ngay từ đầu, chúng tôi có thể làm việc với các bên liên quan để định hình những khuôn khổ pháp lý cần thiết và chặn đứng các diễn đàn tội phạm mạng trong tương lai trước khi chúng hình thành và phát triển mạnh”.

Quan chức của Interpol cũng nhận định rằng, Metaverse mang lại nhiều lợi ích cho việc thực thi pháp luật, đặc biệt là về mặt làm việc từ xa, kết nối mạng, thu thập và bảo vệ bằng chứng vụ án hay đào tạo nhân lực. Mặc dù vậy, ông cũng khuyến cáo khi triển khai những công cụ mới này, lực lượng an ninh cần nhận thức đầy đủ vai trò và trách nhiệm của mình, bảo đảm tôn trọng các quyền cơ bản của người dân và tôn trọng việc bảo mật thông tin cá nhân là các yếu tố then chốt khi triển khai các biện pháp an ninh mạng.