1/ Trước tình hình dịch Covid-19 đe dọa thành phố, nhóm bạn học ngành Tự động hóa (Khoa điện, Đại học Bách khoa Đà Nẵng) đã nghĩ đến việc nghiên cứu và tạo ra một xe robot tự động nhằm hỗ trợ vận chuyển đồ dùng cho bệnh viện dã chiến hoặc khu cách ly. Mất gần tám tháng vừa tìm hiểu thực tế, vừa tự nghiên cứu và lắp ráp máy móc, Phan Thị Mai (2000), Nguyễn Văn Thuần và Nguyễn Đắc Quy (1999) mới hoàn thiện sản phẩm và đưa vào thử nghiệm tại Bệnh viện Hòa Vang.
Robot với sáu khay đựng hàng, trong đó có bốn khay di động ra vào, có thể leo lên dốc và có thiết bị cảm ứng để tự dừng lại khi chạm vào vật cản. Xe có thể mang được tải trọng thực phẩm cho một phòng cách ly 10 người, được điều khiển từ xa với khoảng cách 100 m. Bên cạnh đó, thiết bị còn có bốn camera lắp ở các góc để người điều khiển có thể theo dõi được đường đi và mọi vật chung quanh thông qua điện thoại.
Việc sử dụng thiết bị xe robot tự động hỗ trợ cho nhân viên y tế đã giúp giảm bớt việc tiếp xúc với người bệnh. Hằng ngày, những xe robot này có thể mang thức ăn, đồ dùng cá nhân, thuốc men và những dụng cụ khác đến tận giường người bệnh mà không phải điều động cán bộ y tế đến trực tiếp.
Chế tạo robot tự động không còn là đề tài mới, nhưng với nhóm ba người Mai, Thuần, Quy đây là sản phẩm do nhóm tự mày mò nghiên cứu. Trước đó, các bạn cũng đã thành công với việc tạo ra máy sát khuẩn tự động, hỗ trợ cho các đơn vị cần tới. Đề tài “Robot điều khiển từ xa cho khu cách ly” của nhóm là một trong hai giải nhất đã được trao tại cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng năm 2021”. Phan Thị Mai chia sẻ: “Cả nhóm đều có sở thích chung là tạo ra những máy móc thiết yếu để phục vụ cộng đồng. Vì vậy, giải thưởng giúp chúng em có thêm động lực, tự tin hơn với đam mê. Nhóm sẽ tiếp tục cải tiến để xe robot hướng tới tự động hóa hoàn toàn, lắp thêm hệ thống sát khuẩn tự động và có những sản phẩm kích cỡ nhỏ hơn để phù hợp với từng khu cách ly”.
2/ Sau 5 năm liên tục tổ chức, chỉ từ 350 đề tài vòng cơ sở, đến nay cuộc thi “Sinh viên nghiên cứu khoa học TP Đà Nẵng năm 2021” đã thu hút được hơn 500 đề tài của các tác giả, nhóm tác giả đến từ 16 trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tham dự. Cuộc thi đã trở thành một sân chơi để nhiều bạn trẻ hiện thực hóa những ý tưởng của mình.
Các đề tài cũng đa dạng với nhiều lĩnh vực từ y tế, du lịch đến giáo dục, kinh tế, khoa học-công nghệ, nông nghiệp, môi trường… Nhiều ý tưởng có tính ứng dụng cao và phù hợp với điều kiện thực tiễn như thiết kế và sử dụng đồ chơi nhằm phát triển giác quan cho trẻ; thực trạng nhận thức về trầm cảm của người cao tuổi; nghiên cứu, thiết kế và lắp ráp ô-tô điện sử dụng năng lượng mặt trời phục vụ du lịch; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chăm sóc sức khỏe…
Bên cạnh việc tư vấn chuyên môn, Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng và Thành đoàn Đà Nẵng đã ký cam kết cùng phối hợp tổ chức các cuộc thi sáng tạo khác nhằm phát huy năng lực của đoàn viên, thanh niên, sinh viên trong lĩnh vực khoa học công nghệ, khởi nghiệp.
Chương trình sẽ triển khai trong giai đoạn 2022-2025 với tổng kinh phí 5,4 tỷ đồng. Cùng với đó, hai đơn vị sẽ cùng nhau thực hiện các hoạt động như đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực về nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, kết nối ý tưởng với các doanh nghiệp có nhu cầu. Cùng xây dựng mô hình không gian làm việc chung, phục vụ các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp…
Ông Lê Đức Viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Đà Nẵng cho biết, đây là cố gắng và nỗ lực rất lớn từ hai phía để xây dựng một chương trình hợp tác có chiều sâu, bảo đảm nguồn lực để triển khai. Qua đó, góp phần tạo thêm cơ hội cho hơn 100.000 đoàn viên, thanh niên toàn thành phố trong lĩnh vực sáng tạo với phương châm mỗi đoàn viên là một cây sáng kiến, mỗi cơ sở đoàn là một vườn ươm sáng tạo.