Thủ đoạn biến hóa của tội phạm công nghệ

Cơ quan Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội mới phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao triệt phá đường dây liên quan các đối tượng hoạt động ở nước ngoài có hành vi chuyên lừa đảo người Việt Nam thông qua hệ thống các ứng dụng công nghệ. Đã có nhiều cảnh báo từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật cũng như cơ quan truyền thông về hiện tượng này, song cho tới thời điểm hiện tại, nhiều người vẫn đang có nguy cơ trở thành nạn nhân, dù rằng tội phạm sử dụng các chiêu thức không hề mới.
0:00 / 0:00
0:00
Bắt giữ đối tượng lừa đảo tại Campuchia.
Bắt giữ đối tượng lừa đảo tại Campuchia.

Chuyên án 063L

Thượng tá Đặng Ngọc Khánh, Trưởng phòng 9 (Phòng hướng dẫn điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (gọi tắt là Cục Cảnh sát hình sự - C02) cho biết: Trong quãng thời gian từ khoảng đầu tháng 3/2022, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp, với nhiều thủ đoạn hoạt động tinh vi như thông qua kêu gọi đầu tư trên các sàn chứng khoán, forex, tiền ảo, BO giả mạo; giả danh cơ quan điều tra, viện kiểm sát, nhân viên ngân hàng để lừa đảo. Đặc biệt là các đối tượng người nước ngoài câu kết với các đối tượng người Việt Nam hoạt động tại Campuchia sử dụng công nghệ cao để thực hiện lừa đảo thông qua hình thức tuyển cộng tác viên làm việc trực tuyến trên internet, dụ dỗ bị hại chuyển tiền đến các tài khoản ngân hàng để đặt mua đơn hàng trên các sàn thương mại điện tử giả mạo Shopee, Lazada... hoặc lập tài khoản trên trang Corona đặt cược đánh bạc bằng hình thức tài/xỉu để được hưởng hoa hồng. Các đối tượng này đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn, số bị hại lên tới hàng nghìn người.

Qua công tác nắm tình hình, Cục Cảnh sát hình sự đã phát hiện nhóm đối tượng người Việt Nam hoạt động trong một công ty trá hình do đối tượng người nước ngoài làm chủ đặt trụ sở tại Campuchia hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam với quy mô lớn. Sau khi tiếp nhận báo cáo, lãnh đạo Cục C02 giao cho Phòng 9 xác lập chuyên án 063L để áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, phối hợp với các đơn vị tiến hành xác minh, thu thập tài liệu để đấu tranh triệt phá đường dây tội phạm này.

Xác định các đối tượng đang hoạt động tại nước ngoài, những cán bộ của Phòng Trọng án (Cục C02) đã hợp tác với các đơn vị nghiệp vụ nước bạn bóc gỡ chuyên án. Dù hoạt động với cách tổ chức tinh vi và ẩn náu khá kín tại các cơ sở ở nước ngoài, nhưng hoạt động của những đối tượng trong đường dây trên đã nhanh chóng được đưa vào tầm ngắm của những trinh sát dày dạn kinh nghiệm.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cán bộ Cục C02 đã xác định, từ tháng 3/2022 đến tháng 1/2023, hai đối tượng người Trung Quốc thường gọi là “Lùn” và “Trắng” đã câu kết với đối tượng người Việt Nam thành lập công ty trá hình tại tỉnh Svayrieng, Campuchia (đầu tiên công ty này đặt ở khu Venus, tháng 10/2022 thì chuyển địa điểm sang khu King Crow cùng tỉnh) để sử dụng không gian mạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam. Hai đối tượng “Lùn” và “Trắng” đã sử dụng nhiều trang mạng xã hội để tuyển “quân” từ Việt Nam với mức lương 800USD/tháng và mức hoa hồng trên số tiền lừa đảo được của các bị hại. Đã có gần 100 người tham gia đường dây này và được hai đối tượng bố trí cho chỗ ăn ở trong cùng tòa nhà, cấp... tài liệu hướng dẫn cách lừa đảo cho những người tham gia (có kịch bản lừa đảo, lời thoại cho các tình huống...). Sau khi đào tạo các nhân viên trở nên “thạo việc”, “Lùn” và “Trắng” chia nhân viên theo nhiều tổ, nhóm để cùng nhau hoạt động lừa đảo.

Tìm khách, chăn khách...

Thông tin từ cơ quan chức năng cho biết, sau khi đã được “đào tạo” một cách bài bản: nhóm nhân viên telesale (chừng 20 đối tượng) sẽ gọi điện, nhắn tin qua Facebook để “tìm con mồi” bằng cách dụ các bị hại tham gia làm trực tuyến để được trả công từ 100.000 - 300.000 đồng/ngày, nếu bị hại đồng ý thì chuyển thông tin số điện thoại, tài khoản Facebook của bị hại cho các nhân viên sale (nhóm tiếp theo trong công đoạn lừa đảo).

Nhóm sale (khoảng 80 đối tượng) chia thành ba nhóm A, B, C, mỗi nhóm chia nhiều tổ (mỗi tổ có ba nhân viên quản lý một máy tính, một điện thoại gọi là máy 1, 2, 3). Hằng ngày, các nhóm trưởng giao việc cho nhân viên thực hiện “nhiệm vụ” lừa đảo. Nhân viên được chia nhiệm vụ rất cụ thể, nhân viên máy 1 tiếp nhận thông tin từ nhóm telesale rồi gọi điện nhắn tin dụ dỗ, lôi kéo bị hại tham gia theo dõi, thả tim qua các ứng dụng TikTok, Facebook, nhạc mp3 để được trả tiền, sau đó lấy thông tin của bị hại rồi chuyển thông tin cho máy 2. Máy 2 sẽ hướng dẫn cho bị hại cách thả tim, theo dõi ứng dụng như máy 1 đã lôi kéo, để bị hại được trả công từ 10.000 - 50.000 đồng/1 lần, chuyển tiền làm từ thiện làng trẻ em SOS, lập tài khoản trên trang web corona (từ tháng 11/2022 đến nay, tên miền của trang web này liên tục được thay đổi thành Goruur1.com, SX38.com, ua8wglfq.com). Trang web này có giao diện giống hệt trang web đánh bạc trực tuyến trên mạng, máy chủ đặt tại Campuchia. Khi “con mồi - khách” chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng thì gửi qua telegram cho “khách” một hợp đồng giả của một công ty tài chính cam kết bảo đảm an toàn 100% vốn. Sau đó hướng dẫn “khách” dùng telegram để gặp “chuyên gia” - thực chất là nhân viên máy 3. Nhân viên máy 3 sẽ hướng dẫn “khách” chuyển tiền đến tài khoản ngân hàng để có điểm trong tài khoản đã lập trên trang corona (quy đổi 1 điểm = 1.000 đồng), đọc các lệnh tài, xỉu hoặc chẵn/lẻ cho người tham gia thực hiện đặt cược (hoa hồng được trả 30%-60%). Sau quá trình tham gia thăm dò bằng số tiền nhỏ và thấy tiền hoa hồng được trả vào ngân hàng (gọi là nuôi khách), lòng tham của “khách” nổi lên thì các khoản tiền tham gia cá cược sẽ lớn dần. Khi ấy, nếu “khách” muốn rút tiền thì các đối tượng sẽ đưa ra một số lý do, chẳng hạn như lỗi hệ thống, sai sót trong việc đánh số tài khoản ngân hàng, do chưa làm nốt một số thao tác để hoàn thành nhiệm vụ... nên “khách” không rút được tiền, đồng thời yêu cầu nộp thêm tiền để xác minh tài khoản… Khi “khách” đã bị “vặt sạch lông” thì các đối tượng sẽ chặn liên lạc, khóa tài khoản đã lập trên trang corona (công đoạn giết khách).

Nhóm nhân viên thứ 3 có nhiệm vụ cung cấp số tài khoản ngân hàng cho nhân viên các tổ A, B, C để “khách” chuyển tiền, quản lý ứng dụng (app) corona chuyển điểm vào tài khoản của “khách”; can thiệp, chỉnh sửa thông tin mật khẩu, khóa tài khoản ngân hàng không cho “khách” rút tiền, chấm công, tính lương và phát lương cho nhân viên, gửi các đường dẫn TikTok, xử lý một số thao tác của nhân viên sử dụng điện thoại, quản lý tài khoản ngân hàng để chuyển trả tiền “câu khách” khi đã thực hiện các nhiệm vụ ban đầu.

Như vậy, đám tội phạm này cơ bản phân chia thành 3 nhóm, được phân công phân nhiệm rõ ràng, nhóm kiếm khách, nhóm sử dụng các chiêu thức câu nhử, lừa đảo và nhóm thực hiện các nhiệm vụ hậu cần.

Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an đang điều tra vụ án hình sự lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 03/QDD – CSHS-P9 ngày 16/1/2023. Đối tượng lừa đảo đã sử dụng 18 tài khoản mở tại các ngân hàng cung cấp cho bị hại chuyển tiền vào để chiếm đoạt tài sản, gồm các tài khoản: Đoàn Thị Nhật Trinh STK 8017041054066 (ngân hàng Bản Việt); 0927015933 (ngân hàng MB); 104000969563 (Pvcombank); 05670015101 (Tpbank). Cao Vũ Minh Hiếu STK: 100015941 (Eximbank); 04201016995715 (MSB); Đào Minh Hưng STK 0949244275 (Eximbank); 1020563830 (SHB); Nguyễn Thị Linh STK 100015677 (Eximbank); 004301013956240 (MSB); 49864542950 (SCB); Nguyễn Huy Vũ STK 121704070008027 (Hdbank); 1020537138 (SHB); Trần Anh Phương STK 29086013567777 (MSB); Nguyễn Tiến Sang 19035803064015 (Techcombank); Nguyễn Thị Anh Thư STK 1026773428 (VCB); Trần Nguyễn Kỳ Duyên STK 1021730962 (VCB).

Cục Cảnh sát hình sự đề nghị các cá nhân đã bị lừa đảo và chuyển tiền đến 1 trong 18 tài khoản ngân hàng trên gửi đơn tố giác tới Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an theo địa chỉ Phòng 9/Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, 497 Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội trước ngày 16/5/2023 để được giải quyết theo quy định của pháp luật. Cán bộ liên hệ : đồng chí Lê Trọng Quý, Nguyễn Xuân Thành số điện thoại 0916529789, 0936167468.

Cất vó

Ngày 7/1/2023, sau khi đã thu thập đầy đủ tài liệu phục vụ chuyên án, Cục C02 đã phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an và Bộ đội Biên phòng Tây Ninh, công an các địa phương tiến hành triệu tập, bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với 13 đối tượng có địa chỉ thường trú tại nhiều địa phương (Tây Ninh, An Giang, Cà Mau, Thái Nguyên, Sóc Trăng, Bình Định). Mở rộng điều tra, Cục Cảnh sát hình sự tiếp tục bắt giữ thêm chín đối tượng ở Đà Nẵng, Bình Dương, Cần Thơ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Kiên Giang, Đắk Lắk, Bình Thuận; thu giữ nhiều điện thoại và đồ vật, tài liệu liên quan tới hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà các đối tượng đã thực hiện. Sau khi đã làm rõ các phương thức thủ đoạn của các đối tượng trong đường dây lừa đảo, cơ quan Công an xác định các đối tượng này đã lừa đảo hàng nghìn người Việt Nam với số tiền chiếm đoạt ước tính hàng nghìn tỷ đồng.

Thủ đoạn biến hóa của tội phạm công nghệ ảnh 1

Những đối tượng bị bắt trong chuyên án 063L.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã quyết định khởi tố vụ án hình sự; ra quyết định khởi tố bị can với 23 đối tượng: Nguyễn Hoàng Sang (SN 2001, trú tại Châu Thành, Tây Ninh); Lê Trường Thịnh (SN 1997, trú tại Bến Cầu, Tây Ninh); Dương Hoàng Tiểu Băng (SN 2002, trú tại thị xã Hòa Thành, Tây Ninh); Nguyễn Vũ Luân (SN 1997, trú tại xã Thạnh Mỹ Tây, Châu Phú, An Giang); Nguyễn Hồ (SN 1994 trú tại thị xã Hòa Thành, Tây Ninh); Nguyễn Quang Hiếu (SN 1995 trú tại thị xã Hòa Thành, Tây Ninh); Nguyễn Thị Ngọc Mai (SN 1999 trú tại thị xã Hòa Thành, Tây Ninh); Nguyễn Ngọc Thảo (SN 1998 trú tại Ngọc Hiển, Cà Mau); Đặng Xuân Hưng (SN 1994 trú tại Đại Từ, Thái Nguyên); Phạm Tuấn Khiêm (SN 2001 trú tại Hòa Thành, Tây Ninh); Châu Nguyên Bảo (SN 2001 trú tại Kế Sách, Sóc Trăng); Nguyễn Ngọc Hiếu (SN 2002, tại Phù Mỹ, Bình Định); Bùi Gia Khiêm (SN 2005 trú tại Hòa Thành, Tây Ninh) về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Mở rộng điều tra, Cục C02 bắt giữ Phan Trung (SN 1996 trú tại Hòa Cường Bắc, Hải Châu, Đà Nẵng); Nguyễn Thị Diệp Đan, (SN 2001 trú tại Dầu Tiếng, Bình Dương); Phòng Thị Cẩm Lệ (SN 1997 trú tại Yên Dũng, Bắc Giang); Huỳnh Thị Duyên Thắm (SN 1995 trú tại Vĩnh Thạnh, Cần Thơ); Nguyễn Văn Đình (SN 2003 trú tại Phú Bình, Thái Nguyên); Phan Anh Tú (SN 2003 trú tại Định Hóa, Thái Nguyên); Đặng Thành Phát (SN 2002, trú tại Tân Hội, Tân Hiệp, Kiên Giang); Phạm Văn Trường (SN 1998 trú tại Phú Lương, Thái Nguyên); Nguyễn Thị Thành (SN 1996 trú tại Krông Bông, Đắk Lắk); Nguyễn Thị Kim Hoa (SN 2001 trú tại Tánh Linh, Bình Thuận).

Cho tới thời điểm này, cơ bản các đối tượng có vai trò quản lý, tổ chức và trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đã bị bắt giữ. Đường dây lừa đảo hoạt động xuyên quốc gia do “Lùn” và ‘Trắng” cầm đầu có phương cách tổ chức bài bản với mức độ phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đã bị các cán bộ dày dạn kinh nghiệm của Bộ Công an bóc dỡ thành công.

Thủ đoạn biến hóa của tội phạm công nghệ ảnh 2

Một trong số các biệt khu có nhiều người lao động Việt Nam làm việc.

Biến hóa khôn lường…

Từ năm 2022, câu chuyện trong các “khu phức hợp” tại Svayrieng, Sihanouk Ville của Campuchia liên quan các hoạt động phạm tội có tổ chức đã được nhiều người rỉ tai nhau về cách kiếm tiền nhanh chóng và nhàn hạ, kiểu “việc nhẹ lương cao”. Nó càng nóng hơn khi hàng chục người ồ ạt trốn chạy khỏi các “khu phức hợp” ấy, sau khi gặp phải những hành động quyết liệt từ phía cơ quan công quyền nước bạn.

Cho tới thời điểm này, ngoài con số hơn 1.250 người đã được cơ quan chức năng Việt Nam đưa về nước (theo báo cáo từ Bộ Ngoại giao), có nguồn tin cho rằng số người qua lại, tham gia vào các đường dây lừa đảo kiểu như trên vẫn đang có dấu hiệu chưa dừng lại. Trao đổi ý kiến với phóng viên về những “cạm bẫy nơi đất khách”, khi mà hiện tượng người Việt Nam đồng loạt bỏ chạy ra khỏi các biệt khu và khu casino ở gần biên giới, tại một số địa bàn ở Campuchia (Svayrieng, Bavet, Phnompenh và SihanoukVille… vào khoảng tháng 4, tháng 7 và tháng 9 năm 2022, Đại tá Lê Khắc Sơn, Trưởng phòng Trọng án của C02 cho biết, về cơ bản các đối tượng tham gia các hoạt động lừa đảo tại nước ngoài không hề bị ép buộc, thậm chí đã có hiện tượng rủ rê, lôi kéo bạn bè và người thân tham gia lừa đảo có tổ chức để kiếm tiền. Về việc này, các cơ quan chức năng nước bạn đã thể hiện quan điểm quyết liệt trong công tác đấu tranh phòng, chống các loại hình tội phạm hoạt động có tổ chức.

Để có thể tránh được những cạm bẫy từ phía các đối tượng lừa đảo (về cơ bản sau mỗi ba tháng, khi các ứng dụng dần dần trở nên vô dụng vì bị nhiều người tố giác hành vi lừa đảo, “kỹ thuật viên” của các công ty lừa đảo lại phải nghiên cứu để đưa ra một ứng dụng mới), có lẽ mỗi cá nhân chỉ cần hiểu được rằng, với mọi chiêu trò lừa đảo, điều cơ bản nhất tội phạm hướng tới là tập trung khai thác tối đa lòng tham của những người nhẹ dạ.

Một số thông tin cho biết, hiện nay các hoạt động của hệ thống tội phạm người nước ngoài đã dần thu hẹp lại. Các công ty lừa đảo bắt đầu có dấu hiệu ẩn thân một cách tinh vi, kiểm soát nhân viên chặt chẽ hơn. Tuy nhiên, các hoạt động lừa đảo và chiêu thức lừa đảo vẫn biến chuyển không ngừng. Nó sẽ còn tiếp diễn khi mà một số công dân Việt Nam chưa từ bỏ ý định ra nước ngoài tham gia vào các hoạt động tội phạm xâm hại đến đồng bào trong nước.

Từ chuyên án 063L, có thể thấy được tinh thần luôn luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ lợi ích, quyền lợi hợp pháp của mỗi công dân từ phía các cán bộ, chiến sĩ công an. Điều đó đồng nghĩa với các hoạt động xâm hại lợi ích công dân Việt Nam đương nhiên sẽ phải trả giá bằng các chế tài mà pháp luật Việt Nam quy định, cho dù hoạt động phạm tội bằng các thủ đoạn tinh vi, có tổ chức và xuyên biên giới.

Qua điều tra khám phá các vụ án trong thời gian gần đây cho thấy, nhiều người Việt Nam tự nguyện sang Campuchia làm việc tại các cơ sở lừa đảo chiếm đoạt tài sản tập trung ở một số tỉnh như Svayrieng, Sihanoukville... nơi có nhiều công ty hoạt động và tập trung hàng nghìn người làm việc. Các đối tượng được trả lương hằng tháng và có thưởng nếu làm việc hiệu quả, ngược lại bị phạt tiền nếu chưa hoàn thành chỉ tiêu được giao. Quá trình làm việc, các đối tượng vẫn được phép về Việt Nam và tiếp tục quay lại làm việc khi có nhu cầu. Cơ quan công an cảnh báo việc xuất cảnh ra nước ngoài làm việc nhưng thực chất là tham gia vào các hoạt động tổ chức đánh bạc, lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua không gian mạng do các đối tượng người nước ngoài cầm đầu, trực tiếp lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam là vi phạm pháp luật. Người phạm tội vẫn bị bắt giữ và xử lý hình sự theo pháp luật Việt Nam.