Thông điệp mạnh mẽ phản đối chiến tranh

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta mà đỉnh cao là chiến thắng 30/4/1975 mãi mãi đi vào lịch sử, khẳng định tầm vóc và ý nghĩa to lớn. Liên quan đến cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, rất nhiều bức ảnh cảm động của các phóng viên trong và ngoài nước đã thể hiện những năm tháng đau thương nhưng oanh liệt đó, cũng như những nỗ lực vươn lên mạnh mẽ của đất nước và con người Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng dưới ống kính của Tim Page.
Bà mẹ Việt Nam Anh hùng dưới ống kính của Tim Page.

Kho ảnh đồ sộ về Việt Nam

Trong số họ, phóng viên chiến trường nổi tiếng người Anh Tim Page là một trong những người đã chụp lại và lưu trữ kho ảnh đồ sộ về chiến tranh Việt Nam. Qua quá trình hoạt động của mình, ông từng nói: “Những bức ảnh chân thực về chiến tranh chính là thông điệp mạnh mẽ nhất phản đối chiến tranh, làm thay đổi cái nhìn của dư luận. Những bức ảnh chiến tranh có thể là những sứ giả của hòa bình, có thể làm thay đổi lịch sử”. Sự thật qua những bức ảnh đã góp phần mang ra ánh sáng, cho công luận thế giới nhận thấy sự phi nghĩa cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Tim Page đã đưa tin sâu rộng về chiến tranh Việt Nam và góp phần mang lại cho công chúng những hình ảnh mang tính biểu tượng và lột tả sự thật về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Tác phẩm của ông được đăng tải trên hàng loạt trang tin tức như AP, UPI, Time-Life và Paris Match. Ông đã chụp lại hình ảnh các chiến trường chết chóc đầy thương vong, máy bay Mỹ quần thảo khắp trên bầu trời, cảnh lính Mỹ sát hại, tra tấn người Việt Nam hay những khoảnh khắc sinh tử khi người dân thường, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em với ánh mắt căm phẫn và sợ hãi đang đối diện kẻ thù hay đang cố gắng trốn chạy tìm nơi ẩn náu khỏi bom đạn chiến tranh.

Theo The Guardian, nhiếp ảnh gia người Anh từng bị thương khi đi trên máy bay tuần duyên Point Welcome của Mỹ, bị máy bay Mỹ bắn nhầm ngoài khơi miền nam Việt Nam vào tháng 12/1966. Trong những năm sau chiến tranh, Tim Page trở lại Việt Nam thường xuyên. Năm 1985, kỷ niệm

10 năm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước, ông đã tới TP Hồ Chí Minh, ghi lại hình ảnh đất nước từng bị tàn phá trong chiến tranh đang từng bước vượt qua khó khăn và phát triển. Năm 1989, 1995 và một vài chuyến đi ngắn sau này, ông đã lưu lại một kho ảnh đồ sộ về Việt Nam trong và sau chiến tranh, đang từng ngày đổi mới.

Tháng 4/2015, Tim Page mang theo chiếc máy ảnh phim Leica M2 ông từng sử dụng từ năm 1964 trong chiến tranh và đến tham quan mạng lưới địa đạo Củ Chi. Ông từng nói rằng, Việt Nam ràng buộc với cuộc đời mình không kém gì sức ảnh hưởng trong sự nghiệp cầm máy ảnh. Một trong những câu nói nổi tiếng của ông là: “Bức ảnh chiến tranh đẹp nhất là bức ảnh phản chiến”. Tim Page sinh ra ở Tunbridge Wells (Anh) năm 1944, chuyển đến Australia vào năm 2002 và trở thành trợ giảng về báo ảnh tại Đại học Griffith ở Brisbane thuộc bang Queensland. Ngày 24/8 vừa qua, ông mất vì bệnh nặng, thọ 78 tuổi.

Thông điệp mạnh mẽ phản đối chiến tranh ảnh 1

Nhiếp ảnh gia Tim Page bên một tác phẩm của mình. Ảnh: GETTY

Sức mạnh của hình ảnh

Bài báo “Những bức ảnh cảm động nhất về chiến tranh Việt Nam” trên tờ Time đã viết: “Những bức ảnh về chiến tranh đã làm minh chứng cho những đau thương mà chiến tranh mang lại, lột tả những nỗi kinh hoàng về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam theo cách mà ngôn từ không thể miêu tả hết”. Bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm” của nhiếp ảnh gia Nick Út chụp ngày 6/8/1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh đã làm rung động công chúng thế giới theo cách đó. Bức ảnh lịch sử đã giúp ông nhận giải ảnh báo chí Pulitzer (Mỹ) năm 1973, được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn. Sau khi chụp, bức ảnh đã được đăng tải trên toàn thế giới và đã góp phần tác động vào việc chấm dứt cuộc chiến tranh.

Phóng viên ảnh người Mỹ Gilles Caron cũng là một trong những người sở hữu những bức ảnh gây ám ảnh với công chúng khi được xuất bản. Bức ảnh chụp một lính Mỹ từ đằng sau, đối mặt một người mẹ Việt Nam đang ôm con trên tay trái và tay phải dắt theo một đứa. Trong mắt người phụ nữ trẻ và hai đứa trẻ không chỉ là sợ hãi, căng thẳng mà còn cả sự kiên cường của người mẹ; đối lập với tư thế lúng túng của binh sĩ Mỹ đang nắm khẩu súng trường tự động. Bức ảnh cho thấy góc khuất nội tâm ở cả hai phía và dù không thể hiện ra nhưng kết cục đau thương đằng sau bức ảnh không thể chối bỏ sự thật là lính Mỹ đã sát hại cả người dân địa phương trong đó có phụ nữ và trẻ em.

Thông điệp mạnh mẽ phản đối chiến tranh ảnh 2

Máy bay Mỹ quần thảo trên bầu trời. Ảnh: TIM PAGE

Ngoài ra, nhiều phóng viên, nhiếp ảnh gia trên thế giới đã lấy đề tài phản chiến, những chia rẽ và sự phản đối mạnh mẽ ngay trong nước Mỹ để góp phần đánh thức lương tri, chứng minh cho cuộc chiến chính nghĩa chống xâm lược, bảo vệ dân tộc của nhân dân Việt Nam. Họ đã ghi được những hình ảnh thể hiện sự đau khổ và bạo lực của cuộc chiến tranh, cũng như những chia rẽ sâu sắc, từ đó lan rộng thành phong trào phản chiến trong xã hội Mỹ. Những bức ảnh đó đã góp phần làm nên lịch sử và cho đến nay, những hình ảnh nổi bật và chân thực nhất vẫn giữ được sức mạnh vượt lên ngôn từ của chúng.