Thời điểm khó khăn của Google

Tháng 9/2023 đánh dấu 25 năm kể từ khi Tập đoàn công nghệ Google được thành lập ở California (Mỹ), với ý tưởng ban đầu là một công cụ sắp xếp thông tin giúp những người truy cập internet trên toàn cầu dễ dàng tìm kiếm hơn. Hiện nay, công ty tiên phong về tìm kiếm đang đối mặt hàng loạt thách thức pháp lý trên toàn cầu.
0:00 / 0:00
0:00
Google đối mặt nhiều vụ kiện trên toàn cầu. Ảnh: EURONEWS
Google đối mặt nhiều vụ kiện trên toàn cầu. Ảnh: EURONEWS

Sự phát triển “thần tốc”

Tháng 9/1998, hai nghiên cứu sinh Larry Page và Sergey Brin tại Đại học Stanford, bang California (Mỹ) đã thành lập Google với trụ sở đầu tiên đặt trong một garage để xe. Thuật toán của Page và Brin có tên gọi là PageRank, được phát triển như một phần của dự án nghiên cứu tại Stanford, đã cách mạng hóa việc tìm kiếm thông tin bằng cách xếp hạng các trang web dựa trên mức độ liên quan, mang lại cho người dùng kết quả chính xác và hữu ích hơn.

Ban đầu, hai nhà sáng lập đã hợp tác và xây dựng một công cụ tìm kiếm có tên Backrub, với mục đích sử dụng những liên kết xác định thông tin từ các trang web, rồi sau đó dùng thuật toán ưu tiên sắp xếp kết quả tìm kiếm và hiển thị cho người sử dụng. Giống xuất phát điểm của nhiều công ty công nghệ cùng thời đó, ý tưởng của Larry Page và Sergey Brin không gây chú ý ngay từ đầu, mà trải qua giai đoạn dài thử nghiệm trên thị trường trước khi nhận được khoản đầu tư khổng lồ để phát triển như hiện nay.

Với thành công của sản phẩm tìm kiếm ban đầu, Google đã gây dựng giá trị thương hiệu và trở thành một trong những “gã khổng lồ” không thể thiếu trong giới công nghệ toàn cầu. Từ năm 2006, từ điển tiếng Anh Oxford đã bổ sung từ “Google” vào từ điển, chính thức công nhận đây là một động từ để chỉ việc tìm kiếm thông tin trên inertnet nói chung. Trong vòng 5 năm phát triển đột phá thần tốc của mình, Google đã tham gia nhiều lĩnh vực hoạt động và thâu tóm mảng công nghệ lớn, từ phát triển dịch vụ bản đồ vệ tinh Google Maps, đến các thương vụ mua lại hệ điều hành Android, trang video trực tuyến YouTube, hãng xe công nghệ Uber... Theo Financial Times, trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2015, trung bình mỗi tuần Google mua lại một công ty mới.

Ngoài công nghệ, Google đã thu hút thêm các nhà đầu tư phát triển sang cả lĩnh vực quỹ tài chính để thu mua cổ phần của các công ty khác. Năm 2015, Google trở thành Tập đoàn Alphabet, ngoài sở hữu cỗ máy tìm kiếm lớn nhất thế giới thì công ty mẹ cũng tiến hành tái cấu trúc để xây dựng một “đế chế” mới. Năm 2022, Alphabet đã đạt doanh số khoảng hơn 282 tỷ USD, gấp gần 10 lần so năm 2010 là 29,3 tỷ USD.

Với lợi thế này, Google hiện nay đã trở thành một trong những doanh nghiệp tiên phong dẫn đầu công nghệ đột phá, trong đó có trí tuệ nhân tạo (AI) và nghiên cứu điện toán lượng tử, để nâng cấp sản phẩm và dịch vụ của mình. AI mang tên Bard của Google là một chatbot được xây dựng dựa trên mô hình ngôn ngữ tiên tiến, cho phép tương tác với người dùng một cách tự nhiên và liên tục trong một cuộc hội thoại. Bard có thể trả lời các câu hỏi, cung cấp thông tin hữu ích, giải quyết các vấn đề, hoặc nói chuyện với người dùng theo nhiều cách khác nhau. Để có thể triển khai AI này, thuật toán phải nắm bắt được sự phức tạp của ngôn ngữ, “học hỏi” kiến thức bằng nhiều thứ tiếng và nâng cao về thông tin, bao gồm cả khả năng xác định những nội dung quan trọng trong video bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Công ty cho biết sẽ đưa những tiến bộ AI mới nhất vào các sản phẩm và dịch vụ khác ngoài dịch vụ tìm kiếm của mình để cung cấp cho đối tác.

Trong thư kỷ niệm 25 năm thành lập, Tổng Giám đốc điều hành (CEO) của Alphabet, ông Sundar Pichai nhấn mạnh: “Ngày càng có nhiều người chuyển sang sử dụng Google để có được thông tin chi tiết và hiểu biết sâu sắc hơn. Tìm hiểu về một chủ đề chuyên sâu có thể mất rất nhiều công sức để tìm ra câu trả lời và mọi người thường muốn khám phá nhiều quan điểm hoặc quan điểm đa chiều. Đó là những gì mà công cụ tìm kiếm của chúng tôi có thể trả lời trong tương lai”.

Công ty cũng đang đạt được tiến bộ trong cuộc đua giành lợi thế về công nghệ lượng tử. Google đã đầu tư hàng tỷ USD để nâng cao công nghệ điện toán lượng tử và phát triển các cỗ máy để tăng hiệu suất cho các nhà nghiên cứu. Từ năm 2019, công ty này đã tuyên bố đạt được bước đột phá về điện toán lượng tử, với bộ vi xử lý hoạt động tính toán trong vài phút mà máy tính truyền thống phải mất 10.000 năm để xử lý. Điện toán lượng tử là một công nghệ non trẻ sử dụng vật lý lượng tử để đạt được khả năng xử lý thông tin rất lớn. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu từ phòng thí nghiệm của Google đặt mục tiêu tham vọng nhằm tạo ra một máy tính lượng tử có thể giải quyết các vấn đề trong thế giới thực. “Quá trình nghiên cứu của chúng tôi sẽ thúc đẩy tiến bộ công nghệ phi thường trong 25 năm tới”, ông Pinchai tiết lộ mục tiêu của công ty vào năm 2048.

Thời điểm khó khăn của Google ảnh 1

Trụ sở Tập đoàn công nghệ Google tại Mỹ. Ảnh: CNN

Những thách thức pháp lý

Dù đang đặt mục tiêu rất tham vọng, song ông lớn công nghệ cũng đang đối mặt với các rắc rối pháp lý ở nhiều quốc gia, từ châu Âu đến Mỹ, Australia… Năm 2018, Ủy ban châu Âu (EC) đã phạt công ty mẹ Alphabet một khoản tiền kỷ lục hơn bốn tỷ USD trong một vụ kiện tập đoàn này lạm dụng vị thế để cạnh tranh không lành mạnh.

Theo Reuters, vừa qua, tập đoàn công nghệ Mỹ lại bị cáo buộc “bóp nghẹt sự cạnh tranh trên thị trường công cụ tìm kiếm ở Anh”. Một đơn kiện thay mặt cho tất cả người tiêu dùng tại nước Anh, đã yêu cầu bồi thường thiệt hại khoảng bảy tỷ bảng Anh (8,7 tỷ USD). Trong đó, đại diện pháp lý của những người tiêu dùng cáo buộc Google vi phạm luật cạnh tranh khi hoàn toàn lấn át về công cụ tìm kiếm trên thiết bị di động và “lợi dụng vị thế thống trị thị trường của mình để tăng mức giá quảng cáo”. Theo đơn tố cáo, những chi phí ẩn này ảnh hưởng đến người tiêu dùng, khiến họ phải trả nhiều tiền hơn cho hàng hóa và dịch vụ.

Google đã thanh minh về các cách thức kiếm tiền từ quảng cáo, song việc phải đối mặt với vụ kiện mới ở Anh cũng đe dọa làm suy giảm danh tiếng và doanh thu của tập đoàn công nghệ tỷ USD. Trong những năm gần đây, ông lớn công nghệ đã phải chịu sự giám sát từ các cơ quan quản lý của Mỹ, Anh và Liên minh châu Âu (EU), với các vụ kiện yêu cầu bồi thường cho các nhà xuất bản bị mất doanh thu từ quảng cáo. Google và một số tập đoàn công nghệ khác của Mỹ cũng đã rơi vào tầm ngắm của các cơ quan chống độc quyền, với cáo buộc “độc chiếm thị trường quảng cáo trực tuyến”, trong đó có vụ kiện chống độc quyền “lớn nhất thế kỷ” khi Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc tập đoàn Alphabet đã trả tiền cho các đối tác viễn thông để Google là công cụ mặc định trên hầu hết điện thoại và trình duyệt.

Gần đây nhất, hôm 14/9, giới chức bang California (Mỹ) đã thông báo về thỏa thuận dàn xếp lên tới 93 triệu USD đối với công ty mẹ Alphabet của Google. Vụ kiện cáo buộc công ty này liên tục thu thập và lưu trữ dữ liệu định vị ngay cả sau khi người dùng tắt lịch sử vị trí. EU và nhiều nước khác như Canada, Australia… đã thông qua các quy định pháp lý mới nghiêm ngặt hơn, nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh kỹ thuật số của các tập đoàn công nghệ thông tin lớn trên thế giới, trong đó có cái tên Google.