Thỏa thuận toàn cầu về chấm dứt ô nhiễm nhựa

Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC) về ô nhiễm nhựa vừa đạt được nhất trí trong việc xây dựng phiên bản đầu tiên của bản dự thảo về một thỏa thuận đa phương, có tính ràng buộc pháp lý nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa trên Trái đất. Tiến trình đàm phán hiện trong giai đoạn sơ khai và còn nhiều bất đồng giữa các bên, song đem tới những tiến bộ đáng khích lệ cho nỗ lực bảo vệ môi trường sống của toàn nhân loại.
0:00 / 0:00
0:00
Rác thải nhựa đang tràn ngập các bãi biển trên thế giới. Ảnh: EURACTIV
Rác thải nhựa đang tràn ngập các bãi biển trên thế giới. Ảnh: EURACTIV

Xây dựng thỏa thuận đầy tham vọng

Hội đồng Môi trường LHQ (UNEA) là cơ quan ra quyết định cấp cao nhất về vấn đề môi trường, với sự đóng góp ý kiến của tất cả 193 quốc gia thành viên của LHQ. UNEA tổ chức hội nghị hai năm một lần để xác định các ưu tiên trong chính sách môi trường toàn cầu và phát triển luật môi trường quốc tế. Các tuyên bố và nghị quyết tại các kỳ họp của UNEA là chỉ dẫn quan trọng cho các hành động liên chính phủ trong vấn đề môi trường và góp phần thực hiện Chương trình nghị sự năm 2030 của LHQ về phát triển bền vững.

Nhựa, vật liệu nhân tạo hiện không thể thiếu, đang tàn phá các hệ sinh thái môi trường trên khắp hành tinh. Với hàng tỷ tấn nhựa lưu thông trên Trái đất, ô nhiễm nhựa đã được tìm thấy trong mọi hệ sinh thái, từ những đỉnh núi cao nhất đến những nơi sâu nhất hành tinh. Các hạt nhựa được phát hiện trong nhau thai, máu và sữa mẹ, gây ra các mối đe dọa lớn đối với sức khỏe con người.

Theo UNEA, mức độ ô nhiễm rác thải nhựa gia tăng nhanh chóng, là một vấn đề môi trường toàn cầu nghiêm trọng, tác động tiêu cực đến các khía cạnh môi trường, xã hội, kinh tế và sức khỏe trong tiến trình hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Với những cam kết như hiện nay, lượng chất thải nhựa xâm nhập vào hệ sinh thái dưới nước có thể lên tới 23 đến 37 triệu tấn mỗi năm kể từ năm 2040, gần gấp ba lần lượng rác thải ghi nhận năm 2016.

Tại kỳ họp thứ 5 của UNEA được tổ chức tại Nairobi (Kenya) năm 2022, các thành viên tham dự đã thông qua quyết định lịch sử về việc nhất trí phát triển một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển, với tham vọng hoàn thành các cuộc đàm phán vào năm 2024. Công cụ pháp lý này được xây dựng dựa trên cách tiếp cận toàn diện nhằm giải quyết toàn bộ các vấn đề liên quan vòng đời của các sản phẩm nhựa. UNEA đang tích cực chuẩn bị cho kỳ họp thứ 6, dự kiến diễn ra từ ngày 26/2 đến ngày 1/3 năm 2024 tại trụ sở của Chương trình Môi trường của LHQ (UNEP) ở Nairobi.

Vòng đàm phán thứ 2 của Ủy ban đàm phán liên chính phủ (INC-2) để phát triển công cụ pháp lý quốc tế mang tính ràng buộc về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả môi trường biển đã diễn ra từ ngày 29/5 đến ngày 2/6 tại trụ sở Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của LHQ (UNESCO) ở Paris (Pháp). Hơn 1.700 đại biểu, trong đó có hơn 700 đại biểu đến từ 169 quốc gia thành viên và hơn 900 quan sát viên từ các tổ chức phi chính phủ đã tham dự sự kiện. Vòng đàm phán thứ nhất (INC-1) được tổ chức trước đó tại Punta del Este (Uruguay) vào tháng 11/2022.

Theo thông cáo báo chí của INC-2, các bên tham gia đàm phán đã nhất trí giao nhiệm vụ cho Chủ tịch Ủy ban, với sự hỗ trợ của Ban Thư ký, xây dựng bản dự thảo đầu tiên để phát triển một công cụ ràng buộc pháp lý quốc tế về ô nhiễm nhựa, bao gồm cả trong môi trường biển, trước khi vòng đàm phán tiếp theo diễn ra tại Nairobi vào tháng 11 tới. Dự thảo sẽ được tiếp tục xem xét tại vòng đàm phán ở Canada vào tháng 4/2024 và được kỳ vọng sẽ chính thức thông qua tại vòng đàm phán cuối cùng tổ chức ở Hàn Quốc vào cuối năm 2024.

Giúp phân định rõ khác biệt

Phát biểu ý kiến tại phiên toàn thể của INC-2, Giám đốc điều hành UNEP Inger Andersen nhấn mạnh, thế giới đang đối mặt cùng lúc ba cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, gồm khủng hoảng biến đổi khí hậu, khủng hoảng thiên nhiên và mất đa dạng sinh học, khủng hoảng ô nhiễm và chất thải. Đáng chú ý, những người dân ở các quốc gia và cộng đồng nghèo nhất phải hứng chịu hậu quả nặng nề nhất từ các cuộc khủng hoảng này.

Giám đốc điều hành UNEP cho rằng, cơ sở hạ tầng tái chế rác thải nhựa không thể đối phó với khối lượng rác thải ngày một tăng như hiện nay. Vì vậy, chỉ có tiếp cận một cách đầy đủ, minh bạch và mang tính chuyển đổi đối với tất cả giai đoạn trong vòng đời của sản phẩm nhựa mới có thể đem lại thành công trong nỗ lực chống ô nhiễm nhựa. Bà Inger Andersen đề xuất thiết kế lại các sản phẩm tiêu dùng để sử dụng ít nhựa hơn. Thí dụ, dầu gội đầu, xà phòng, chất tẩy rửa hiện nay chủ yếu được hóa lỏng và vận chuyển trong các hộp nhựa, trong khi có thể thiết kế lại để vận chuyển chúng ở dạng chất rắn, bột khô hoặc các sản phẩm nén thay thế với hộp chứa ít nhựa hơn hoặc không phải làm từ nhựa.

Theo bà Inger Andersen, các cam kết hiện tại chỉ có thể giúp giảm khoảng 8% lượng ô nhiễm nhựa vào năm 2040. Vì vậy, nếu xây dựng thành công và được thông qua, công cụ pháp lý quốc tế mang tính ràng buộc về ô nhiễm nhựa sẽ là một bước tiến lớn để góp phần chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa. Bà Inger Andersen đánh giá, đây sẽ là thỏa thuận toàn cầu quan trọng nhất kể từ sau Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Theo Reuters, nửa đầu của các cuộc đàm phán kéo dài năm ngày vừa qua của INC-2 đã được dành để tranh luận về các vấn đề thủ tục. Các phái đoàn chia rẽ thành các nhóm trong thảo luận về một loạt các biện pháp kiểm soát để ngăn chặn ô nhiễm nhựa, cũng như liệu các nước thành viên tham gia có nên xây dựng kế hoạch quốc gia hay đặt ra các mục tiêu ở phạm vi toàn cầu để giải quyết vấn đề.

Một nhóm các thành viên muốn xây dựng một hệ thống ràng buộc thông qua đa số phiếu, trong khi nhóm còn lại muốn áp dụng quy tắc đồng thuận như Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Nhóm không chính thức được gọi là “Liên minh tham vọng cao”, bao gồm các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng như Nhật Bản, Chile và các quốc đảo mong muốn các mục tiêu ở phạm vi toàn cầu để giảm sản xuất nhựa và ô nhiễm nhựa, cũng như đặt ra các hạn chế đối với một số hóa chất độc hại. Trong khi đó, các quốc gia như Mỹ và Saudi Arabia lại ủng hộ việc xây dựng các kế hoạch quốc gia hơn là các mục tiêu toàn cầu để giải quyết vấn đề.

Đại sứ Ilana Seid, Trưởng phái đoàn thường trực của Palau tại LHQ, Chủ tịch Nhóm các quốc gia đang phát triển ở đảo nhỏ trên Thái Bình Dương cho biết, các hòn đảo nhỏ hiện nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi ô nhiễm nhựa vì có vị trí gần giao lộ của nhiều dòng hải lưu lớn và xa xôi. Nền kinh tế nhỏ các quốc đảo thiếu khả năng tiếp cận những cơ sở tái chế chất thải với quy mô đủ lớn. Vì vậy, các quốc đảo kỳ vọng công cụ pháp lý mới phải bao gồm các nghĩa vụ để làm sạch nhựa trong đại dương, không chỉ vì lợi ích của các quốc đảo, mà còn vì lợi ích của cộng đồng toàn cầu. Thái Bình Dương cung cấp phần lớn thủy sản và hải sản cho thế giới, trong khi đang bị ô nhiễm bởi nhựa.

Tuy chưa thể giúp thống nhất được quan điểm trong nhiều vấn đề, song vòng đàm phán lần này của INC đã phân định các khác biệt và làm rõ lập trường mà mỗi bên tham gia có thể sẵn sàng chấp nhận về thỏa thuận đang xây dựng. Ban Thư ký INC đã mời các nhà quan sát và các thành viên gửi báo cáo về các vấn đề không được thảo luận tại vòng đàm phán vừa qua để phục vụ cho quá trình xây dựng bản dự thảo của thỏa thuận đầy tham vọng trong tương lai.