Ký ức ngày xưa cũ
Sinh ra và lớn lên tại thành phố, hay bị bạn bè nói “Chắc mày không có tuổi thơ” nhưng thật ra Lý Thế Vinh (SV Trường ĐH Tôn Đức Thắng) có một tuổi thơ rất đẹp bên anh em, họ hàng. Ký ức đẹp nhất với bạn trẻ này là những trò chơi ấn tượng của Tết Trung thu lúc còn nhỏ. “Nhà em ở quận vùng ven nên khi đó còn khá hoang sơ, họ hàng sống sát nhau, vui lắm. Cứ đến Tết Trung thu, tụi em lại rủ nhau chơi múa lân với mền và gối. Đến tối, em cùng các anh, em họ cầm những chiếc lồng đèn giấy kiếng đủ mầu đến từng nhà trong xóm nhờ tắt điện để lồng đèn rực rỡ hơn. Với em, Tết Trung thu ngày trước là một ký ức không thể nào quên”, Vinh nhớ lại.
Câu chuyện đẹp về Trung thu đầy kỷ niệm của Vinh khiến nhiều bạn trẻ có mặt trong đêm hội “Chuyện kể ông Trăng - Tấm vé về với tuổi thơ” xúc động. Rất nhiều ký ức đã được gợi lại, xâu chuỗi thành những câu chuyện đẹp về Trung thu bên gia đình, người thân về tuổi thơ trong trẻo, hồn nhiên, điều khó tìm trong cuộc sống sôi động hiện nay.
Từng là sinh viên theo ngành văn hóa nên khi thấy thông tin về hoạt động ý nghĩa này trên mạng xã hội, Nguyễn Thị Anh Thư (quận 7, TP Hồ Chí Minh) đăng ký tham gia ngay. Được sống lại những kỷ niệm tuổi thơ, được đón Trung thu bên cạnh những người bạn mới với Thư là một điều thú vị. Nguyễn Thị Anh Thư xúc động nói: “Đến đây, mình có cơ hội để chơi Trung thu một cách thoải mái, tự nhiên. Mình lớn rồi nên dù rất thích, rất nhớ nhưng thấy bày ra chơi cũng kỳ và nghĩ cũng không ai chơi chung. Nhưng khi đến đây mình thấy mình đã lầm. Vẫn nhiều người lớn mê Trung thu xưa giống mình lắm. Và khi được nghe những câu chuyện về Trung thu tuổi thơ của các bạn, mình thấy cảm động, thấy đâu đó hình ảnh của mình ngày xưa”.
Để kỷ niệm luôn được giữ gìn
Tại đêm hội, các bạn trẻ được hướng dẫn làm lồng đèn bằng vỏ hộp hoặc lon sữa bò nẹp tre kiểu truyền thống. Trên những chiếc chiếu hoa, những người trẻ mới gặp lần đầu hào hứng cùng nhau cắt tỉa, quấn thép, gắn đèn để tạo thành những chiếc lồng đèn tuổi thơ bắt mắt nhất. Các bạn còn tự nhào bột, tạo khuôn để làm ra những chiếc bánh đủ mầu sắc - loại bánh thường dùng vào dịp Trung thu tại miền nam ngày trước. Trong không khí ấm cúng của căn phòng nhuốm mầu thời gian treo đầy lồng đèn kiếng, mặt nạ giấy bồi, tiếng ca trong trẻo vang lên từ máy hát khiến ai cũng lắng lòng. “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một mối mơ…”, khiến niềm vui lan tỏa khắp gian phòng mang mầu sắc tuổi thơ.
Sau các hoạt động kết nối, nhiều bạn trẻ đã đến với phần hấp dẫn nhất của chương trình. Tại sân khấu nhỏ, họ ngồi nghe một người trẻ khác đam mê văn hóa kể chuyện Trung thu xưa và nay. Ths Nguyễn Hiếu Tín, giảng viên bộ môn Văn hóa học, Trường ĐH Tôn Đức Thắng cho biết, khi mang những câu chuyện về Trung thu đến đây, điều anh mong muốn là giúp các bạn trẻ hiểu đúng, hiểu đủ hơn về nét đẹp văn hóa này của người Việt Nam. Khi nghe về nguồn gốc Tết Trung thu, sự tích chú Cuội, chị Hằng rồi so sánh Trung thu xưa và nay, nhiều bạn trẻ tỏ ra ngạc nhiên với những kiến thức vô cùng mới mẻ.
“Bằng những câu chuyện tươi vui, thú vị cùng cách trao đổi nhẹ nhàng, tôi muốn chứng minh cho các bạn trẻ thấy rằng người Việt có bản sắc văn hóa rất rõ, Tết Trung thu là một thí dụ điển hình. Trong sự giao thoa văn hóa chúng ta có những nét rất riêng, không nhầm lẫn vào đâu được. Giới trẻ bây giờ rất thông minh và đam mê khám phá cái mới. Nhưng cái cũ cũng có giá trị và vẫn cần được lưu giữ. Cái cũ cùng cái mới sẽ giúp các bạn hiểu về văn hóa nước nhà rõ hơn, chuẩn hơn và biết đâu là bản sắc để giữ gìn, phát triển”, Ths Nguyễn Hiếu Tín cho biết thêm.
Kết thúc buổi trò chuyện thú vị, nhóm các bạn trẻ cùng nhau “phá cỗ” với mâm trái cây đầy ắp và bánh dẻo, bánh nướng hương vị đúng kiểu ngày xưa. Rộn ràng tiếng cười vui, tay cầm đèn lồng mình tự làm, họ cùng di chuyển vào ngôi chùa gần đó rước đèn, ngắm trăng, kết thúc hành trình hoài cổ đáng nhớ.