PV: Thưa Thứ trưởng, ông nhận xét như thế nào về các vấn đề cần được sửa đổi trong khung khổ pháp lý trên thị trường TPDN?
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Theo dõi thị trường TPDN thời gian vừa qua, có thể thấy, thị trường đang cần các quy định chặt chẽ hơn về điều kiện phát hành TPDN. Điều này nhằm hạn chế việc doanh nghiệp phát hành TPDN với khối lượng lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, gây mất an toàn trong hoạt động, ảnh hưởng đến khả năng thanh toán gốc, lãi trái phiếu của doanh nghiệp. Cụ thể, doanh nghiệp chỉ được phát hành TPDN với giá trị không quá ba lần vốn chủ sở hữu, nếu phát hành vượt hơn một lần vốn chủ sở hữu thì trái phiếu phát hành phải có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng.
Việc thu hẹp mục đích phát hành là nhằm hạn chế tình trạng doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu cho các mục đích khác hoặc chuyển vốn “lòng vòng” giữa các doanh nghiệp làm nhà đầu tư nắm giữ trái phiếu khó giám sát việc sử dụng vốn đúng mục đích. Theo đó, không được phát hành để cho vay, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của doanh nghiệp khác (ngoại trừ các trường hợp được quy định riêng). Quan trọng nhất là quy định doanh nghiệp phát hành bắt buộc phải mua lại trái phiếu từ nhà đầu tư nếu vi phạm pháp luật và vi phạm phương án phát hành. Quy định này nhằm tăng cường trách nhiệm và nghĩa vụ của doanh nghiệp phát hành trong việc tuân thủ theo phương án phát hành trái phiếu, sử dụng vốn đúng mục đích đã công bố thông tin cho nhà đầu tư.
Trong quy định mới đang dự thảo, tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký giao dịch tài sản bảo đảm, chào bán cho nhà đầu tư cá nhân phải có đại diện người sở hữu trái phiếu để nâng cao chất lượng trái phiếu, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư. Và chắc chắn, việc hạn chế nhà đầu tư cá nhân (chỉ được mua trái phiếu riêng lẻ do công ty đại chúng phát hành, có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng) sẽ định hướng nhà đầu tư cá nhân đầu tư vào trái phiếu có độ an toàn và công khai, minh bạch cao hơn.
Bên cạnh đó, quy định tổ chức cung cấp dịch vụ về TPDN chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật về việc rà soát điều kiện phát hành và chào bán cho đúng đối tượng nhà đầu tư. Đồng thời, Bộ Tài chính hướng dẫn việc cung cấp dịch vụ của các tổ chức này để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ và tăng cường quản lý, giám sát. Việc tổ chức thị trường giao dịch thứ cấp và nâng cao công bố thông tin, chế độ báo cáo là để tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường TPDN.
PV: Có thể thấy với các quy định mới đang được cơ quan chức năng dự thảo thì trách nhiệm của tổ chức phát hành, đặc biệt là các tổ chức tín dụng và công ty chứng khoán được ràng buộc chặt chẽ hơn. Như vậy, liệu vấn đề bảo đảm, bảo lãnh có mang tới cho nhà đầu tư sự an toàn cao hơn không, thưa Thứ trưởng?
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Theo kế hoạch, trong ngắn hạn, sau khi Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153 được ban hành, Bộ Tài chính sẽ triển khai xây dựng và ban hành Thông tư hướng dẫn về chế độ báo cáo, công bố thông tin, trong đó bổ sung yêu cầu nội dung báo cáo đối với các tổ chức cung cấp dịch vụ; hướng dẫn giao dịch TPDN riêng lẻ giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Song song với việc ban hành Thông tư, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo Sở Giao dịch chứng khoán (GDCK) Việt Nam và Sở GDCK Hà Nội hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật để vận hành ngay thị trường giao dịch thứ cấp TPDN riêng lẻ. Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần làm việc với các thành viên thị trường để đánh giá việc triển khai các quy định về chào bán TPDN ra công chúng. Nhằm tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp chào bán trái phiếu ra công chúng gắn với niêm yết, giao dịch, Bộ Tài chính đã giao Ủy ban Chứng khoán nhà nước rà soát, đẩy nhanh quy trình và chuẩn hóa hồ sơ đăng ký chào bán.
Nhằm khuyến khích doanh nghiệp đa dạng hóa các loại hình TPDN phù hợp với nhu cầu huy động vốn, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy chuẩn phát hành trái phiếu xanh để vừa tạo kênh huy động vốn cho các doanh nghiệp, vừa thu hút thêm các nhà đầu tư tổ chức trong và ngoài nước; đồng thời, phát triển các sản phẩm TPDN dự án đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), trái phiếu dự án để thúc đẩy thị trường vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng.
Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành trong quản lý, giám sát thị trường TPDN, bao gồm thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành và sử dụng vốn thu được từ phát hành TPDN riêng lẻ (trong đó bao gồm việc phát hành và cung cấp dịch vụ của các công ty chứng khoán, tổ chức tín dụng, một số doanh nghiệp phát hành có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao)...; đồng thời, phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan liên quan nắm bắt tình hình, tiếp nhận thông tin, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật để xử lý theo quy định và công bố rộng rãi các đối tượng và hành vi vi phạm.
Trên cơ sở thống kê tình hình phát hành TPDN của các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng trong việc chia sẻ thông tin về hoạt động phát hành TPDN của các doanh nghiệp này; nghiên cứu việc bổ sung các quy định về an toàn tài chính khi huy động vốn, bao gồm vốn huy động từ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng.
PV: Gần đây, Bộ Tài chính đã đẩy mạnh hoạt động trên lĩnh vực quản lý nợ và tài chính đối ngoại nhằm tăng cường khả năng thu hút và hấp thụ nguồn vốn vay quốc tế cho các doanh nghiệp Việt Nam. Theo Thứ trưởng, việc thúc đẩy dịch vụ xếp hạng tín nhiệm có tác động như thế nào đối với dòng vốn trên thị trường TPDN?
Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi: Trong quy định của Luật Chứng khoán năm 2019 và Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định, doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm từ ngày 1/1/2023. Hiện nay, Bộ Tài chính đã cấp phép cho hai doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm theo quy định, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm quốc tế tham gia cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường TPDN.
Thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu các giải pháp mở rộng phạm vi áp dụng dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Trên cơ sở đó, nâng cao chất lượng các trái phiếu được chào bán, phát hành và bổ sung công cụ cho nhà đầu tư đánh giá rủi ro trước khi mua trái phiếu; hình thành thói quen và thông lệ sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi phát hành, đầu tư TPDN. Bộ Tài chính cũng đang rà soát, sửa đổi quy định về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm theo hướng chuẩn hóa các quy định về điều kiện và hồ sơ được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ; đồng thời, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý giám sát đối với dịch vụ này.
Cũng cần nói thêm một chút về phát triển cơ sở nhà đầu tư. Bên cạnh cơ chế chính sách về phát hành TPDN, để phát triển bền vững thị trường TPDN nói riêng, thị trường vốn nói chung, Bộ Tài chính sẽ triển khai các giải pháp để tiếp tục mở rộng cơ sở nhà đầu tư, trong đó ưu tiên thúc đẩy các định chế tài chính trung gian (doanh nghiệp bảo hiểm, các loại hình quỹ đầu tư, hệ thống quỹ hưu trí) tăng tiềm lực tài chính và mở rộng các sản phẩm dịch vụ để thu hút nguồn vốn nhàn rỗi và tạo kênh đầu tư an toàn cho nhà đầu tư cá nhân. Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán nhà nước rà soát, đánh giá hoạt động của các quỹ đầu tư chứng khoán, quỹ đầu tư trái phiếu theo hướng thúc đẩy sự tham gia của các quỹ này trên thị trường TPDN; tạo thuận lợi để nhà đầu tư cá nhân tham gia thị trường thông qua các quỹ đầu tư, giảm rủi ro và tăng khả năng đánh giá rủi ro tài chính. Bộ Tài chính sẽ bổ sung quy định về việc các quỹ đầu tư chứng khoán đầu tư vào TPDN riêng lẻ có xếp hạng tín nhiệm cao.
PV: Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!